Chìm nổi những phận sông: Sông hiền hóa dữ

Những cuộc chạm trán nảy lửa, những lần ẩu đả đến đổ máu…, giữa dòng sông mẹ hiền hòa, những đứa con đang ngày ngày giày xéo nhau vì chén cơm manh áo.

Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu loạt bài 5 kỳ Chìm nổi những phận sông của tác giả Trương Chí Hùng.

Kỳ 1: Xóm câu xao xác

Kỳ 2: Ký ức cuồn cuộn sóng

Kỳ 3: “Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà”

Kỳ 4: Sông hiền hóa dữ

Trong bài hát Trở về dòng sông tuổi thơ của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp, tôi thích nhất đoạn ông so sánh con sông với tâm tính cô gái trẻ lúc đang yêu. “Sông cũng như người ấy, có khi vui buồn, có khi hờn ghen, chỉ tình yêu tuổi thơ mới thấy”. Dọc theo thủy trình sông Hậu, mới biết dòng sông cũng có lúc vui lúc buồn, lúc lãng mạn nên thơ, lúc dữ dội cuồng nhiệt.

Những chiếc ghe cát đêm ngày gặm nhấm lòng sông. Ảnh: Trương Chí Hùng

Những chiếc ghe cát đêm ngày gặm nhấm lòng sông. Ảnh: Trương Chí Hùng

Khi vào lãnh thổ Việt Nam ở thị trấn Long Bình huyện An Phú (An Giang), sông Hậu chia thành hai dòng. Dòng chính chảy hướng Đông - Nam về phía chợ Khánh An, gọi là sông Bassac, hay sông Bát-Sắc, Ba-Thắc. Dòng phụ chảy theo hướng Tây - Nam, gọi là sông Bình Di, men theo biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, ôm gần một nửa cù lao tả ngạn. Khi tới ngã ba Bắc Đai, sông Bình Di được người dân gọi là sông Phú Hội, rồi xuôi về đến vàm Vĩnh Hội Đông, nó lại có tên gọi khác là sông Châu Đốc. Những tưởng cuộc chia ly giữa hai nhánh sông chốn biên thùy sẽ không mong gì có ngày tái ngộ, ngờ đâu qua những gập ghềnh đục trong, chúng lại hợp lưu ở ngã ba Châu Đốc, tạo nên vùng “giáp nước” tấp nập xuồng ghe, trên bến dưới thuyền.

Từ Châu Đốc xuôi về tới hạ nguồn, thủy trình Hậu giang ít biến động, chỉ thi thoảng tách dòng khi có những cồn đất lớn nổi lên rồi sau đó nhập dòng trở lại. Điển hình như khu vực cồn Phó Ba, cồn Mỹ Hòa Hưng (thuộc Long Xuyên), khu vực cồn Tân Lộc, cồn Sơn, cồn Ấu (thuộc Cần Thơ), cồn Phong Nẫm, cồn Mỹ Phước, Cù Lao Dung (thuộc Sóc Trăng).

Ghe cào điện – thủ phạm tận diệt cá tôm miệt Cửu Long. Ảnh: Trương Chí Hùng

Ghe cào điện – thủ phạm tận diệt cá tôm miệt Cửu Long. Ảnh: Trương Chí Hùng

Nhiều người cho rằng, cách đặt tên sông Tiền và sông Hậu là dựa vào vị trí địa lý. Cứ hình dung trong quá trình “mang gươm đi mở cõi”, ông cha ta từ miền Đồng Nai, Gia Định hướng về phía cực Nam sẽ bắt gặp hai con sông lớn cản bước trường chinh. Gặp trước, gọi là “sông Tiền”, gặp sau, gọi là “sông Hậu”. Nhưng từ “hậu” trong phương ngữ Nam Bộ còn có một nghĩa khác, chỉ đức tính hiền lành, bao dung; nó gần nghĩa với từ “nhân hậu”. Dân quê tôi cũng gọi sông Hậu là sông Cái, vừa mến yêu vừa tôn thờ con sông như một phần không thể thiếu trong cuộc đời mỗi người.

Bởi vậy, khi con sông Hậu lần đầu cuồng nộ đạp nước cuốn phăng một đoạn quốc lộ ở khu vực xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, An Giang, cả xóm tôi rất đỗi hoang mang. Ba tôi cùng vài lão niên đến xem, thấy cái vực nước xoáy cuồn cuộn và một khoảng trống lớn do vụ lở đất để lại thì thất kinh hồn vía. Ba về thắp nhang lên bàn thờ gia tiên, rồi đem mấy cây nhang nữa ra bờ sông cắm xuống, khấn vái điều gì tôi không nghe rõ. Trong tâm thức những người đã gắn bó với dòng sông gần trọn đời như ba tôi, hiện tượng vừa diễn ra có gì đó không bình thường. Phải chăng thế lực siêu nhiên nổi giận, sẵn sàng giáng xuống những thảm họa khó lường, vụ lở đất này là một hồi chuông cảnh báo? Nhưng dù ba tôi có lo sợ, có thành tâm cúng bái cũng chẳng xoa dịu được dòng sông. Tin về hàng loạt vụ sạt lở liên tiếp khiến ba tôi choáng váng. Mấy cọng chân nhang ba cắm ở đầu vàm cũng bị nước cuốn mất không còn dấu vết gì.

