Chi phí vận hành taxi điện giảm 20 - 30% so với xe xăng

Theo Giám đốc Công ty Taxi Én Vàng, do chi phí bảo trì, bảo dưỡng thấp dẫn đến tổng chi phí vận hành của taxi điện ước tính giảm từ 20 - 30% so với xe xăng.

Lựa chọn xe điện kinh doanh là xu thế chung

Chia sẻ tại tọa đàm với chủ đề "Xu hướng sử dụng xe điện kinh doanh taxi tại Việt Nam" do Báo Giao thông tổ chức sáng nay (24/5), các chuyên gia và doanh nghiệp vận tải đều nhận định, dịch vụ taxi điện đã xuất hiện từ lâu và không còn mới lạ trên thế giới.

Ông Nguyễn Văn Thanh (Tổng giám đốc Công ty CP Di chuyển xanh và thông minh GSM, chủ sở hữu hãng taxi Xanh SM) cho biết, các đơn vị vận tải ở nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện chuyển đổi sang xe điện như Ấn Độ, Lào, Trung Quốc, Hàn Quốc hay Indonesia - cũng là quốc gia mà Xanh SM có kế hoạch đầu tư.

Các doanh nghiệp vận tải tham gia hội thảo cho rằng, lựa chọn xe điện kinh doanh là phù hợp hướng đi của Chính phủ cũng như xu thế chung của thế giới, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. Vì vậy tất cả đều hào hứng với việc chuyển đổi sang loại phương tiện này.

Ông Phan Thanh Uy, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam. Ảnh: Tạ Hải.

Ông Phan Thanh Uy, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam. Ảnh: Tạ Hải.

Theo ông Phan Thanh Uy, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, các đơn vị đều dành sự quan tâm rất lớn với việc chuyển đổi: “Nhiều doanh nghiệp taxi chủ động đến văn phòng hiệp hội để tham vấn, chủ động tiếp cận các công nghệ mới về xe điện, thậm chí đến tận nhà máy, sang nước ngoài để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Có đơn vị đã lên kế hoạch đưa về cả xe container chạy điện”.

Trả lời câu hỏi vì sao quyết định chuyển đổi sang xe điện, ông Nguyễn Văn Định, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty taxi Én Vàng cho biết, thực tế đã đi khảo sát với các doanh nghiệp vận tải để tìm được phương tiện kinh doanh đạt hiệu quả đầu tư, chi phí thấp và vòng đời dài.

“Cá nhân tôi cũng sang Trung Quốc, Mỹ và nhìn thấy xe điện vận hành êm ái, hiệu quả thực sự. Chúng tôi tính đơn giản 1km vận tải xe xăng thấp nhất cần chi 1.200 - 1.600 đồng với giá xăng hiện tại. Còn xe điện chỉ tốn 400 - 600 đồng. Ngoài ra, chi phí bảo trì, bảo dưỡng thấp dẫn đến tổng chi phí vận hành ước tính giảm từ 20 - 30% so với xe xăng. Chi phí thấp như vậy mang lại hiệu quả cho người đầu tư, người vận hành là lái xe và khách hàng cũng được hưởng lợi”, ông Định nói.

Ông Định cho biết thêm, nhiều tài xế chia sẻ rằng còn không muốn quay lại xe xăng bởi xe điện đã mang tới lợi ích thực tế cho họ.

Theo ông Hồ Quang Hiếu (Phó giám đốc Công ty TNHH Vận tải quốc tế Sơn Nam - đại diện hãng taxi MaiLove tại Nghệ An), sau giai đoạn đầu đưa vào khai thác, xe điện cho thấy hiệu quả kinh doanh rõ rệt về chi phí nhiên liệu, giảm hư hỏng và tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa: “Đã có những đơn vị tham gia đầu tư taxi điện cùng MaiLove. Các khách hàng, đặc biệt phụ nữ, người cao tuổi và người sợ mùi xăng, dầu đều hài lòng khi đi taxi điện”.

Cần chính sách thu hút doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện xanh

Trong tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp vận tải đều bày tỏ mong muốn Chính phủ sẽ có những ưu đãi, chính sách khuyến khích cụ thể, rõ ràng cho cả doanh nghiệp và người dùng xe điện để thúc đẩy chuyển đổi và tăng lượng xe tiêu thụ, giúp giảm giá bán ô tô điện và từ đó giảm cước taxi điện, đồng thời rút ngắn thời gian hoàn vốn của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Định, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Taxi Én Vàng.

Ông Nguyễn Văn Định, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Taxi Én Vàng.

