Chí thép Trường Sa - Kỳ 2: Khí chất người giữ đảo

3. Biển, đảo, thềm lục địa phía Nam của chúng ta không chỉ có đảo nổi, đảo chìm mà còn có cả những nhà giàn. Nhờ sự chăm lo của cả nước, đời sống của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn đã có nhiều thay đổi.

So với trước đây chỉ là những ngôi nhà đơn sơ, kết cấu kiểu pông tông (dạng phao kim loại) dập dềnh, mấy lần bị bão quật đổ, cán bộ, chiến sĩ đã phải hy sinh thì nay, nhà giàn DK1 đã thật sự vững chãi, có cả sân đỗ trực thăng. Đảo nổi giờ có nơi đào được cả giếng nước lợ để tưới cây, chim, cò cũng đã về sinh sống. Điện gió, điện mặt trời được lắp đặt, tuy có chỗ hỏng, nơi tốt, nơi kém nhưng sự thay đổi rất rõ ràng. Chuyện hỏng hóc, âu rồi cũng thành quen bởi hơi muối, gió và bão tố... làm cho đồ dùng nào trên biển cũng giảm tuổi thọ đáng kể. Trên chuyến tàu Kiểm ngư KN290, xuống khoang tàu kín mít, tôi thấy anh thợ máy Hoàng Hồng cứ ngơi việc chính lại cầm tấm khăn lau đặc chế bằng inox 304 trong phòng điều khiển. Lý giải cho sự cẩn thận đó, anh trả lời rất dí dỏm: Môi trường này không chịu khó bảo quản thì có là inox 505 cũng hỏng chứ đừng nói là inox 304...

Lê Minh Hoàng, chiến sĩ đảo Núi Le A ra tín hiệu cho xuồng cập đảo. Ảnh: TRUNG KIÊN

Cái sự ví von hóm hỉnh mà chân thật ấy quả là xác đáng. Nơi đầu sóng, ngọn gió muốn đứng vững thì con người phải vượt lên trên mọi hoàn cảnh. Tra hạt mầm để cây mọc lên thành rau, trong đất liền, trẻ em lớp một cũng thừa sức làm nhưng mỗi cây rau ở đảo phải được che chắn thật kỹ để không bị táp gió, táp nước biển. Tháng 12-2021, bão Rai (cơn bão số 9) gió giật cấp 13-14 quét qua đảo Song Tử Tây, quật ngã hơn 90% cây cối trên đảo, làm tốc mái hơn 500m2 mái ngói và nhiều tài sản khác... Sau bão, quân và dân trên đảo dựng lại từng gốc cây, cứu được đến... gần 90% số cây bị đổ. Gần 3 năm sau, những cây dừa, cây bão táp... vẫn bị táp gió, cháy sém, chưa vơi thương tích. Hơn hẳn cây, người ở đảo luôn hiên ngang, họ bất chấp mọi gian lao, khổ cực, vào sống ra chết cũng không hề nản chí. Trong gian nguy, họ đã không tiếc cả tính mạng của mình, quên thân vì nghĩa lớn. Tại lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc do Trung tướng Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam làm trưởng đoàn chủ trì, ai cũng rưng rưng lệ. Năm 1990, 1996, 1998, 2000, bão biển quật đổ một số nhà giàn. Giữa sự sống và cái chết, với tinh thần “còn người, còn nhà giàn, còn Tổ quốc”, những chiến sĩ hải quân đã không bỏ vị trí, không bỏ nhà giàn, thanh thản chấp nhận thân mình hòa với sóng nước... Gương hy sinh của các anh trở thành biểu tượng cao đẹp, động viên, thôi thúc các thế hệ sau vững bước, thêm quyết tâm làm nhiệm vụ. Trong các kết luận ở mỗi đảo, tôi nhận thấy thủ trưởng Tổng cục Chính trị luôn căn dặn cán bộ, chiến sĩ thêm rằng: Các đồng chí ở xa hậu phương, xa cấp trên nhưng đã rất đoàn kết, yêu thương để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cần phát huy cao hơn tình cảm đoàn kết đồng đội, đoàn kết quân dân, gắn bó và hết lòng giúp đỡ ngư dân nhiều việc hơn nữa, thực hiện quân với dân một ý chí, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Điều đó ở Trường Sa là thuộc tính vượt trội. Mỗi người mỗi quê, mỗi tính nết, mỗi chức trách riêng... nhưng hằng ngày cùng ăn, cùng ở, cùng chung trách nhiệm, họ đối xử với nhau thật nghĩa tình, ít so đo, tính toán. Làm nhiệm vụ ở Trường Sa và nhà giàn có hàng trăm lượt sĩ quan đã “nhiều tăng” thay phiên, gắn bó với biển cả hơn chục năm trời, bản lĩnh, ý chí của họ không thể lung lay. Quân chủng Hải quân, Vùng 4 và các đơn vị trực thuộc luôn tạo điều kiện, có chính sách quan tâm đến cán bộ, chiến sĩ nhưng trong cuộc sống khó tránh điều bất ngờ. Thiếu tá Nguyễn Kỳ Hợp, Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông, cuối năm 2022 gặp chuyện buồn-mẹ anh mất. Đến thời điểm này (tháng 4-2023), anh vẫn chưa thể về quê nên có lập bát hương bái vọng thân mẫu. Trung tướng Nguyễn Văn Gấu và nhiều cán bộ đoàn công tác đã thành tâm thắp nén hương, chia sẻ với anh về mất mát ấy. Cũng có những người lính trẻ, tuổi mười tám, đôi mươi, có người chưa nếm trải mối tình đầu, nếu trong đất liền, đa số chưa trải nghiệm nỗi vất vả, gian truân thì chắc chắn, khí chất khác mấy anh lính trẻ Trường Sa. Khi chưa nhập ngũ và ra đảo, có chiến sĩ còn ỉ ôi với mẹ từng bát cơm, còn nhờ mẹ giặt cả quần áo... thì giờ họ khác hẳn. Đảm đương nghĩa vụ của người chiến sĩ, họ hăng say huấn luyện, đêm ngày miệt mài canh gác. Cá nhân tôi rất ấn tượng trong buổi chiều trò chuyện với Hạ sĩ Lê Minh Hoàng trên đảo Núi Le A. Nắng chói chang, mặt biển lại không một gợn sóng, gương mặt đen sạm, mồ hôi ướt đẫm, Hoàng hai tay cầm cờ, phát tín hiệu điều chỉnh luồng, đón những chuyến xuồng, chiếc ra, chiếc vào đảo một cách chính xác, dứt khoát. Cuối tháng 7 năm nay, Hoàng mới đủ 20 tuổi. Quê em ở phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Hoàn cảnh gia đình em khá éo le, ở nhà chỉ có mẹ đang chăm bà ngoại ngoài 80 tuổi. Biết rằng em rất nhớ bà và mẹ, tôi “bí mật” nài nỉ Hoàng dùng điện thoại gọi điện hỏi thăm mẹ nhưng em một mực từ chối, bởi “gọi thế là sai quy định. Em cảm ơn và thủ trưởng thông cảm”. Về đất liền, tôi gọi điện cho chị Lê Thị Phụng, mẹ đẻ của Lê Minh Hoàng, cảm nhận, chia sẻ với chị, mừng cho chị về cậu con trai chững chạc, rắn rỏi và rất cương nghị nơi đảo xa.

