Chiến thắng Điện Biên Phủ qua ký ức của các cựu chiến binh Lai Châu

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã khép lại cách đây 70 năm, song năm tháng bộ đội ta đào hầm, khoét núi, vượt qua khó khăn gian khổ ngày nào vẫn còn mãi trong trang sử hào hùng của dân tộc. Các cựu chiến binh trực tiếp tham gia chiến trường năm xưa nay đều ở tuổi 'xưa nay hiếm' nhưng mỗi khi nhắc lại giây phút chiến thắng, ký ức lại ùa về trong tâm trí mỗi người.

70 năm trước, cựu chiến binh Vũ Văn Chi, ở thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu khi đó mới 24 tuổi hăm hở xung phong ra trận. Khi nhập ngũ ông là chàng trai trẻ quê Thanh Hóa, thuộc biên chế Đại đoàn 312, thực hiện nhiệm vụ mở đường kéo pháo bắn máy bay địch, chiếm lĩnh trận địa, mở đầu cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hơn nửa thế kỷ qua đi, những ngày tháng kéo pháo ra trận trong điều kiện khắc nghiệt của địa hình Tây Bắc là điều không thể xóa nhòa trong ký ức của người chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Dù nay đã 98 tuổi, nhưng khi nhắc lại những năm tháng khốc liệt của chiến dịch và giây phút chiến thắng, ông Chi không khỏi tự hào, xúc động: "Bộ đội ta giải phóng cứ điểm Him Lam trước. Đến 3h chiều giải phóng được Him Lam và tối hôm đó là cùng hành quân sang đồi Độc Lập luôn và 8h sáng hôm sau mới giải phóng đồi Độc Lập. Rồi sau trở về chốt ở suối Tả Lèng và tiếp tục giải phóng đồi E, đồi D và A1 ở đó, rồi chúng tôi hành quân ra Mường Phăng để làm lễ chiến thắng."

Cho đến hôm nay, dù 70 năm đã qua, nhưng cựu chiến binh Trần Đức Luận, 92 tuổi, ở tổ dân phố 2, thị trấn Tân Uyên vẫn không quên được giây phút chứng kiến lá cờ quyết chiến, quyết thắng của bộ đội ta tung bay trên nóc hầm Đờ Cát. Ông là chiến sĩ pháo binh của Trung đoàn 675, sư đoàn 351 và tham gia trực tiếp chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Ngày 7/5/1954, khi đang ở chiến trường, nghe tin thắng trận báo về, ông Luận cũng như đồng đội của mình ai nấy đều reo hò vui mừng, mọi người đã khóc vì xúc động, tự hào về quân đội, đất nước mình. Bởi qua biết bao gian lao, vất vả, hy sinh, chiến dịch đã thắng lợi, giải phóng được Điện Biên Phủ: "Giải phóng Độc lập xong rồi về phòng ngự đồi E, kiềm chế sân bay Mường Thanh. Đến ngày giải phóng Điện Biên, khi thấy cờ giải phóng thì toàn quân, toàn dân tất cả đều phấn khởi."

Cùng với những chiến sĩ Điện Biên năm đó, hàng vạn người dân Lai Châu đã có nhiều đóng góp quan trọng cả về sức người, sức của cho chiến thắng Điện Biên Phủ. Đồng bào các dân tộc Lai Châu đã đóng góp được gần 2.700 tấn gạo, 226 tấn thịt, 210 tấn rau xanh; huy động được gần 17.000 dân công, 348 ngựa thồ, hàng trăm thuyền, mảng và hơn 25.000 cây gỗ các loại để chống lầy, làm đường cho xe pháo và bộ đội ta vượt qua tiến về tiền tuyến.

Hòa chung không khí chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa, những ngày này, cựu chiến binh Bùi Hữu Khánh, ở thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên cùng dòng người tấp nập trở lại chiến trường xưa trong niềm vui tự hào chiến thắng. Ông Bùi Hữu Khánh chia sẻ: "Tôi được Nhà nước cho đi điều dưỡng và lên Điện Biên thăm lại chiến trường xưa. Lên trên đó cũng vào thăm bảo tàng, nơi trưng bày dụng cụ, trang thiết bị chiến tranh mà đồng đội và các chiến sĩ năm xưa còn để lại. Ở Điện Biên còn có cả người nhà của tôi nằm đó, tên tuổi vẫn ghi rõ."

70 năm đã trôi qua, chiến sĩ Điện Biên năm xưa, nay dẫu người còn, người mất, nhưng những câu chuyện về chiến công, sự hy sinh của họ và đồng đội sẽ còn mãi trong trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Khắc Kiên/VOV - Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/chien-thang-dien-bien-phu-qua-ky-uc-cua-cac-cuu-chien-binh-lai-chau-post1089632.vov