Ông Nguyễn Văn Định cho rằng, vận tải là ngành đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi thói quen sang sử dụng năng lượng sạch. Trước hết, cần tăng cường truyền thông đến người dân về lợi ích bảo vệ môi trường của ô tô điện và các dòng xe xanh.

Cùng đó, cần những chính sách trợ giá từ Chính phủ giống như chính sách miễn phí trước bạ cho xe điện hiện tại. Ở châu Âu và Trung Quốc, có những khoản hỗ trợ cụ thể bằng tiền cho các doanh nghiệp taxi điện.

Ngoài ra, cần có quy hoạch bắt buộc về cơ sở hạ tầng trạm sạc, ưu tiên, khuyến khích những nơi tập trung đông người như bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại, khu du lịch... sử dụng xe năng lượng sạch để bảo vệ môi trường.

Theo ông Hồ Quang Hiếu, giá điện cũng là yếu tố các doanh nghiệp quan tâm. Cần đảm bảo giá điện ổn định ở hiện tại và trong tương lai, cũng như có chính sách ưu đãi về giá điện cho các công ty kinh doanh vận tải bằng xe điện. Chính sách ưu đãi lãi suất vay vốn để chuyển đổi sang xe điện cũng rất cần thiết.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thanh cho biết, hiện tại, một số ngân hàng đã có nguồn vốn xanh, tuy nhiên các doanh nghiệp nhỏ vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn này.

Các doanh nghiệp vận tải trông chờ những chính sách hỗ trợ cụ thể, phù hợp để khuyến khích chuyển đổi sang xe điện.

Các doanh nghiệp vận tải trông chờ những chính sách hỗ trợ cụ thể, phù hợp để khuyến khích chuyển đổi sang xe điện.

PGS.TS Đàm Hoàng Phúc (Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định, khi doanh nghiệp là những người tiên phong chuyển đổi sang taxi điện, họ sẽ quan tâm về mặt tài chính có lợi hay không, nhưng phía Nhà nước sẽ thực hiện được cam kết giảm phát thải khí CO2.

Do đó, bài toán chính sách đưa ra cần đảm bảo cân bằng hài hòa giữa hai vấn đề này, Chính phủ cần có những chính sách để tạo đòn bẩy mạnh hơn thu hút doanh nghiệp tham gia chuyển đổi phương tiện xanh.

Ông Phúc cho rằng, cần có chính sách phát triển trạm sạc, một mình VinFast làm sẽ rất khó để phủ rộng mạng lưới trạm sạc đáp ứng nhu cầu của người dùng. Do đó, cần thêm nhiều đối tác tham gia.

Về việc đăng ký tín chỉ các-bon theo Nghị định 06, ông Phan Thanh Uy cho biết Hiệp hội Vận tải ô tô đã chính thống có kiến nghị. Riêng về mảng này, hiện thiếu rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách.

Theo ông Uy, trong tương lai, các doanh nghiệp vận tải đều có hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Cần văn bản quy định thế nào là hạn ngạch, ai là người cấp, ai kiểm định, cấp tín chỉ… Hiệp hội đang có ý kiến sau này có hạn ngạch, các đơn vị vượt quá hạn ngạch phải bỏ tiền ra mua tín chỉ. Đơn vị nào 100% xe điện, chắc chắn theo hạn ngạch nhỏ hơn thì sẽ được tiền, nội bộ không hết hạn ngạch có thể bán ra ngoài.

“Từ đó tiến đến thị trường trao đổi tín chỉ các-bon, doanh nghiệp nào chuyển đổi taxi điện thì sau này sẽ được bù trừ. Các doanh nghiệp dùng xe chạy xăng, dầu sẽ phải bỏ tiền ra mua. Nói ra để các đơn vị chuẩn bị đầu tư, tiên phong chuyển đổi sang xe năng lượng sạch chắc chắn rằng sau này sẽ được hưởng lợi. Chúng tôi cũng đề nghị mọi việc đăng ký tín chỉ phải thật dễ dàng để giao dịch được”, ông Uy nói.

Trong buổi tọa đàm, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đã đề xuất xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ, đặc biệt là xe taxi, xe buýt – phương tiện vận tải hành khách công cộng chạy với số lượng lớn, nhất là trong nội đô từ xe xăng sang xe điện.

Song song đó, sẽ xây dựng tiêu chí xanh đối với các hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ như bến xe khách, bến xe hàng hoặc trạm dừng nghỉ; phối hợp thí điểm lắp đặt các trạm sạc tại các hệ thống dịch vụ này.

Tứ Đức

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/chi-phi-van-hanh-taxi-dien-giam-20-30-so-voi-xe-xang-192240524152231813.htm