Chỉ thị 40 'tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về Chính sách xã hội': Kim chỉ nam để hiện thực hóa những giấc mơ
Tín dụng chính sách xã hội là chủ trương, chính sách đúng đắn, có tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta. Trong những năm qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Trong đó, Chỉ thị số 40 ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội có ý nghĩa rất quan trọng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, phát triển kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân.
Đồng Nai là một trong những địa phương được đánh giá cao trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH. 10 năm qua, quá trình thực hiện Chỉ thị 40 tại Đồng Nai đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả tích cực. Qua đó đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Ông Nguyễn Sơn Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết: “Trong 10 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Nai đã giải ngân cho trên 375 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay hơn 12.121 tỷ đồng để tổ chức SXKD và phục vụ các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần tích cực cùng các cấp, các ngành duy trì và tạo việc làm mới cho trên 120 ngàn lao động; hơn 18 ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 361 ngàn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn..]
Về thăm nhà ông Nguyễn Văn Dội ở xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai trong căn nhà khang trang, ít ai biết rằng, 10 năm trước, đây là một hộ nghèo nhất, nhì của huyện. Dí dỏm kể lại những mẩu chuyện kỷ niệm của gia đình mình với nguồn vốn ngân hàng Chính sách, ông Dội cho biết: Ông là một khách hàng thân thiết với dòng vốn chính sách xã hội trong hơn 10 năm qua. Những đồng vốn nghĩa tình trong từng đó năm, đã giúp ông có thêm điều kiện để làm ăn, buôn bán, kinh tế cải thiện qua từng năm. Những tháng ngày cơ cực hơn 10 năm trước đã qua đi, nay, tuổi già của ông đã an nhiên, nhẹ nhàng hơn. Đến giờ, vẫn cứ ngỡ như một giấc mơ, ông Nguyễn Văn Dội tâm sự: Nhiều khi ngồi trong căn nhà khang trang, là một điểm bán tạp hóa đông người qua lại, tôi không dám nghĩ về ngày trước, khi sự nghèo khổ đeo bám, cơm ăn chạy từng bữa. Và thực sự may mắn khi được tổ vay vốn địa phương tạo điều kiện để vay những dòng vốn chính sách xã hội, 10 triệu, 30 triệu, rồi 100 triệu, những dòng vốn này qua từng năm đã trợ lực, giúp tôi vươn lên…
Tiếp cận nguồn vốn chính sách từ năm 2016, gia đình chị Đặng Thị Mai ở xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, Đồng Nai đã được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện giải ngân cho vay tổng số tiền 185 triệu đồng từ các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để đầu tư nuôi bò và trồng xoài. Nhờ sự cần cù, chăm chỉ, cùng với nỗ lực vươn lên, mô hình nuôi bò và trọt của gia đình chị đã phát huy hiệu quả. Hiện tại gia đình chị có 4 con bò và gần 1 ha xoài đã cho thu hoạch mỗi năm gần 200 triệu đồng. Từ một hộ nghèo, đến nay gia đình chị Mai đã thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa khang trang và có cuộc sống ổn định, đã trả được 85 triệu đồng nợ đến hạn cho ngân hàng theo đúng quy định. Chị Đặng Thị Mai nói thêm: Không chỉ có điều kiện vươn lên sản xuất, những dòng vốn chính sách xã hội cho vay học sinh, sinh viên còn giúp cho giá đình tôi và và hàng ngàn hộ khác có điều kiện để cho các cháu ăn học thành người, có việc làm ổn định…
Xã Thanh Sơn, huyện Định Quán cũng là địa phương cấp xã có số vốn giải ngân tín dụng chính sách lớn nhất Đồng Nai, với trên 2.600 hộ vay vốn của 12 chương trình tín dụng chính sách là 98,5 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, tỷ lệ hộ nghèo của xã Thanh Sơn đã giảm dần theo từng năm.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Đồng Nai Lê Bá Chuyên chia sẻ : “Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH đã thực hiện phương thức cho vay ủy thác qua 04 tổ chức chính trị - xã hội. Qua đó, đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng cường thêm sự gắn kết giữa chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội với Nhân dân. Đến 30/6/2024, dư nợ ủy thác qua 04 tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 5.484 tỷ đồng với trên 127 ngàn thành viên vay vốn, tăng 3.761 tỷ đồng (tương đương tăng 218%) so với trước khi thực hiện Chỉ thị số 40.
Bên cạnh các chương trình tín dụng phục vụ các chương trình mục tiêu quốc gia và an sinh xã hội, trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua, NHCSXH tỉnh Đồng Nai cũng là một trong những đơn vị triển khai hiệu quả chính sách cho vay trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất kinh doanh. Đến nay, tổng doanh số cho vay đạt 1.095 tỷ đồng với 62 doanh nghiệp vay để trả lương cho 258.068 lượt lao động với 91.165 người lao động, dư nợ đạt 1.068 tỷ đồng, chiếm 22,4% tổng dư nợ. Mặc khác, tập trung giải ngân cho gần 200 hộ dân vay vốn mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị định 100/2024/NĐ-CP , qua đó, giúp giấc mơ an cư của nhiều người đã trở thành sự thật…
Đồng chí Hồ Thanh Sơn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai đánh giá: thời gian qua, tín dụng chính sách xã hội góp phần cải thiện đời sống Nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, thu hẹp chênh lệch về mức sống giữa các vùng miền, cộng đồng dân cư và hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, hoạt động “tín dụng đen”. Những kết quả đạt được trong công tác triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã góp phần khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn, sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước.
Ông Nguyễn Mạnh Tú, Ủy viên Hội đồng quản trị - Ngân hàng Chính sách xã hội cũng khẳng định, trong 10 năm qua, Đồng Nai là 1 trong những địa phương có nhiều quyết sách, quyết tâm cao trong thực hiện Chỉ thị 40. Điều này thể hiện qua việc, ngay khi Chỉ thị số 40 được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành Thông tri 32 , Kết luận 862, Chỉ thị 14 để chỉ đạo các cấp ủy Đảng và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện đến toàn thể cán bộ, đảng viên. Ông Nguyễn Mạnh Tú nhấn mạnh: Việc trong 10 năm qua, Đồng Nai có 366 ngàn lượt hộ nghèo vay vốn với hơn 11,7 ngàn tỷ đồng, vốn ngân sách ủy thác của Đồng Nai gấp đôi bình quân chung cả nước, đứng thứ 6 toàn quốc...là những ví dụ thực tiễn, sinh động nhất cho những gì mà Đồng Nai đã đạt được trong quá trình thực hiện Chỉ thị 40.
Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và những hướng đi phù hợp trong việc sử dụng vốn tín dụng chính sách hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều quốc gia của tỉnh Đồng Nai đến cuối năm 2023 chỉ còn 0,3%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 140 triệu đồng. Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng là tỉnh đi đầu cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh có 11/11 đơn vị cấp huyện và 120/120 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong 10 năm qua, đã có hơn 55,7 ngàn hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo (hơn 20 ngàn hộ thoát nghèo và hơn 34,8 ngàn hộ thoát cận nghèo); tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo giảm nhanh, từ 4,01% cuối năm 2014 xuống còn 1,36% vào đầu năm 2024. Chỉ thị 40 đã thực sự đi vào cuộc sống, là kim chỉ nam để cụ thể hóa những giấc mơ an cư, lạc nghiệp của người nghèo, các đối tượng chính sách…