4. Người đảo, khí chất ấy là đặc trưng. Ở Trạm hải đăng Đá Tây, tôi được gặp Trạm trưởng Đoàn Hoàng Bách (quê ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng) và hai cộng sự Nguyễn Văn Thắng (quê ở Tiền Hải, Thái Bình), Phan Duy Minh (quê ở Yên Thành, Nghệ An). Anh Thắng lớn nhất, đã ngoài 50 tuổi, là người có 10 năm gắn bó với ngọn đèn này. Minh là em út, sinh năm 1999, mới ra đảo được 5 tháng. Công việc của trạm hải đăng tưởng nhàn nhã, theo quy định 17 giờ 30 phút bật đèn, đến 5 giờ 30 phút thì tắt đèn, nhưng không phải. Muốn ngọn đèn biển soi sáng, làm chỗ dựa, dẫn dắt những con tàu tới đích an toàn thì hằng ngày, nhân viên trạm luân phiên thay ca, chăm chút cho các thiết bị đèn chính, đèn phụ, nhà pha... bảo đảm hiệu lực ánh sáng. Nhớ lúc cùng anh Trần Văn Khánh ở trạm Sơn Ca trèo lên tận khoang cao nhất của ngọn hải đăng, chân tôi cứ lập cập, không biết lúc dông gió ầm ầm, họ lần mò theo lối cầu thang xoắn ốc ấy thế nào. Tuy nhiên, khi được hỏi rằng thực hiện nhiệm vụ khó khăn thế, có ai nản lòng không thì tất thảy đều lắc đầu. Chàng trai trẻ nhất Phan Duy Minh cởi lòng: “Chúng em được sống những chuỗi ngày trách nhiệm trên đảo. Được hít thở không khí trong lành, được chan hòa tình cảm đậm đà giữa các lực lượng. Được một tinh thần làm việc cống hiến, thế là đời vui tươi. Còn ở hậu phương có chuyện vui, mình không có mặt được thì chỉ tiếc. Có chuyện buồn mình không chung lo được thì... hên, xui thôi anh”.

Thiếu tá Nguyễn Văn Tài, Đảo trưởng đảo Đá Tây B với các chiến sĩ trẻ của mình. Ảnh: TRUNG KIÊN

Chia sẻ rất đời thường của Minh thì câu chuyện chỉ đơn giản là “hên” và “xui”, nhưng với những chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển và các nhân viên kiểm ngư làm nhiệm vụ trên quần đảo, họ không cho phép mình sở hữu từ “xui”. Hoạt động trên vùng biển rất phức tạp, bạn-thù đan xen đòi hỏi họ phải hết sức tỉnh táo, tuân thủ đúng quy ước, luật pháp quốc tế. Người chiến sĩ khôn ngoan cần sự bình tĩnh, khéo léo nhưng đủ can trường, dũng cảm, sẵn sàng đối mặt, sẵn sàng thử sức khi cần thiết. Đó là lúc tàu ta và tàu lạ quần thảo nhau, là lúc đấu vòi rồng, là lúc cần nổ súng để trấn áp, khống chế và bắt giữ bọn cướp biển quốc tế... Có những câu chuyện nghe được nhưng giấu ở trong lòng, gần một chục đêm ngủ giữa Trường Sa mênh mông sóng nước, tôi thêm thấm thía, cảm phục những người đồng đội. Xin được mượn lời của Giáo sư Phan Ngọc trong cuốn "Bản sắc văn hóa Việt Nam" đã khẳng định: “Người Việt Nam là con người Tổ quốc luận, tức là đối với anh ta, Tổ quốc lớn hơn tất cả”. Với người lính Cụ Hồ thì Lời thề thứ nhất “Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam...” mãi mãi khắc sâu trong trái tim họ.

Trường Sa-Hà Nội, tháng 4-2023

(còn nữa)

NGÔ ANH THU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/chi-thep-truong-sa-ky-2-khi-chat-nguoi-giu-dao-727078