Chi phí huy động vốn: Bài toán cân não
Cấu trúc huy động vốn chủ, vốn nợ hiệu quả luôn là bài toán cân não với nhiều doanh nghiệp. Riêng việc phát hành cổ phần tăng vốn ở mức giá nào cũng đòi hỏi phải tính toán kỹ lưỡng.

Với nhà đầu tư cá nhân, “game” tăng vốn luôn có sức hút kỳ lạ
“Game” tăng vốn
Câu chuyện phát hành cổ phần tăng vốn luôn được các nhà đầu tư quan tâm. Với nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán, “game” tăng vốn có sức hút kỳ lạ. Thời điểm doanh nghiệp công bố thông tin phát hành, giá chào bán thấp hơn thị giá là yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư tham gia, còn cao hơn thị giá giúp nhà đầu tư kỳ vọng giá cổ phiếu trên sàn sẽ được “đẩy” lên bằng hoặc cao hơn giá phát hành nhằm đảm bảo khả năng huy động vốn thành công. Đối với những doanh nghiệp tái cấu trúc và có chuyển biến lớn trong kinh doanh, nhưng giá cổ phiếu vẫn ở mức “trà đá”, muốn phát hành thì thị giá sẽ sớm tăng lên trên mệnh giá là một trong những lập luận, cơ sở để nhiều nhà đầu tư “đặt cược”.
Thực tế, hầu hết các đợt phát hành đều có giá thấp hơn thị giá. Theo các chuyên gia phân tích, phát hành cho cổ đông hiện hữu với giá thấp hơn thị giá là điều bình thường, mang đến sự công bằng giữa cổ đông và những nhà đầu tư khác. Đứng ở vai trò của doanh nghiệp trong câu chuyện này, nếu chào bán cổ phiếu với giá cao thì rất khó để huy động vốn. Vì vậy, các công ty thường xét đến việc làm thế nào để đưa ra được mức giá phát hành hợp lý.
Trong trường hợp công ty phát hành ra bên ngoài, giá thấp có thể khiến cổ đông lo ngại về nguy cơ bị “pha loãng”. Tuy nhiên, nếu bán cho nhà đầu tư chiến lược thì những người này có thể yêu cầu công ty để giá bán ra thấp hơn thị giá trên sàn.
Nhìn chung, khi chào bán thêm cổ phần thì bản chất công ty muốn tăng vốn để phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, nên bài toán làm thế nào để tăng khả năng thành công của đợt phát hành luôn được xem xét cẩn trọng.
Ghi nhận tại nhiều doanh nghiệp, họ đưa ra mức giá phát hành tối thiểu bằng giá trị sổ sách, hoặc bằng mệnh giá, hoặc thấp hơn thị giá trên sàn.
Không ít doanh nghiệp bất động sản có cổ phiếu với thị giá ở mức “trà đá”, muốn tái cấu trúc theo hướng phát triển bền vững hơn, tài sản chất lượng hơn, từng bước cải thiện sức khỏe tài chính, nhưng cổ phiếu phải vượt mệnh giá để chí ít đáp ứng được điều kiện huy động vốn.
Chính vì vậy, công cuộc làm sao phản ánh giá trị để cổ đông, nhà đầu tư mới chịu nhìn nhận giá trị doanh nghiệp đang từng bước tốt lên, từ đó phản ánh qua thanh khoản, giá cổ phiếu được đặt ra cho doanh nghiệp.
Tương tự, trong lĩnh vực chứng khoán, có những công ty “đổi chủ” thông qua việc đầu tư chi phối ở các công ty hoạt động kém hiệu quả hoặc đang hoạt động cầm chừng, rồi từng bước tăng vốn và thúc đẩy kinh doanh. Bài toán tương tự, làm sao để giá cổ phiếu lên trên mệnh giá, bằng hoặc trên giá trị sổ sách để có thể huy động vốn nằm trong hoạt động chiến lược của công ty trong giai đoạn tái cấu trúc.
Vừa qua, giá cổ phiếu của một công ty vốn chỉ ở mức 5.000 - 6.000 đồng/cổ phiếu đã “bò” lên trên mệnh giá trước những chuyển động rõ ràng của doanh nghiệp và tại đại hội cổ đông 2025, công ty này thông qua việc tăng vốn cổ phần riêng lẻ, giá phát hành không thấp hơn giá trị sổ sách - quanh 11.000 đồng/cổ phiếu. Nhiều nhà đầu tư vẫn đang kỳ vọng, thị giá sẽ tiếp tục tăng để đợt phát hành với giá tối thiểu bằng giá trị sổ sách đủ sức hấp dẫn và doanh nghiệp huy động vốn thành công.
