Che biển số để né phạt nguội: Cần xử nghiêm
Nhiều người bất ngờ khi nhận thông báo xe của mình vi phạm luật giao thông do camera giám sát của cơ quan chức năng ghi nhận được nhưng khi tra cứu thì phát hiện xe vi phạm không phải xe của mình.
Thời gian vừa qua, những hình ảnh về các chủ xe cố tình che biển số, sửa biển số bằng cách dùng băng dính đen sửa ký tự E thành F, biến số 0 thành 8 hoặc 8 thành 3… xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.
Trong khi đó, nhiều chủ xe cho biết rất bất ngờ khi nhận được thông báo xe của mình bị cảnh báo đăng kiểm hoặc có khá nhiều lỗi vi phạm giao thông. Tuy nhiên, khi đến cơ quan chức năng làm việc thì phát hiện xe vi phạm không phải xe của mình.
Ngỡ ngàng khi xe của mình gặp nhiều lỗi phạt nguội
Anh Đặng Hải An ở Hà Nội (chủ nhân biển số xe 30E-190.XX) bức xúc chia sẻ câu chuyện từng nhận thông báo phạt nguội với ba lỗi đi quá tốc độ trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian xe bị ghi nhận vi phạm, anh không di chuyển trên tuyến đường này. Anh đã đến Đội CSGT số 1 để xem hình ảnh thì ngỡ ngàng khi chiếc xe vi phạm có cùng biển số và màu sơn đỏ, cùng hiệu Hyundai Elantra.
Tương tự, anh Cường (một tài xế taxi ở Hà Nội) kể: Anh hành nghề taxi nên cũng không chú ý nhiều về một số lỗi nhỏ vì có thể một lúc nào đó mình sơ ý vi phạm. Do vậy, khi đi kiểm định thì được trung tâm đăng kiểm báo xe có vi phạm nên anh vẫn đi đóng phạt.
“Cho tới ngày tôi thấy hình ảnh chiếc xe có biển số giống hệt xe của tôi, mới nghi ngờ. Tôi đã tra cứu thông tin phạt nguội biển số xe của mình trên một số hệ thống và được thông báo vi phạm nhiều lỗi giao thông khác nhau từ năm 2019 và năm 2021. Tuy nhiên, trong thông báo phạt nguội cũng nêu rõ xe bị phạm lỗi có biển số 30E-660.XX, nền màu trắng, chữ và số màu đen” - anh Cường cho biết.
Bổ sung hình thức phạt hành vi che biển số
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, luật sư (LS) Huỳnh Văn Nông, Đoàn LS TP.HCM, cho biết: “Việc chủ xe cố tình dán băng dính làm cho biển số bị trùng với biển số xe khác nhưng trùng cả loại xe, hãng xe thì là việc rất hy hữu. Tuy nhiên, sự hy hữu không phải là không có xảy ra”.
Theo luật sư, việc cố tình che biển số, làm sai lệch biển số là hành vi sai quy định, cần có mức phạt nghiêm khắc hơn để răn đe.
Theo LS Nông, trong trường hợp này, chủ xe nên có khiếu nại đến cơ quan thu thập dữ liệu rằng thời gian đó xe của mình không đi qua địa bàn ghi nhận xe vi phạm và đề nghị cơ quan chức năng xác minh lại.
“Đó có thể là biển số giả hoặc dán băng dính gây nhầm lẫn. Chủ xe hoàn toàn có chứng cứ chứng minh xe của mình không vi phạm giao thông như: Camera hành trình, nhân chứng, điểm gửi xe tại nơi mình sống, làm việc. Ngoài ra, cần làm sớm để chắc chắn rằng cơ quan chức năng rút lại việc xử phạt chứ không nên đợi đến lúc kiểm định xe” - LS Nông nhấn mạnh.
Cũng theo LS Nông, việc cố tình che biển số, làm sai lệch biển số là hành vi sai quy định, cần có mức phạt nghiêm khắc hơn để răn đe hoặc có những hình phạt bổ sung như giam xe, tước bằng lái xe. “Nguy hiểm nhất là việc những chiếc xe đó gây tai nạn thì phải truy người vi phạm dựa vào biển số xe, vậy tình huống này sẽ như thế nào” - LS Nông đặt vấn đề.
Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều chủ xe bị phạt nguội “oan” là do một số người có hành vi cố tình che mờ biển số (dùng cách nào đó để thay đổi chữ hoặc số trên biển số) dẫn tới camera giám sát nhận diện trùng với xe mang biển số thật.
Theo Cục CSGT, tình trạng vi phạm trên xuất hiện nhiều tại những tuyến đường nội thị, những tuyến đường có lắp đặt camera giám sát giao thông hoặc các điểm gắn camera ghi hình phạt nguội.
Trước đây, Cục CSGT từng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nâng mức xử phạt đối với hành vi che mờ biển số. Kết quả, Nghị định 123/2021 được ban hành để sửa đổi Nghị định 100/2019, trong đó quy định tăng mức phạt đối với hành vi này lên sáu lần đối với ô tô (từ 800.000 đồng-1 triệu đồng lên mức 4-6 triệu đồng).
“Ngoài ra, lực lượng CSGT cũng thường xuyên tăng cường tuần tra lưu động, dùng các thiết bị nghiệp vụ và sử dụng hệ thống camera hiệu quả để xử phạt các hành vi này” - đại diện cục cho hay.•
Cách thức để chứng minh xe của mình không có lỗi
Anh Chu Võ Kim Long, Giám đốc một doanh nghiệp tại TP.HCM, chia sẻ kinh nghiệm về việc chứng minh xe của mình không có lỗi khi nhận giấy phạt nguội.
Cụ thể, anh Long kể vào khoảng mấy tháng trước, anh bất ngờ nhận giấy thông báo phạt nguội là xe của anh chạy quá tốc độ tại Cần Thơ. “Tôi đã làm công văn gửi xuống phòng CSGT nói rõ về thời gian, địa điểm và nhân chứng chứng minh xe tôi không di chuyển ra khỏi TP.HCM. Khoảng một tuần sau, tôi đã nhận được thư phản hồi xin lỗi về việc nhầm lẫn màu xe” - anh Long cho hay.
Anh Long cũng cho biết chỉ cần gửi công văn để chứng minh chứ không cần phải đến làm việc trực tiếp, vì theo quy định, cơ quan CSGT phải chứng minh được lỗi của người vi phạm giao thông mới tiến hành xử phạt.
Theo anh Long, việc chứng minh mình không có lỗi không quá khó khăn. Chủ xe chỉ cần cung cấp cho cơ quan chức năng chứng cứ về thời gian, địa điểm, công việc hoặc có người làm chứng, sự kiện ghi nhớ nào đó.
“Nếu xử phạt sai có thể làm ảnh hưởng tới công việc, thời gian của chủ xe không vi phạm. Đơn cử như việc bán xe hay đi kiểm định xe. Do đó, cơ quan chức năng sẽ không gây khó dễ cho người dân và sẽ xác minh lại thông tin đúng” - anh Long nói. Một số chủ xe khác cũng chia sẻ trước khi đăng kiểm một tháng, các chủ xe nên tra cứu thông tin phạt nguội để tránh gặp phải tình trạng xe bị nhắc nhở “oan”.
Nguồn PLO: https://plo.vn/che-bien-so-de-ne-phat-nguoi-can-xu-nghiem-post690823.html