Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 55 địa phương

Sản xuất công nghiệp tháng 5 tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực; tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động sản xuất tại xưởng sản xuất trụ bê tông ly tâm của doanh nghiệp có vốn FDI tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Hoạt động sản xuất tại xưởng sản xuất trụ bê tông ly tâm của doanh nghiệp có vốn FDI tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Tổng cục Thống kê vừa cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 5 tháng đầu năm 2024 tăng ở 55 địa phương và giảm ở 8 địa phương trên cả nước so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, một số địa phương có chỉ số đạt mức tăng khá cao là: Phú Thọ tăng 31,2%; Bắc Giang tăng 24,9%; Bình Phước tăng 14,8%... Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số tăng thấp hoặc giảm là Hà Giang tăng 0,4%; Bắc Ninh tăng 0,05%. Đáng lưu ý, Hà Tĩnh giảm 9,0%; Quảng Ngãi giảm 8,2%; Cà Mau giảm 2,5%. Lãnh đạo Tổng cục Thống kê nhận định, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao là do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm. Tổng cục Thống kê cũng cho biết, sản xuất công nghiệp tháng 5 tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực; tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,3% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,6%), đóng góp 6,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,2%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,3% (cùng kỳ năm 2023 tăng 5,9%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 5,2% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,4%), làm giảm 0,8 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Dây chuyền sản xuất phân bón chứa silic của CTCP Công Nông nghiệp Tiến Nông. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Dây chuyền sản xuất phân bón chứa silic của CTCP Công Nông nghiệp Tiến Nông. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Đáng chú ý, chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm 2024 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao là: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 27,4%; sản xuất thiết bị điện tăng 24,0%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 20,1%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 19,6%; sản xuất kim loại tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành tăng thấp hơn mức bình quân chung hoặc giảm là: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 5,8%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 5,4%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 11,8%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.
Để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, Tổng cục Thống kê đề xuất Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam; từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa...
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng đã đặt ra những nhiệm vụ nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất thông suốt, thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp trong quý II/2024. Theo đó, Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thể chế, trong đó có những văn bản quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp như: Luật Công nghiệp trọng điểm, Luật Hóa chất… Cùng đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, rà soát các tồn đọng để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản...
Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng Phí Thị Hương Nga, Tổng cục Thống kê cho rằng, các địa phương cần đẩy mạnh các chương trình kích cầu, khuyến mãi nhằm tăng sức mua của người dân, giúp các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày… giảm áp lực đầu ra, mở rộng thị trường nội địa trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó. Đặc biệt đối với các lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, các địa phương cần tổ chức nhiều triển lãm kết nối cung cầu, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm được đối tác, mở rộng đầu ra cho sản phẩm…/.

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chi-so-san-xuat-cong-nghiep-tang-o-55-dia-phuong/336426.html