Chiêu giữ nguyên liệu sản xuất vaccine của Mỹ trong khi thế giới khan hiếm

Chính phủ Mỹ đã trao cho các nhà sản xuất trong nước quyền ưu tiên rất lớn trong tiếp cận các nguyên liệu sản xuất vaccine. Điều này đang khiến các nhà sản xuất bên ngoài Mỹ gặp khó, cho dù được cung cấp sẵn bí quyết sản xuất vaccine.

Một phụ nữ cầm tấm biển ghi "Không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người an toàn" bên ngoài trụ sở công ty Pfizer. Ảnh: AFP

Một phụ nữ cầm tấm biển ghi "Không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người an toàn" bên ngoài trụ sở công ty Pfizer. Ảnh: AFP

Theo hãng tin Reuters, để chiến đấu với đại dịch ở trong nước, Chính phủ Mỹ đã trao cho các nhà sản xuất của nước này quyền ưu tiên tiếp cận các nguyên liệu cần để sản xuất vaccine phòng COVID-19. Kết quả là Chính phủ Mỹ đã giành quyền sở hữu không chỉ với số lượng vaccine COVID-19 thành phẩm rất lớn, mà còn đối với các thiết bị và thành phần vaccine trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Theo các cuộc phỏng vấn của Reuters với các nhà cung cấp, nhà sản xuất nước ngoài và các chuyên gia về thị trường vaccine, tình trạng kiểm soát của Mỹ đó đã đẩy một số quốc gia rất cần nguyên liệu cho những sản phẩm vaccine thay thế rơi vào cảnh tuyệt vọng tìm kiếm nguồn cung và làm trầm trọng hơn vấn đề bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine.

Hôm 6/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ủng hộ từ bỏ các bằng sáng chế vaccine COVID-19, một nỗ lực giúp đẩy nhanh tốc độ sản xuất vaccine trên toàn cầu. Nếu được Tổ chức Thương mại Thế giới chấp thuận, động thái đó sẽ cho phép các quốc gia khác tự sản xuất được phiên bản vaccine COVID-19 của riêng mình.

Tuy nhiên, việc bãi bỏ quyền sáng chế với vaccine COVID-19 lại không đề cập đến một vấn đề ít chú ý nhưng không kém phần cấp bách: đó là sự thiếu hụt ngày càng tăng trên toàn thế giới với các thành phần và thiết bị sản xuất vaccine.

Có bí quyết vẫn không sản xuất được vaccine

Các quốc gia bị đại dịch tàn phá, trong đó có Ấn Độ, không thể sản xuất vaccine mà không có nguồn cung nguyên liệu và thiết bị, ngay cả khi có quyền truy cập vào bí quyết bào chế vaccine của nhà sản xuất.

Tình trạng trên bắt nguồn từ việc Mỹ viện dẫn một đạo luật có từ thời Chiến tranh Triều Tiên đầu thập niên 1950, được gọi là Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA) – cho phép các cơ quan liên bang được quyền lực ưu tiên các đơn hàng mua sắm liên quan đến quốc phòng. Trong nhiều thập kỷ, đạo luật này đã được sử dụng để cung cấp vật tư, thiết bị cho quân đội cũng như ứng phó với mọi thứ từ thảm họa thiên nhiên đến trở ngại trong các cuộc điều tra dân số 10 năm một lần tại Mỹ.

Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã viện dẫn đạo luật DPA để đặt chính phủ Mỹ lên ưu tiên đầu tiên trong mua vaccine do Mỹ sản xuất cũng như các sản phẩm khác cần thiết để chống lại đại dịch COVID-19.

Đổi lại, các nhà sản xuất vaccine có quyền tiếp cập ưu tiên vào bất kỳ nguồn cung cấp nào cần thiết để đáp ứng các đơn đặt hàng của chính phủ.

Gavi - một liên minh vaccine bao gồm các tổ chức quốc tế, chính phủ, công ty dược phẩm và các tổ chức khác - đã ca ngợi các động thái của chính quyền Tổng thống Biden nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vaccine trên toàn cầu. Họ trích dẫn cam kết 4 tỷ USD của Mỹ với COVAX – sáng kiến vaccine toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới và Gavi dẫn đầu.

Nhưng trước những câu hỏi về DPA, Gavi cho rằng: “Thách thức lớn nhất đối với mục tiêu của COVAX là tiếp cận công bằng với vaccine là nguồn cung toàn cầu bị hạn chế. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với nguyên liệu thô là một yếu tố góp phần đáng kể vào việc này và cuối cùng chỉ có tác dụng kéo dài đại dịch ”.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của chính quyền Biden giấu tên cho biết không có lệnh cấm xuất khẩu và tất cả các nhà cung cấp có trụ sở tại Mỹ tiếp tục xuất sản phẩm ra nước ngoài sau khi ưu tiên cho các nhà sản xuất Mỹ. Quan chức này cho biết DPA không gây ra tình trạng thiếu nguyên liệu vaccine trên toàn cầu, và các vấn đề xuất phát từ nhu cầu quá lớn.