Nhớ lại những lần ngược lên phía thượng nguồn, thế nào tôi cũng tranh thủ đến bến sông gần thị trấn Long Bình, ngồi ngắm con sông Hậu hiền hòa khởi nguồn trên đất Việt. Ngã ba sông chốn biên thùy thơ mộng như ánh nhìn thiếu nữ lúc đang yêu. Những lúc thả hồn với dòng nước trong xanh màu ngọc bích, phẳng lặng như mặt hồ thu, dù có giàu tưởng tượng đến mấy tôi cũng không nghĩ rằng có đoạn sông dùng dằng đáng sợ, sẵn sàng gieo tai ương đến dân lành.

Kỳ thực, dòng chảy của con sông có chỗ dịu êm, có khi bạo liệt, nhưng tập tính tự nhiên ấy đã tồn tại hàng ngàn năm, tạo ra sự cân bằng, ổn định suốt lưu vực. Chỉ khi con người tác động vào một cách thô bạo, dòng sông mới đổi khác, bất thường. Tôi nói với ba, hiện tượng đất lở hai bên bờ sông không phải do thế lực siêu nhiên nào cả. Mọi thứ là do con người, con người quá tham lam mấy chục năm qua đã nạo vét một lượng cát khổng lồ dưới đáy sông. Khi đáy sông bị khoét sâu, để cân bằng dòng chảy, con sông sẽ tự tìm nguồn cát khác lấp vào. Sông sẽ xói vào hai bên bờ, sẽ bào mòn các bãi bồi để khỏa đầy những khoảng trống mà con người tạo ra. Bao căn nhà, vườn tược, hoa màu, cây trái, súc vật và cả con người đã bị dòng sông nuốt chửng. Những tiếng kêu gào, oán trách trút xuống dòng sông nhưng mấy ai biết được nguyên do gây ra thảm cảnh là lòng tham không đáy của một nhóm người. Ba nghe tôi nói xong chỉ buông một tiếng thở dài. Sau làn khói thuốc mờ ảo, con sông như nhòa dần đi trong mắt ông. Ba nhìn chầm chậm về mộ má tôi, rồi sâu trong hốc mắt bò ra hai dòng nước trắng đục. Có lẽ ba nhớ má, và nhớ dòng sông dù nó vẫn đang chảy bên nhà.

Hồi nhỏ, nhiều lần tôi theo má bơi xuồng bán bông điên điển dọc theo sông Hậu. Khi ấy đường sá chưa thông thoáng nên dân xóm tôi chủ yếu đi lại bằng xuồng ghe. Có những quãng sông tấp nập chẳng khác nào khu chợ. Xuồng bán buôn, xuồng câu lưới đậu san sát nhau. Tiếng nói cười, lời thăm hỏi của những người quê ngập tràn trên sóng nước. Cũng có những quãng vắng, rất ít xuồng ghe đi lại, chỉ con sông một mình tình tự. Bơi xuồng qua mấy đoạn đó, gặp nước xuôi thế nào má tôi cũng thả dầm chầm chậm, rồi cất giọng hò dìu dặt: “Hò…ơ… Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi/ Buôn bán không lời… mà hò…ơ…/ Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê”. Tiếng hò của má đằm thắm mà sâu lắng, phảng phất chút u hoài cố xứ. Tôi đã nghe tiếng hò ấy không biết bao nhiêu lần nhưng vẫn thèm được nghe, mãi mãi.

Lúc chở từ bệnh viện về, đò đang chạy má bỗng nhoài người, gượng mở mắt nhìn qua lớp cửa kính của xe cấp cứu, bên ngoài là dòng sông Hậu phủ một màn mưa mỏng. Môi má mấp máy như muốn nói điều gì đó nhưng chẳng cất thành lời, chỉ có tiếng sóng và tiếng mưa nhòa lẫn vào nhau. Không biết má có nhớ hồi xưa má từng kể, ngày ngoại trở dạ, hàng xóm cũng đưa qua đoạn sông này để tới nhà bà mụ. Má chào đời bên dòng sông hiền hòa, rồi gắn bó với dòng sông trọn kiếp người. Con cá con tôm của dòng sông Hậu đã nuôi má tôi lớn lên từng ngày, phù sa sông Hậu cho ruộng lúa tốt tươi để ba má gieo hạnh phúc giản dị trên mảnh đất ven sông, để anh em chúng tôi lần lượt chào đời trong no ấm. Ngày ra đi, má cũng muốn nằm cạnh dòng sông, cho tiếng sóng vỗ về ngàn thu yên giấc. Trên quê hương này có biết bao con người hòa phận đời mình với phận sông như má, những con người không bao giờ khiến dòng sông đau đớn bởi chính họ sẽ còn xót xa hơn.

