Chia tay tại Bến Hà Thân

Trong khuôn viên Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu (tức Nguyễn Văn Thoại, đường Hà Thị Thân, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), có ngôi mộ vị tướng triều Tây Sơn tài danh lừng lẫy, song cuộc đời sớm khép lại ở tuổi 42 do cuộc thanh trừng về sự đổi ngôi của hai vương triều phong kiến, đó là Thái phó Trần Quang Diệu. Điều đặc biệt hơn cả, dù là hai vị tướng lừng lẫy tài danh của hai vương triều đối nghịch, nhưng giữa Thái phó Trần Quang Diệu và Danh thần Thoại Ngọc Hầu vẫn sắt son, thủy chung một tình bạn cao cả, được người đời, sử sách mãi ngợi ca.

Tượng Thoại Ngọc Hầu trong khuôn viên Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu tại phường An Hải Tây.

Lối rẽ của đôi bạn trẻ

Theo sử sách ghi lại, Trần Quang Diệu và Nguyễn Văn Thoại là bạn đồng lứa cùng làng An Hải, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay là phường An Hải Tây, quận Sơn Trà (Đà Nẵng).

Tương truyền, Trần Quang Diệu (1760(*) - 1802) giỏi võ từ thời niên thiếu. Một ngày cuối xuân năm 1775(**), Nguyễn Văn Thoại (1761-1829) xuống bến đò Hà Thân, sông Hàn tắm gội thì có một vị quan đi tới. Vốn căm ghét vị quan hống hách này, Thoại dùng tay té nước, làm ướt hết áo quần của quan. Vị quan nhảy xuống nước đánh Nguyễn Văn Thoại. Thấy bạn bị quan ăn hiếp, Trần Quang Diệu ùm xuống sông cùng với Nguyễn Văn Thoại dìm đầu vị quan tới gần chết ngạt rồi mới kéo lên bờ phơi nắng. Vì sợ sự trả thù, bà Phan Thị Hy, mẹ của Trần Quang Diệu dẫn con về lại quê nhà ở làng Trà Khê, dưới chân núi Thổ Sơn (nay phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) để lánh nạn, còn Nguyễn Văn Thoại cũng được gia đình đưa vào sinh sống tại Cù Lao Dài trên sông Cổ Chiên, tỉnh Vĩnh Long. Được một thời gian, Trần Quang Diệu thấy chưa yên nên một mình trốn vào vùng rừng núi An Khê, Bình Định để hái lượm, săn bắt kiếm sống.

Đôi bạn trẻ mỗi người rẽ một lối đi, Nguyễn Văn Thoại sau đó làm quan, theo phò cho chúa Nguyễn còn Trần Quang Diệu hay tin ba anh em nhà Tây Sơn phất cờ khởi nghĩa nên tìm đường vào tham gia thì bị cọp dữ tấn công. Ngay lúc đó một người con gái Bình Định giỏi quyền xông tới đánh hổ, đó là Bùi Thị Xuân. Rồi họ nên duyên chồng vợ khi cả hai gia nhập quân nhà Tây Sơn.

Hai vị tướng trên hai chiến tuyến

Trải qua thời gian, Trần Quang Diệu được phong chức Thái phó tướng, Bùi Thị Xuân được giao chức đô đốc, chỉ huy đội quân voi của Tây Sơn. Vợ chồng Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân góp mặt trong hầu hết những trận đánh quan trọng của quân Tây Sơn, lập nhiều chiến công vang dội như trận Rạch Gầm, Xoài Mút làm tan rã hai đạo quân hùng hậu của Xiêm La, tham gia cùng các tướng lĩnh dưới sự chỉ huy của Quang Trung tấn công vào Ngọc Hồi, Đống Đa, tiêu diệt 20 vạn quân Thanh…

Tháng 7-1792 âm lịch (nhằm ngày 16-9-1792 dương lịch - P.V) vua Quang Trung đột ngột qua đời, con trai Nguyễn Quang Toản mới 10 tuổi lên ngôi, lấy niên hiệu Cảnh Thịnh thì nội bộ nhà Tây Sơn bắt đầu lục đục. Quân chúa Nguyễn tấn công chiếm được thành Quy Nhơn. Tháng giêng năm 1800, tướng Trần Quang Diệu cùng với tướng Võ Văn Dũng dẫn quân vây thành Quy Nhơn đang bị quân của chúa Nguyễn chiếm đóng. Bị quân của Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng bao vây hơn một năm trời, quân chúa Nguyễn khốn đốn do đói khát, bệnh tật nên tướng Võ Tánh, Ngô Tùng Châu phải tự sát. Khi chiếm lại thành, Trần Quang Diệu cho làm lễ mai táng Võ Tánh, Ngô Tùng Châu đàng hoàng theo nghi thức cấp cao, tha bổng các quan, quân của Võ Tánh, Ngô Tùng Châu… Hành động nghĩa hiệp của Trần Quang Diệu được sử sách, người đời ca tụng.

