Chỉ bảo hiểm tiền gửi của cá nhân, không bảo hiểm tiền gửi của tổ chức

– Sáng 2/11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường. Các đại biểu Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra của các dự án Luật: Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bảo hiểm tiền gửi, Tài nguyên nước (sửa đổi), Giáo dục đại học; nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.

Ảnh minh họa. (Nguồn:dnhn.vn)

(ĐCSVN) – Sáng 2/11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường. Các đại biểu Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra của các dự án Luật: Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bảo hiểm tiền gửi, Tài nguyên nước (sửa đổi), Giáo dục đại học; nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.

Mở đầu phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Tờ trình về dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Theo Tờ trình, Dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật gồm 05 chương, 43 điều, quy định trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật; nội dung, hình thức và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm bảo đảm quyền của công dân được thông tin về pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của công dân.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Trong quá trình soạn thảo, xem xét dự thảo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, đa số các ý kiến nhất trí với nội dung cơ bản của dự thảo Luật. Tuy nhiên, có 2 vấn đề còn có ý kiến khác nhau là: Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và việc quy định trong Luật về Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).

Dự thảo Luật quy định ngày 09 tháng 11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức "thượng tôn pháp luật" của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và doanh nhân.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Luật, có ý kiến đề nghị lấy tên gọi ngày này là Ngày Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trên cơ sở tham khảo mô hình Ngày Hiến pháp của một số nước.

Về vấn đề này, Chính phủ cho rằng, mặc dù dự án Luật lấy ngày ban hành Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta làm Ngày Pháp luật, nhưng không nên gọi là Ngày Hiến pháp. Mô hình Ngày pháp luật là một cách làm mới, tích cực, góp phần đa dạng hóa các hình thức PBGDPL hiện có. Do vậy, Chính phủ đề nghị quy định Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trong dự thảo Luật.

Về Hội đồng phối hợp PBGDPL, có ý kiến đề nghị cần có quy định cụ thể về Hội đồng phối hợp PBGDPL trong dự thảo Luật nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của Hội đồng. Tuy nhiên, Chính phủ nhận thấy, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL là loại hình tổ chức tư vấn, phối hợp liên ngành nên giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ quy định việc thành lập. Trong Dự thảo Luật chỉ quy định một quy định chung về vấn đề này (khoản 3, Điều 5).

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết: Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của Dự thảo Luật về Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là ngày 9/11 hàng năm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, PBGDPL là việc làm thường xuyên, hàng ngày, chứ không phải là việc làm có tính chất phong trào. Vì vây, không nên quy định ngày pháp luật riêng vừa tốn kém, lại không hiệu quả.

Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với Dự thảo Luật quy định về Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, vì cho rằng, thực tiễn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian qua cho thấy, hình thức này vẫn đang phát huy tác dụng trong việc phối hợp, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, không nên quy định việc thành lập Hội đồng này trong Luật, vì đây chỉ là Hội đồng mang tính chất lâm thời để phối hợp các ban, ngành, đoàn thể hướng dẫn việc triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Việc thành lập các Hội đồng như thế này mang tính chất của công tác chỉ đạo, điều hành, chứ không phải là Hội đồng độc lập, có địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn riêng.

Tiếp đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi. Dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi gồm 7 chương và 47 điều, quy định đối tượng áp dụng Luật bao gồm: Người được bảo hiểm tiền gửi là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; Tổ chức bảo hiểm tiền gửi; Tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, pháp luật hiện hành quy định, chủ thể bảo hiểm tiền gửi bao gồm cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp doanh. Tuy nhiên, với dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi lần này, Chính phủ đề xuất không bảo hiểm tiền gửi của hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp doanh. Bởi, nếu bảo hiểm tiền gửi cho các tổ chức nói trên sẽ không phù hợp với mục tiêu bảo vệ những người gửi tiền nhỏ lẻ, thiếu thông tin.

Đồng thời, Chính phủ cũng nhìn nhận, tiền gửi của các tổ chức luôn mang tính luân chuyển cao, chủ yếu nhằm mục đích thanh toán chứ không nhằm mục đích gửi tiền tiết kiệm. Điều này cũng không phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Dự thảo thống nhất quy định: chủ thể được bảo hiểm tiền gửi chỉ là cá nhân.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết: Trong quá trình thảo luận về vấn đề này, có hai loại ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí với quy định của Dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi là chỉ bảo hiểm tiền gửi của cá nhân, không bảo hiểm tiền gửi của tổ chức, vì cho rằng, mục tiêu lớn nhất của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ số đông người gửi tiền nhỏ lẻ, không có điều kiện tham gia sản xuất - kinh doanh, không có điều kiện tiếp cận thông tin tham gia gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Đối với tiền gửi của doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng thì đây là một phần trong hoạt động luân chuyển vốn thường xuyên, được quản lý chặt chẽ bởi chế độ quản trị doanh nghiệp nên không thể có vấn đề thiếu thông tin về tổ chức tín dụng mà doanh nghiệp gửi tiền.

Đối với các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức khác có tiền gửi tại các tổ chức tín dụng thì hầu hết nguồn vốn có được từ huy động nhằm thực hiện mục tiêu nhất định, chỉ tạm thời nhàn rỗi, nên thường không kết dư với số lượng lớn, sau mỗi đợt huy động phải công khai việc huy động, quản lý và sử dụng để tạo lòng tin, sự đồng thuận và ủng hộ cao của các thành viên tham gia đóng góp. Ngoài ra, các tổ chức này cũng có bộ máy quản lý tài chính chuyên trách để thu thập thông tin chặt chẽ liên quan đến các tổ chức tín dụng.

Loại ý kiến thứ hai, đề nghị mở rộng đối tượng được tham gia bảo hiểm tiền gửi đối với các loại hình doanh nghiệp, các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân, Hợp tác xã… vì cho rằng, những tổ chức này cũng có các khoản quỹ hợp pháp đang được gửi tại các tổ chức tín dụng. Việc mở rộng ra các đối tượng này cũng nhằm đảm bảo sự công bằng trong chính sách bảo hiểm tiền gửi.

Ủy ban Kinh tế đồng tình với loại ý kiến thứ nhất, cho rằng, chính sách bảo hiểm tiền gửi nên hướng tới bảo vệ số đông người gửi tiền nhỏ lẻ. Trường hợp tổ chức tín dụng gặp rủi ro thì họ vẫn nhận được một khoản tiền gửi tối thiểu.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, nên có nhiều tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo cơ chế tự nguyện để các tổ chức tín dụng chủ động chọn lựa tham gia. Về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế thấy rằng, bảo hiểm tiền gửi được sử dụng làm công cụ tài chính nhằm mục đích thực hiện chính sách công, không phải thực hiện mục đích kinh doanh vì lợi nhuận, nên việc quy định chỉ có một tổ chức bảo hiểm tiền gửi được thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi theo cơ chế bắt buộc tại Việt Nam như hiện nay là hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Liên quan đến mức phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức bảo hiểm tiền gửi, Ủy ban Kinh tế nghiêng về phương án như dự án Luật, không quy định một mức phí hay khung phí cố định mà giao Ngân hàng Nhà nước quy định. Đồng thời, giao Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm trong từng thời kỳ theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước.

Cũng trong sáng 2/11, Quốc hội đã nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); dự án Luật Giáo dục đại học; Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.

Các dự thảo Luật trên sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ trong hai ngày 3 và 4/11.

Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=488126&co_id=30106