Đánh bắt cá bằng xung điện ngày càng xuất hiện nhiều. Ảnh: Trương Chí Hùng

Đánh bắt cá bằng xung điện ngày càng xuất hiện nhiều. Ảnh: Trương Chí Hùng

Những khi lang thang ngược xuôi dòng sông Hậu, thỉnh thoảng tôi bắt gặp hình ảnh một người đàn bà nào đó chở con trên chiếc xuồng nhỏ. Tiếng dầm khoan nhặt khua trong nước. Bóng nón lá và áo bà ba lấp loáng trên mặt sông. Tôi muốn cất tiếng gọi má ơi nhưng cổ họng bỗng nghẹn lại, chỉ có tiếng dòng sông thổn thức, còn lòng tôi chơi vơi buồn. Cũng nhiều lúc, tôi buồn và tức giận khi chẳng gặp hình ảnh nào nên thơ trên thủy trình dài hàng trăm cây số, chỉ toàn thấy ghe hút cát như những con mối khổng lồ, đêm ngày gặm nhấm dòng sông không ngừng nghỉ. Rồi những ghe cào điện chạy ngang dọc trên sông, tận diệt từng sinh linh bé nhỏ. Tôi căm phẫn hét lên như dòng điện vừa chạy qua chính trái tim mình.

Mới năm ngoái, tôi quá giang ghe tới cồn Phó Ba, nơi được mệnh danh là xứ sở đánh bắt cá hô huyền thoại. Cái cồn đất rộng chưa tới ba chục héc-ta nằm chắn giữa sông Hậu đoạn chảy qua thành phố Long Xuyên, có hơn ba trăm hộ dân cư ngụ, nhà cửa san sát nhau. Biết tôi đến hỏi thăm về nghề cá, nhiều ông già bảy mươi mấy tám mươi tuổi chống gậy lại một cái sân trống. Sau vài câu chuyện xôm tụ nhắc tới thời đánh bắt cá mấy chục năm trước, không khí bỗng chùng xuống khi ai nấy đều cảm thán: Bây giờ cá mắm hết rồi. Cá hô làm gì còn. Không bằng một phần trăm hồi đó.

Mấy cụ già ngơ ngác nhìn nhau rồi nhìn về vô định, tiếc nuối ngẩn ngơ một thời oanh liệt cùng sông nước. Bỗng có vài tiếng chửi thề vang lên. “Nó cào điện suốt ngày suốt đêm mà cá mắm nào còn.” “Không dẹp bọn ác nhơn đó thì không sống nổi ở xứ này nữa đâu.” Những người đàn ông trạc ba, bốn chục tuổi lúc này mới từ nhà đi ra, trút cơn bực dọc. Họ là con, là cháu của mấy ông già nãy giờ trò chuyện. Họ là thế hệ bắt đầu nếm trải cảnh sống chật vật vì cá tôm cạn kiệt, không thể làm nghề hạ bạc mưu sinh dễ dàng như thời cha ông mình. Họ kể về những cuộc chạm trán nảy lửa, những lần ẩu đả đến đổ máu giữa phe đánh bắt cá bằng xung điện và phe quyết tâm giữ cách đánh bắt truyền thống. Cuộc chiến vẫn chưa đến hồi kết, họ bảo vậy. Giữa dòng sông mẹ hiền hòa, những đứa con đang ngày ngày giày xéo nhau vì chén cơm manh áo.

Tôi bỗng nhớ tới ông Ba Bùi ở Tịnh Thới, ông Tư Ôn ở Vàm Nao cùng biết bao người mà tôi đã gặp trên khắp miệt Cửu Long này. Số phận họ rồi sẽ ra sao giữa cuộc trầm luân. Dòng sông bao dung nhưng không còn có thể cưu mang những kiếp người trôi nổi. Nếu ba tôi còn sống, chắc cũng không đếm nổi tiếng thở dài.

Mời độc giả đón đọc Kỳ 5: Những dòng sông hấp hối đăng ngày 2/6/2024.

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chim-noi-nhung-phan-song-song-hien-hoa-du-2286628.html