Chiến lược khó lường của Nga với đường ống Nord Stream 1

Châu Âu vẫn thấp thỏm lo lắng về viễn cảnh mùa đông khó khăn do thiếu nguồn cung khí đốt, dù Nga đã mở lại đường ống Nord Stream 1 hôm 21/7 sau 10 ngày bảo trì.

Hôm 21/7, dòng khí đốt tự nhiên lại chảy qua Nord Stream 1 từ Nga đến châu Âu, sau 10 ngày dừng hoạt động để bảo trì.

Trước đó, chính phủ Đức lo ngại đường ống - nguồn cung khí đốt chính của nước này, chiếm khoảng 1/3 - có thể không mở lại. Chính phủ Đức tuyên bố sẽ đẩy mạnh các yêu cầu về kho chứa và thực hiện biện pháp ứng phó tiết kiệm khí đốt.

Công suất hiện tại của đường ống này chỉ đạt mức 40%. Các quan chức châu Âu hiện vẫn hoài nghi, cho rằng Nga có thể tiếp tục tìm cách làm gián đoạn nguồn cung.

“Tình hình chỉ đơn giản là cực kỳ bấp bênh. Chúng tôi phải tiết kiệm nhiều hơn nữa để vượt qua 2 mùa đông tới”, AP dẫn lời Klaus Mueller - người đứng đầu cơ quan quản lý mạng của Đức - cho biết.

"Châu Âu nên tiết kiệm từng m3 khí đốt"

Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga giảm công suất của Nord Stream 1 xuống 40% vào giữa tháng 6. Công ty dẫn lý do các vấn đề kỹ thuật liên quan tới việc nhận tuabin mà đối tác Siemens Energy mang đi bảo dưỡng ở Canada chậm trễ do lệnh trừng phạt.

Đầu tháng 7, Canada quyết định điều chỉnh biện pháp trừng phạt, cho phép sửa chữa các tuabin của đường ống Nord Stream 1 và chuyển lại cho Nga. Trong khi đó, Berlin bác bỏ lời giải thích của Gazprom, cáo buộc đó chỉ là “cái cớ cho quyết định chính trị từ Điện Kremlin” nhằm đẩy giá năng lượng lên cao hơn nữa.

“Nga đang lợi dụng sức mạnh to lớn mà họ có - sức mạnh quá lớn mà chúng tôi trao cho Nga - để gây sức ép với châu Âu”, Robert Habeck - Bộ trưởng Kinh tế và chịu trách nhiệm về năng lượng - cho biết. “Đôi khi, chúng tôi cảm giác Nga không muốn nhận lại nó (tuabin) chút nào”.

Bản đồ thể hiện những đường ống khí đốt tự nhiên chính sang châu Âu. Nhập khẩu tới châu Âu chủ yếu qua đường ống (Nga, Na Uy, Azerbaijan và Bắc Mỹ) và vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu. Đồ họa: AP.

Trong tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Gazprom vẫn chưa nhận được tài liệu liên quan đến việc nhận lại tuabin và đặt câu hỏi về chất lượng bảo dưỡng.

Ông Putin cho biết Gazprom sẽ đóng và sửa chữa một tuabin khác vào cuối tháng 7 và nếu tuabin đã gửi tới Canada sau đó không được trả lại, lượng khí đốt đến Đức sẽ còn giảm hơn nữa.

Ông Habeck cho biết tuabin đã tới Đức vào đầu tuần này, và sẽ thông báo sau khi nào nó đến Nga và được bàn giao cho Gazprom.

Hôm 21/7, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh Nord Stream 1 không hoạt động hết công suất do "các vấn đề kỹ thuật" xuất phát từ lệnh trừng phạt của châu Âu.

Tuy nhiên, Simone Tagliapietra, chuyên gia về chính sách năng lượng tại tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels, nói rằng Nga đang chơi “trò chơi chiến lược”.