Tháng 3 âm lịch năm 1802, vương triều nhà Tây Sơn sụp đổ, vua Cảnh Thịnh cùng các tướng quân của Tây Sơn lọt vào tay chúa Nguyễn. Ngày 2-5 âm lịch năm 1802 (Căn cứ vào cứ liệu vua Khải Định đã quy định lấy ngày vua Gia Long lên ngôi (2 tháng 5 âm lịch) là ngày đại lễ của đất nước- P.V), Nguyễn Ánh cho lập đàn tế cáo trời đất, thiết triều tại Phú Xuân, đặt niên hiệu Gia Long năm thứ nhất và bắt đầu cuộc trả thù tàn bạo nhà Tây Sơn. Ngày 7-11 âm lịch, nhằm ngày 1-12-1802, vua Gia Long tổ chức lễ Hiến phù ngay tại Thái miếu, cho voi xé xác vua Cảnh Thịnh và các quan tướng của vương triều mạc vận Tây Sơn. Đô đốc Bùi Thị Xuân và con gái cũng bị hành hình như thế.

Riêng đối với Thái phó Trần Quang Diệu, vua Gia Long ngỏ ý muốn ông về với mình, nhưng Trần Quang Diệu đáp rằng: "Trung thần không thờ hai vua, nay tôi bị bắt thì chỉ có tội chết. Nếu nhà vua mới rộng lượng tha cho, như trước đây tôi đã tha cho các tướng ở Quy Nhơn thì tôi sẽ về ở nơi thôn dã, cày ruộng, nộp thuế như người thường dân, chứ nhận chức quan của triều đại mới thì không phải là trượng phu". Cuối cùng Trần Quang Diệu cũng bị chặt đầu thảm khốc nhưng Gia Long cho đưa thi hài ông về yên nghỉ ở quê nhà cùng với một vòng xích sắt quấn quanh quan tài. Họ hàng của Trần Quang Diệu bị tru di tam tộc nên những người đang sống phải đổi từ họ Trần sang họ Nguyễn đến khi chết thì bia mộ mới lấy lại họ Trần, "sanh vi Nguyễn, tử vi Trần là thế".

Mộ của Thái phó Trần Quang Diệu trong khuôn viên Nhà thờ Tiền hiền Làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu, gần bến đò Hà Thân ngày xưa.

Vẹn nguyên tình bạn năm xưa

Nguyễn Văn Thoại giữ chức Thống binh cai cơ của triều Nguyễn, có công khai phá vùng đất rộng lớn Tây Nam Bộ. Tuy hai người phục vụ cho hai vương triều thù địch, một mất, một còn song tình bạn vẫn son sắt, chung thủy. Năm 1801, Nguyễn Văn Thoại tiến đánh Phú Xuân thì Trần Quang Diệu mang quân từ Quy Nhơn ra cứu. Không muốn đối đầu với bạn, Nguyễn Văn Thoại liền giao binh lại cho Phó tướng Lưu Phước Tường rồi về Gia Định, chấp nhận bị giáng chức xuống làm Cai đội. Một số tài liệu cho rằng, sau khi Trần Quang Diệu qua đời, Thoại Ngọc Hầu đã bí mật cho người về quê mua 3 mẫu ruộng và giao cho người vợ thứ Nguyễn Thị Hiền ở quê nhà thuê canh tác lấy tiền lo hương khói cho Trần Quang Diệu (có tài liệu thì ghi rằng, Thoại Ngọc Hầu bí mật cho người về quê gặp để giao cho người vợ thứ là bà Nguyễn Thị Hiền trích 3/18 mẫu ruộng đang cai quản để lo hương hỏa, thờ tự cho bạn mình). Lúc đầu, mộ Thái phó Trần Quang Diệu nằm ở Cồn Lăng, làng An Hải. Năm 2002 xây dựng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tại khu đất này nên mộ của ông dời về nghỉ ngơi trong khuôn viên Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu - được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2007. Thế là hai vị tướng, hai người bạn của hai chiến tuyến lại được ở gần bên nhau mãi mãi.

Thái Mỹ

Ghi chú:

(*): Về năm sinh của Thái phó Trần Quang Diệu, có tư liệu ghi 1946, có tư liệu ghi năm 1758. Tuy nhiên, theo người viết, tư liệu Trần Quang Diệu sinh 1760 là có cơ sở nhất. (**) Có tư liệu lại ghi "một ngày cuối xuân năm 1776".

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/chia-tay-tai-ben-ha-than-post287484.html