Những tờ thông báo hết vaccine tại một trung tâm tiêm chủng COVID-19 ở Ấn Độ. Ảnh: Getty Images

Những tờ thông báo hết vaccine tại một trung tâm tiêm chủng COVID-19 ở Ấn Độ. Ảnh: Getty Images

Lời khẩn cầu từ Ấn Độ

Các thành phần vaccine được sản xuất trên toàn cầu - ở nhiều quốc gia bao gồm Anh và Trung Quốc. Nhưng một số nhà cung cấp hàng đầu, như Thermo Fisher Scientific Inc, và các công ty con Cytiva và Pall của Danaher Corp, đều có trụ sở tại Mỹ.

Đạo luật DPA đã giúp Mỹ xây dựng một hệ thống sản xuất vaccine khổng lồ, đảm bảo khả năng tiếp cận thành phẩm đáng tin cậy cho người Mỹ và tăng doanh thu cho các công ty dược của nước này.

Khoảng 45% dân số Mỹ đã được nhận ít nhất 1 liều vaccine COVID-19. Trong khi hàng chục quốc gia khác, từ Nam Phi, Guatemala đến Thái Lan, mới chỉ tiêm chủng được cho khoảng 1% hoặc không đến 1% dân số - theo số liệu được Đại học Oxford thu thập.

Các nhà sản xuất trên khắp thế giới đã chỉ trích đạo luật DPA, trong đó có Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vaccine lớn nhất trên toàn cầu.

Cuối tháng 4, Giám đốc điều hành SII Adar Poonawalla đã đăng trên Twitter, "thay mặt cho ngành công nghiệp vaccine bên ngoài nước Mỹ" yêu cầu Washington dỡ bỏ việc nắm giữ nguyên liệu thô "nếu chúng ta thực sự đoàn kết để đánh bại loại virus này."

Bắt đầu từ tháng 5 này, SII đã lên kế hoạch sản xuất 1 tỷ liều /năm với loại vaccine do Novavax Inc. có trụ sở tại Mỹ phát triển, nhưng sản lượng đó sẽ giảm hơn một nửa nếu không có nguyên liệu thô của Mỹ.

Viện Huyết thanh Ấn Độ cũng đang sản xuất COVISHIELD, một phiên bản được cấp phép của vaccine AstraZeneca.

Viên Huyết thanh Ấn Độ đã lên kế hoạch sản xuất 1 tỉ liều vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca-Oxford. Ảnh: AP

Viên Huyết thanh Ấn Độ đã lên kế hoạch sản xuất 1 tỉ liều vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca-Oxford. Ảnh: AP

Sau nhiều tuần nghe lời kêu gọi công khai từ SII, tháng 4, Mỹ đã cung cấp cho Ấn Độ các bộ lọc cần thiết để sản xuất COVISHIELD. Nhưng nhu cầu về vaccine và nguồn cung của Ấn Độ vẫn rất lớn. SII còn trở thành nhà cung cấp vaccine COVID hàng đầu cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình khác. Những mũi vaccine COVISHIELD và Novavax là xương sống của chương trình COVAX.

Và SII không phải là nhà sản xuất vaccine duy nhất có nhu cầu. Viện sản xuất vaccine Biovac của Nam Phi cũng dựa vào một công ty Mỹ để sản xuất túi phản ứng sinh học, cần thiết cho việc nuôi cấy tế bào trong sản xuất vaccine COVID-19. Giám đốc điều hành Morena Makhoana nói với Reuters rằng Biovac đã nhận cảnh báo từ nhà cung cấp Mỹ rằng thời gian giao hàng thông thường đối với loại túi này có thể kéo dài hơn gấp đôi lên 14 tháng, do đạo luật DPA.

Các nhà sản xuất ở một số quốc gia khác thì cho biết họ đang ở trong tình trạng dễ thở hơn. Viện Butantan của Brazil đã có thể mua nguồn cung từ cả Mỹ và châu Âu, một giám đốc điều hành nói với Reuters.

Khi được hỏi về hậu quả toàn cầu của việc ưu tiên nguồn cung nguyên liệu vaccine của Mỹ, AstraZeneca không bình luận, còn Moderna và J&J từ chối bình luận. Pfizer không trực tiếp đề cập đến DPA của Mỹ nhưng cho biết “chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều… khi chúng tôi tìm cách phục vụ mọi người trên khắp thế giới”.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/chieu-giu-nguyen-lieu-san-xuat-vaccine-cua-my-trong-khi-the-gioi-khan-hiem-20210510160426399.htm