Chiến lược Park Hang-seo
Có lẽ không một cựu chiến binh, không một quân nhân đương nhiệm hay người dân nào của chúng ta không cảm thấy hài lòng, vui sướng khi các đội tuyển bóng đá nước nhà được gọi bằng cái tên Chiến binh Sao vàng.
Đi ra khỏi các cuộc kháng chiến cứu nước và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc kéo dài nhiều chục năm ròng để có được hòa bình, độc lập, tự do, những từ chiến sĩ, chiến binh, dũng sĩ đã được gắn với những con người lao động hăng say, lăn lộn quên mình vì nước, vì dân và đạt được những kết quả, thành công xuất sắc. Từ chiến sĩ diệt dốt, chiến sĩ tiên tiến, chiến sĩ thi đua, chiến binh xóa đói giảm nghèo, dũng sĩ bảo vệ môi trường, chiến binh sáng tạo… và rồi những cầu thủ, những đội bóng chơi hết mình vì màu cờ sắc áo. Bóng đá có nhiều điểm gần gũi, dễ liên tưởng đến với những tập thể chiến đấu, đến các trận chiến nên rất tự nhiên, tên gọi chiến binh thường được gắn với các cầu thủ và đội bóng. Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, tên gọi Chiến binh Sao vàng đã xuất hiện từ lâu, song từ khi đội U.23 Việt Nam do HLV Park Hang-seo dẫn dắt tạo nên những trận đấu đầy lửa quyết thắng và giành chiến thắng trước các đối thủ ngang và mạnh hơn mình thì tên gọi Chiến binh Sao vàng đã vang lên đầy mến mộ và tự hào từ mỗi người dân.
Với tinh thần chiến binh, các đội tuyển của chúng ta đã vượt qua tâm lý tự ti trở nên tự tin, bền bỉ và thi đấu máu lửa, phát huy mọi phẩm chất, kỹ năng tốt nhất đã có, luôn giữ vững thế trận và đi tới chiến thắng. Đội tuyển nêu cao tinh thần đồng đội, luôn đá vì nhau, ai cũng sẵn sàng vào sân chơi ở vị trí theo yêu cầu của đấu pháp. Tại SEA Games vừa qua, khi các thủ môn Bùi Tiến Dũng và Nguyễn Văn Toản mắc sai lầm, không ai trách mà động viên đồng đội để bình tâm thi đấu hiệu quả hơn. Khi những Quang Hải, Trọng Hoàng chấn thương thì các cầu thủ khác lại càng quyết tâm làm thay phần việc của họ. Đó là điều mà bộ đội ta đã rèn giũa và thực hiện để có được tình đồng chí, đồng đội “lúc thường cũng như lúc chiến đấu”.
Tạo dựng được một đội quân như thế có công và đức lớn của thầy Park. Có thể nói rằng, ông vừa là một HLV nghiêm khắc vừa là một người cha giàu lòng yêu thương, vừa là một nhà chiến lược vừa là một nhà chiến thuật tài ba, sắc sảo. Cái tình, cái nghĩa của ông xin không nhắc lại ở đây nhưng tầm nhìn và óc tổ chức của ông xứng đáng được giới bóng đá chúng ta gọi là bậc thầy. Chỉ sau thời gian ngắn, ông và các trợ lý đã bao quát được toàn bộ hiện trạng bóng đá Việt Nam. Qua nhiều đợt tuyển chọn, ông đã phát hiện ra danh sách cầu thủ phù hợp với yêu cầu cao và toàn diện cả về sự khát khao cống hiến, khả năng hội nhập, phù hợp với lối chơi chung cùng những tố chất và bản sắc riêng của mỗi người. Cũng thật thú vị khi ông phát hiện được thứ tình yêu nóng bỏng với bóng đá của người dân Việt Nam. Lúc này, đó chưa phải là yêu bóng đá đẹp, quyến rũ mà là bóng đá chiến thắng. Điều này giúp ông củng cố lối chơi của đội tuyển đậm chất thực tế, thực dụng. Từ tầm nhìn chiến lược như vậy, thầy Park đã tổ chức các sơ đồ chiến thuật phù hợp, khi 3-4-3, khi 3-5-2… để bảo đảm thế trận vững chắc trong phòng ngự và hiệu quả trong tấn công.
Trong tầm nhìn chiến lược, thầy Park luôn chủ động làm mới các đội tuyển bằng các nhân tố mới, cùng những bài bản mới để đội tuyển lúc nào cũng có sinh khí, tránh bị cũ mòn, tránh bị đối thủ bắt bài. Đó là lý do thầy có cách làm mà chúng ta chưa từng được thấy là tổ chức tập huấn tuyển thủ trong nhiều đợt ngắn xen giữa các vòng đấu của giải bóng đá quốc gia. Kết quả là những lựa chọn cuối cùng đều là những tuyển thủ xứng đáng đã thể hiện được mình trong tập luyện. Ở đây, con mắt tinh đời của thầy Park đồng nghĩa với con mắt chiến thuật. Điển hình là các trường hợp của Trọng Hoàng, Hà Đức Chinh, Anh Đức. Người tuổi đã cao nhưng còn rất hữu dụng ở những vị trí cần thiết. Người còn trẻ tuy chưa đóng góp được nhiều ở CLB, lại bị HLV ở đó chê bai, song trong đội hình tuyển nhiều lúc họ đã trở thành xuất sắc.
Câu chuyện thầy Park không vội vã ký hợp đồng mới cần được nhắc lại. Không phải lý do tiền bạc-ông đã nhiều lần nói vậy-mà là ông muốn kế hoạch chiến lược xây dựng các đội tuyển Việt Nam được khẳng định rõ ràng bằng những việc làm cụ thể. Thật mừng là quá trình thương thảo hợp đồng mới với thầy Park cũng đồng thời là quá trình chuẩn bị "ra tấm ra miếng" của lãnh đạo bóng đá Việt Nam. Quá trình ấy có sự đồng thuận với những mục tiêu cao ở các cấp độ khu vực, châu lục và thế giới. Và có sự vào cuộc hiệu quả của xã hội, của các doanh nghiệp nhìn thấy việc đầu tư, đóng góp của họ cho những việc làm và mục tiêu khả thi, hiệu quả.
Trong tầm nhìn xa, thầy Park đã tổ chức các tuyến tuyển thủ sẵn sàng kế tiếp nhau. Đã thành quen khi tập trung đội tuyển quốc gia lại có những cầu thủ lứa U.22, U.23, tập trung lứa U.22, U.23 lại có những nhân tố tuổi U.20, U.21. Tầm nhìn chiến lược của bóng đá Việt Nam nay đã trùng khớp với tầm nhìn chiến lược của HLV Park Hang-seo. Quyết định để HLV Philippe Troussier dẫn dắt U.19, U.20 lại là sự thể hiện rõ ràng điều đó.
Những ngày này, khi đội U.23 của chúng ta đang tập huấn tại Hàn Quốc mới thấy thêm rằng thầy Park quá hiểu quân mình, quá chi ly trong từng quyết định và hành xử. Một đội bóng vừa bung hết sức thi đấu trong một giải đấu căng thẳng với mật độ 15 ngày 7 trận thì cái cần trước hết là trung tu lại thể lực, tâm lý. Lánh khỏi những niềm vui đại thắng, lánh khỏi những việc, những mối quan tâm ngoài bóng đá, chọn Hàn Quốc để tái tạo năng lượng còn gì lành và bổ hơn.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/chien-luoc-park-hang-seo-605829