Chiêm ngưỡng vẻ đẹp yên bình làng cổ 200 năm ở Hưng yên
Cách Hà Nội chưa đầy 30km, có một ngôi làng bình dị mà đẹp đến nao lòng. Không chỉ cây đa, bến nước, sân đình, mà ngôi làng đó còn nổi tiếng với những ngôi nhà cổ có tuổi đời trên dưới 200 năm, với kiểu dáng kiến trúc gần như được giữ nguyên vẹn. Đó là quần thể làng Nôm, thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên.
Quần thể làng Nôm nằm cách Hà Nội khoàng 20km, đi đường Quốc lộ 5 rẽ vào khoảng gần 10km là tới. Từ cổng làng, ngôi đình, chợ, ao làng, hồ nước, cây cầu đá… rất nhiều công trình kiến trúc của làng Nôm có niên đại tới 200 năm.
Làng Nôm là nơi hội tụ rất nhiều điều thú vị. Ông Phạm Văn Hiệu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên cho biết, cổng làng được xây từ năm 1855, xây hình bát trụ với các họa tiết tinh xảo, kiểu cổng làng mà chỉ làng nào có hoàng thân quốc thích mới được xây. Làng Nôm được xây cổng bát trụ bởi đây là ngôi làng có nghề đúc đồng tinh xảo, có thời gian đúc tiền cho triều Nguyễn. Vòm cổng được đắp ba đại tự “Đồng cầu nôm”.
Nằm giữa những vạt lúa, vạt rau xanh mướt mát, bước qua cánh cổng làng Nôm là một không gian yên bình, tĩnh lặng. Có lẽ hiếm có nơi nào còn thấy được hình ảnh hồ nước giữa làng trong xanh, hai bên hồ là các cụ già ngồi đánh cờ trên ghế đá, cuối ao là đình làng, cây đa cổ thụ với lũ trẻ thi nhau túm rễ đa mà đánh đu từ bờ tường ra giữa sân.
Dọc hai bên hồ nước là những hàng cau và những dãy nhà cổ gồm nhà ở và nhà thờ tổ của các dòng họ trong làng. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên, hiện nay làng Nôm còn giữ lại nguyên vẹn khoảng chín căn nhà thờ tổ của các dòng họ Nguyễn, Lê, Phùng, Tạ…. với kiểu dáng kiến trúc từ trên dưới 100 năm đổ lại. Nhiều căn nhà cổ còn giữ được nguyên vẹn những chi tiết, họa tiết trang trí tinh xảo, cầu kỳ và rất tự nhiên. Những căn nhà cổ nối nhau bên hồ này đã tạo ra một nét độc đáo hiếm thấy ngay cả ở những làng quê Bắc Bộ khác.
Phía cuối hồ nước là ngôi đình làng, tương truyền là thờ Thánh Tam Giang, một vị tướng từ thời Hai Bà Trưng. Truyền thuyết kể rằng, trước khi mất, Thánh Tam Giang có di nguyện được chôn cất tại làng Nôm, nơi ông từng đóng quân. Được biết, cây đa bên đình cũng đã có tới 100 năm tuổi đời.
Nhắc đến làng Nôm, không thể bỏ qua chùa Nôm, còn có tên là Linh Thông cổ tự. Mặc dù nhiều hạng mục ở chùa Nôm mới được xây dựng hoặc xây lại, nhưng hiện tại ở chùa Nôm vẫn còn lưu giữ hơn 100 pho tượng La Hán bằng đất nung rất đẹp. Theo các tài liệu bằng chữ Hán, chùa được xây dựng từ thời Hậu Lê. Các pho tượng đất nung ở đây đã trải qua các trận lụt vào các năm 1945, 1971, và 1986 nhưng nhiều pho vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn.
Một trong những địa điểm mà ai đến làng Nôm cũng phải ghé qua là gian nhà cổ có tuổi đời hơn 200 năm của gia đình ông Phùng Văn Long với lối kiến trúc năm gian, mái ngói thấp và sân gạch cũ. Các xà gỗ và đầu hồi đều được chạm trổ rất tinh xảo, hình chạm vẫn còn khá nguyên vẹn. Ông Phùng Văn Long cho biết, có người đến trả hàng tỷ đồng cho căn nhà nhưng gia đình ông không bán. Được biết, những gian nhà cổ trong làng hiện nay vẫn còn được người làng giữ lại khá nhiều và nguyên vẹn.
Làng Nôm còn có cây cầu đá nguyên bản, do thợ thủ công đục đẽo bằng tay, gồm chín nhịp, mặt ghép đá phiến xanh. Mỗi đầu trụ cầu đều được đục hoa văn tinh xảo, cầu kỳ.
Là một trong số ít nơi còn giữ lại khá nguyên vẹn cảnh sắc làng quê Bắc Bộ, người làng Nôm không chỉ giữ gìn những công trình cổ của gia đình, dòng họ, của làng, mà còn rất có ý thức giữ gìn một môi trường sống trong lành, sạch sẽ. Dọc con đường làng, dù đường gạch hay bê tông đều không thấy hiện tượng rác thải vứt bừa bãi. Và cho đến bây giờ, quần thể làng Nôm vẫn luôn là nơi đặt chân đến của nhiều du khách trong và ngoài nước, mặc dù chưa hoàn toàn hình thành một điểm du lịch chính thức ở đây.