“Giữ cho công suất dòng chảy thấp tốt hơn là cắt đứt hoàn toàn. Điều đó sẽ làm suy yếu quyết tâm giảm nhu cầu khí đốt của châu Âu”, ông nhận định.

Ông cảnh báo châu Âu sẽ phải đối mặt với khủng hoảng bởi sự gián đoạn có thể xảy ra vào mùa đông. “Và mỗi m3 khí đốt tiết kiệm được từ bây giờ sẽ khiến châu Âu kiên cường hơn trong những tháng tiếp theo”, ông nói.

Phép thử với tính đoàn kết của châu Âu

Ủy ban châu Âu (EC) hối thúc các nước thành viên EU cắt giảm nhu cầu tiêu thụ khí đốt trong những tháng tới nhằm chuẩn bị cho kho dự trữ cho mùa đông.

Theo kế hoạch ứng phó khẩn cấp của EU, mỗi nước thành viên sẽ làm tất cả những gì có thể để giảm tiêu thụ khí đốt ít nhất 15% trong giai đoạn tháng 8/2022-3/2023. Vào cuối tháng 9 tới, các nước sẽ phải công bố lộ trình để đạt được mục tiêu trên.

Đức và phần còn lại của châu Âu đang cố gắng lấp đầy kho khí đốt trước mùa đông và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng Nga. Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, do đó khí đốt là thành phần rất quan trọng cung cấp năng lượng cho các ngành công nghiệp, sưởi ấm và tạo ra điện.

Đường ống Nord Stream 1 đã hoạt động trở lại trong ngày 21/7. Ảnh: Reuters.

Tháng trước, chính phủ Đức kích hoạt giai đoạn hai trong kế hoạch khẩn cấp ba giai đoạn về nguồn cung khí đốt tự nhiên. Nhiều người cảnh báo nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang đối mặt với "khủng hoảng" và các mục tiêu dự trữ cho mùa đông gặp rủi ro. Tính đến hôm 21/7, kho chứa khí đốt của Đức đầy 65,1%.

Ông Habeck cho biết chính phủ Đức đang thắt chặt yêu cầu nhằm đảm bảo các cơ sở lưu trữ không bị khai thác. Mục tiêu mới cũng được thiết lập, yêu cầu đầy kho 75% vào ngày 1/9, trong khi mục tiêu tháng 10 và 11 nâng lên 85% và 95%, so với mốc 80% và 90% hiện tại.

Chính phủ có kế hoạch cấm sưởi ấm hồ bơi tư nhân bằng khí đốt. Họ cũng muốn khuyến khích tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà và văn phòng công cộng, lập luận không nên sưởi ấm ở những không gian ít người lui tới.

Để bù đắp thiếu hụt, chính phủ Đức bật đèn xanh cho các công ty mở lại 10 nhà máy nhiệt điện than đã ngừng hoạt động và 6 nhà máy chạy bằng nhiên liệu dầu. 11 nhà máy nhiệt điện than khác dự kiến đóng cửa vào tháng 11 sẽ được phép tiếp tục hoạt động.

Ông Habeck cho biết các nhà máy điện đốt than non đã đóng cửa cũng sẽ được kích hoạt trở lại từ tháng 10. Ngoài ra, các đoàn tàu chuyển dầu và than có thể được ưu tiên hơn.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế khuyến nghị các nước châu Âu tăng cường vận động người dân tiết kiệm tại nhà và có kế hoạch chia sẻ khí đốt cho nhau trong trường hợp khẩn cấp. Thời gian cho những kế hoạch này ngày càng ngắn.

“Mùa đông năm nay có thể trở thành bài kiểm tra lịch sử về sự đoàn kết của châu Âu, một thử thách họ không thể thất bại bởi những tác động vượt xa lĩnh vực năng lượng”, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol nhận định.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chien-luoc-kho-luong-cua-nga-voi-duong-ong-nord-stream-1-post1338231.html