Chi tiết kế hoạch thoái vốn nhà nước của SCIC trong nửa cuối năm 2024
Sắp tới, các thương vụ thoái vốn nhà nước của SCIC được kỳ vọng hâm nóng thị trường chứng khoán, với những cái tên như Nhựa thiếu niên Tiền Phong, FPT...
Mới đây, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã công bố danh sách thoái vốn đợt 2 năm 2024 với 31 doanh nghiệp, trong đó, nổi bật là 8 cái tên đang niêm yết trên sàn chứng khoán.
Bao gồm: Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP), Công ty Cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HNX: HGM), Công ty Cổ phần FPT (HOSE: FPT), Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (UPCoM: VGV), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (UPCoM: AGF), Công ty Cổ phần Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (HOSE: SMA), Công ty Cổ phần Xây dựng Vật liệu Bến Tre (UPCoM: VXB) và Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển cơ sở hạ tầng Hải Phòng (UPCoM: CID).
Xét về giá trị tuyệt đối, số vốn mà SCIC đang nắm giữ tại Công ty Cổ phần FPT là đáng chú ý nhất, lên tới 635 tỷ đồng tương đương 5,8% vốn điều lệ doanh nghiệp. Xếp vị trí thứ hai là Nhựa Thiếu niên Tiền Phong - đơn vị SCIC nắm 37,1% vốn điều lệ, tương đương 480 tỷ đồng; tiếp nối là Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam với 312 tỷ đồng (87,3% vốn điều lệ; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Hợp tác đầu tư Giao thông vận tải (tỷ lệ 97,4%) với 231 tỷ đồng...
Đây được kỳ vọng là những thương vụ chuyển nhượng vốn nhà nước tiêu điểm của năm 2024, tạo động lực hâm nóng thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Trước đó, trong danh sách thoái vốn đợt 1 năm 2024, SCIC cho biết sẽ thoái vốn khỏi 27 doanh nghiệp, với nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán như Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC), Công ty Cổ phần Sách Việt Nam - Savina (VNB), Tổng công ty Cổ phần Thủy sản Việt Nam - Seaprodex (SEA), Công ty Cổ phần Nhựa Việt Nam (VNP), Tổng công ty Cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam (VEC)...
Tuy nhiên đến nay, SCIC chỉ mới bán vốn thành công tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacontrol (VNC) và Công ty Cổ phần Phim truyện 1.
Chia sẻ tại Hội nghị Công bố và triển khai Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 và Kế hoạch kinh doanh, Kế hoạch đầu tư phát triển đến năm 2025 của SCIC, ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC, cho biết danh mục hiện nay của SCIC không còn nhiều doanh nghiệp hiệu quả, số lượng/giá trị doanh nghiệp tiếp nhận cũng không lớn.
"Do vậy, SCIC cần thiết phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đầu tư, chuyển đổi mô hình hoạt hộng thành tổ chức tài chính thực hiện vai trò nhà đầu tư của Chính phủ", ông Thành nói. Theo SCIC, tính đến thời điểm đầu năm 2024, danh mục của SCIC còn 113 doanh nghiệp, ngoại trừ 12 doanh nghiệp nắm giữ theo dự thảo Đề án cơ cấu lại SCIC, phần lớn còn lại là những doanh nghiệp kém hiệu quả, khó bán vốn.
Trong đó, 37 doanh nghiệp thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; 34 doanh nghiệp, gồm các doanh nghiệp thuộc diện giải thể phá sản, ngừng hoạt động, tỷ lệ sở hữu nhỏ, kinh doanh khó khăn… (có một số doanh nghiệp đã bán vốn 6 lần trở lên không thành công); 24 doanh nghiệp phải giải quyết các vướng mắc về pháp lý, công nợ, quyết toán vốn lần 2 mới đủ điều kiện bán vốn; 4 doanh nghiệp thuộc Thông báo số 281. Trong số này, chỉ có thể triển khai bán vốn khả thi đối với 09 doanh nghiệp...
Về hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 của SCIC, tổng công ty đạt doanh thu 7.143 tỷ đồng, giảm 30% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu từ các khoản đầu tư của doanh nghiệp này giảm 92% còn 116 tỷ đồng; doanh thu từ cổ tức và lợi nhuận được chia giảm 29,5% còn 5.383 tỷ đồng;
Trong năm 2023, SCIC đã được hoàn nhập 816 tỷ đồng khoản tiền trích lập giảm giá đầu tư, qua đó chi phí hoạt động đầu tư kinh doanh vốn được hoàn nhập 489,2 tỷ đồng. Nhờ lợi nhuận gộp tăng và khoản lỗ trong công ty liên kết giảm mạnh về còn 1.728 tỷ đồng, SCIC lãi trước thuế 5.650 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của SCIC đạt 52.750 tỷ đồng, tăng 6% so với hồi đầu năm 2022. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm 33.343 tỷ đồng, tăng 10,4%. Trong đó, lượng tiền gửi có kỳ hạn của tổng công ty tăng hơn 4.000 tỷ đồng lên 30.450 tỷ đồng, khoản đầu tư vào cổ phiếu giảm hơn 1.000 tỷ còn 2.945 tỷ đồng.
Các khoản đầu tư tài chính dài hạn tăng 6,3% lên 28.023 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư vào công ty con hơn 17.449 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm.