'Chém gió' xin được dự án từ Bộ Quốc phòng để chiếm đoạt tiền của doanh nghiệp
Là lao động tự do, không có vai trò, chức năng, nhiệm vụ gì nhưng Long vẫn 'chém gió' là có mối quan hệ với người có thẩm quyền ở Bộ Quốc phòng, có thể xin được dự án để lừa tiền của doanh nghiệp.
Ngày 10-9, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa bị cáo Võ Sỹ Long (SN 1970, trú ở phường Hưng Phúc, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án là 3 doanh nhân bị chiếm đoạt tổng số tiền hơn 4,4 tỷ đồng.
Theo hồ sơ vụ án, Võ Sỹ Long là lao động tự do, không có vai trò, chức năng, nhiệm vụ gì tại Bộ Quốc Phòng. Long cũng không có mối quan hệ gì với người có thẩm quyền quyết định việc lựa chọn nhà thầu thi công các công trình xây dựng thuộc các dự án do Bộ Quốc phòng quản lý.
Tuy nhiên, để chiếm đoạt tiền của các bị hại, Long đưa ra thông tin gian dối về việc có quan hệ với lãnh đạo Bộ Quốc Phòng, có thể xin được trúng thầu thi công các dự án của Bộ Quốc Phòng.
Tin tưởng, nhiều doanh nhân đã đưa tiền cho Long nhờ xin cho doanh nghiệp của mình được thi công Dự án Z113 Tuyên Quang, Dự án Trạm dừng chân trên tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mà không biết bị lừa.
Cụ thể, thông qua mối quan hệ xã hội, bà Lê Thị Nhự (Phó giám đốc Công ty TNHH xây dựng Trí Việt (Công ty Trí Việt) quen biết Võ Sỹ Long. Khoảng đầu tháng 10-2015, Long cho bà Nhự xem các tài liệu liên quan đến dự án thi công và giá trị xây dựng các hạng mục công trình của Nhà máy Z113 tại tỉnh Tuyên Quang do Cty Z113 - Bộ Quốc Phòng làm chủ đầu tư.
Long nói có thể xin giúp doanh nghiệp của bà Nhự được thi công dự án này trong vòng 1 tháng với chi phí hết 1,5 tỷ đồng. Tin tưởng, bà Nhự cùng ông Phạm Hồng Phong (SN 1960, ở Vĩnh Phúc) nhờ Long xin cho thi công dự án trên. Tổng số tiền 2 người này đã đưa cho Long là 770 triệu đồng, trong đó bà Nhự chiếm phần lớn.
Ngoài ra, quá trình quen biết Long, bà Nhự còn giới thiệu ông Nguyễn Đức Sửu (Giám đốc Công ty Quỳnh Phương) gặp gỡ bị cáo. Tương tự bà Nhự, ông Sửu cũng được Long cho xem các tài liệu liên quan đến việc thi công xây dựng Nhà công vụ Dự án Nhàmáy Z113 Tuyên Quang; Trạm dừng chân một bên tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và một số Dự án khác do Bộ Quốc Phòng quản lý.
Do tin tưởng Long có mối quan hệ với lãnh đạo Bộ Quốc Phòng và được hứa hẹn sẽ xin được dự án cho công ty ông Sửu sau 1 tháng nên ông Sửu đã nhiều lần đưa tổng cộng khoảng 3,8 tỷ đồng (bao gồm cả 100 triệu đồng tiền chi phi đi lại chung của hai người) cho Long.
Theo lời khai của ông Sửu, ông có được bị cáo cho đi cùng đến Bộ Quốc Phòng. Tuy nhiên khi đến nơi, Long bảo ông Sửu đợi ở ngoài, còn Long đi vào gặp ai, chi phí như nào, ông này không biết.
Tổng số tiền ông Sửu và Long xác nhận là 3,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Sửu trừ cho Long 100 triệu đồng tiền chi phí đi lại chung giữa hai người, do đó số tiền Long chiếm đoạt của ông Sửu là 3,7 tỷ đồng.
Quá trình giải quyết vụ án, ông Sửu thấy Long đang phải chấp hành bản án 20 năm tù trong một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác, không có khả năng trả lại tiền nên không yêu cầu bị cáo phải khắc phục toàn bộ số tiền chiếm đoạt.
Sau nửa ngày xét xử, TAND TP Hà Nội nhận thấy cáo trạng truy tố bị cáo là đúng pháp luật. Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai tại CQĐT, phù hợp với lời khai của các bị hại và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ liên quan nên TAND TP Hà Nội quyết định tuyên phạt Võ Sỹ Long 16 năm tù; tổng hợp với bản án đang phải thi hành là 30 năm tù.