Đó cũng là tâm lý và hiện trạng bên ngoài ở nhiều doanh nghiệp với câu chuyện tăng vốn. Ở góc nhìn khác, câu chuyện tăng vốn được cân nhắc phức tạp hơn, tập trung vào cấu trúc huy động vốn sao cho chi phí huy động vốn tối ưu nhất.
Góc nhìn của một nhà đầu tư lâu năm
Khi chào bán thêm cổ phần thì bản chất công ty muốn tăng vốn để phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, nên tính toán để tăng khả năng thành công của đợt phát hành luôn được xem xét cẩn trọng.
Trao đổi với người viết, một nhà đầu tư lâu năm chia sẻ, anh đã chứng kiến nhiều cuộc huy động vốn thất bại. Có nhiều lý do, trong đó cơ cấu cổ đông hầu hết là các nhà đầu tư cá nhân. Các doanh nghiệp “đau đầu” vì danh sách cổ đông từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn người, họ sở hữu đa dạng, lô lớn có, lô nhỏ có, lô “li ti” cũng có. Khi muốn huy động vốn, doanh nghiệp bối rối không biết phải tiếp cận hay liên lạc với nhóm cổ đông nào để nhận được sự ủng hộ.
Theo đó, nhiều quyết định được đưa ra theo kiểu: hay là tăng vốn bằng mệnh giá? Vấn đề sẽ nằm ở chỗ, thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp là 30.000 đồng, 40.000 đồng…, việc đưa giá phát hành bằng mệnh giá 10.000 đồng các cổ đông bỏ thêm tiền vào công ty, nhưng chi phí vốn đối với doanh nghiệp lại rất cao. Chênh lệch thị giá và giá phát hành lên đến 20.000 - 30.000 đồng/cổ phiếu là sự “hy sinh” lớn của doanh nghiệp.
Kinh nghiệm ở các thị trường nước ngoài, doanh nghiệp sẽ liên lạc với công ty chứng khoán, tìm hiểu thông tin giao dịch cổ phiếu giai đoạn gần đây, cơ cấu mua bán. Đồng thời, doanh nghiệp có các buổi gặp gỡ các định chế tài chính, nhà đầu tư tổ chức, trình bày phương án tăng vốn, đối thoại cùng các “đối tác vốn”, ủng hộ hay không ủng hộ việc rót thêm tiền để mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh. Khi thống nhất được phương án thì thông thường doanh nghiệp được lợi và “đối tác vốn” cũng được lợi.
Còn ở thị trường Việt Nam, các hoạt động này rất hiếm, trong khi nhà đầu tư cá nhân chủ yếu trả lời rằng, tôi không hiểu gì về kinh doanh đâu, tôi chủ yếu quan tâm doanh nghiệp có chia cổ tức không, cổ phiếu có tăng giá hay không…
“Nếu doanh nghiệp cân bằng được cơ cấu giữa nhà đầu tư tổ chức và cá nhân, khả năng huy động vốn dài hạn sẽ được cải thiện đáng kể”, nhà đầu tư trên nói.
Cần cải thiện cơ sở nhà đầu tư
Giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam gia tăng theo thời gian, nhưng cơ cấu nhà đầu tư vẫn đang nghiêng hẳn về phía nhà đầu tư cá nhân - tuy góp phần gia tăng thanh khoản cho thị trường nhưng ngược lại, tâm lý “đám đông” khiến các biến động trên thị trường diễn ra nhiều và mạnh hơn. Chưa kể, do thị trường đang phát triển, nền tảng kiến thức tài chính, đầu tư của nhà đầu tư không đồng đều, nhiều người không đánh giá được doanh nghiệp mà tập trung đầu tư nhằm hưởng chênh lệch giá, đầu tư theo “sóng”, dẫn đến thách thức cho doanh nghiệp trong câu chuyện huy động vốn dài hạn thông qua thị trường chứng khoán.
Phát triển cơ sở nhà đầu tư, cải thiện chất lượng cầu đầu tư bền vững là một trong những giải pháp quan trọng đã được nêu tại Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030. Việc phát triển cơ sở nhà đầu tư được thực hiện theo hướng phát triển nhà đầu tư tổ chức, nâng cao năng lực của nhà đầu tư cá nhân nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán. Đây là một trong những giải pháp chính đòi hỏi cơ quan quản lý và các bên liên quan tập trung triển khai để thị trường phát triển bền vững, phát huy vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng, dài hạn cho nền kinh tế.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chi-phi-huy-dong-von-bai-toan-can-nao-post369043.html