Chiến thắng phát xít - Thời khắc mãi mãi đi vào lịch sử nhân loại
78 năm đã trôi qua kể từ khi các đại diện của Đức Quốc xã ký thỏa thuận đầu hàng vô điều kiện Liên Xô và các nước đồng minh (ngày 9/5/1945 theo giờ Moskva), cứ vào ngày này, nhiều người dân Đức và các nước lại đổ về công viên Treptow, đài tưởng niệm lớn nhất trong 4 công trình của Liên Xô xây dựng tại Berlin để tưởng nhớ những người lính Hồng quân đã ngã xuống cứu nhân loại khỏi thảm họa phát xít.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 9/5, ngay từ sáng sớm, nhiều đoàn đại biểu, các cơ quan đại diện nước ngoài cùng người dân đang sinh sống tại Đức đã đến đặt hoa tại công viên Treptow để tưởng nhớ những người lính Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
Không chỉ những vòng hoa được đặt dưới chân tượng đài, hình ảnh một số cựu chiến binh người Nga già yếu, ngước đôi mắt già nua lên ngắm nhìn bức tượng người chiến sĩ Hồng quân cao lớn, một tay bế em bé, tay kia cầm thanh kiếm đứng hiên ngang, khiến nhiều người xúc động. Có cả những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt những cô gái trẻ khi đứng trước tượng đài tưởng nhớ ông cha mình đã hy sinh trong cuộc chiến chống phát xít. Những câu chuyện đau thương, mất mát khiến nhiều người lặng đi, như thể chiến tranh vừa xảy ra ngày hôm qua. Cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít kết thúc với chiến thắng vang dội của Hồng quân Liên Xô và các nước Đồng minh, tạo tiền đề quan trọng chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, ông Christian Rein, một người dân sinh sống tại Berlin, xúc động nói: “Hàng năm, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày chiến thắng phát xít, tôi đều đến công viên Treptow để bày tỏ lòng biết ơn đối với những chiến sĩ Hồng quân Liên Xô đã hy sinh để cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa diệt chủng. Đây là ngày rất quan trọng đối với thế giới. Rất nhiều người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít này. Không chỉ có những người lính Nga, mà còn cả những người từ Belarus, Ukraine, Kazakhstan, Kyrgyzstan... tất cả đều thuộc Liên bang Xô Viết. Họ đã chiến đấu hết mình cho tự do. Vì thế tôi đến đây để tưởng nhớ họ”.
Bà Lydia Weber, cũng sinh sống tại Berlin bày tỏ: “Chúng tôi biết ơn tất cả những người lính Hồng quân, những người đã giải phóng thế giới khỏi chủ nghĩa phát xít tàn bạo. Chúng tôi không bao giờ mong muốn chiến tranh. Chúng tôi muốn mọi người dân đều được sống trong hòa bình. Chiến tranh gây đau khổ cho biết bao nhiêu con người trên Trái Đất này. Không chỉ người châu Âu, người dân Việt Nam, Afghanistan, Iraq, Syria... những quốc gia trải qua tổn thất nặng nề từ các cuộc chiến tranh đều thấu hiểu giá trị hòa bình. Vì vậy hòa bình cho thế giới là mong ước của cá nhân tôi”.
Để đảm bảo trật tự cho các hoạt động kỷ niệm này, nhà chức trách đã điều động hàng nghìn cảnh sát tại những điểm tưởng niệm ở Berlin cũng như những khu vực xung quanh.