Châu La Việt - Văn và đời, luôn là người lính- Bài 2: Người lính với trái tim ấm áp, hào hiệp, nghĩa tình (Tiếp theo và hết)

Hơn mười năm trở lại đây (từ ngày Lê Khánh Hoài nghỉ hưu), ở hầu hết trại viết văn của Quân đội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch... đều thấy một trại viên là cựu chiến binh, thường mặc quần áo bộ đội đã cũ, mái tóc đốm bạc, phong sương nhưng khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, phong thái nhanh nhẹn, xởi lởi, rất quảng giao. Người đó là nhà văn Châu La Việt.

1. Các nhà xuất bản thích in sách của anh, bởi không chỉ là tác giả thuộc lớp nhà văn cuối cùng trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ có nhiều tác phẩm sinh động, chân thực, tập trung về hình tượng người lính Cụ Hồ trước 1975, mà anh còn là nhà báo quảng bá hấp dẫn, tinh tế về trại viết, về các tác phẩm... Quan trọng hơn, anh là “bà đỡ”, là cầu nối giữa các mạnh thường quân với những đơn vị làm sách, với các tác giả... Các nhà văn thích nghe anh nói chuyện. Từ những câu chuyện chiến tranh ác liệt thời chống Mỹ mà anh trực tiếp tham gia, đến chuyện đời tư nhiều tướng lĩnh, văn nghệ sĩ, cả chuyện “thâm cung bí sử”... Ở đâu có anh là ở đó hầu như có mặt đủ các trại viên, tất nhiên anh là trung tâm, hầu như chỉ mình anh nói, có nhiều chi tiết mới mẻ, rất cần cho các nhà văn. Không chỉ vốn sống thời đánh giặc mà còn là những “mẹo” cần cho việc viết, in, quảng bá tác phẩm...

Nhà văn Châu La Việt (bên trái) thăm thủ trưởng cũ Hoàng Ngọc Chấp. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Nhà văn Châu La Việt (bên trái) thăm thủ trưởng cũ Hoàng Ngọc Chấp. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, anh về học Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tốt nghiệp loại ưu, không làm nghề dạy học mà đi làm báo với bút danh Triệu Phong. Làm Trưởng ban Văn hóa văn nghệ Báo Thanh niên nhiều năm, làm Tổng thư ký Báo Thanh niên thời đại buổi đầu thành lập, anh còn là cây bút chủ lực mảng văn hóa-xã hội, văn nghệ của nhiều tờ báo lớn. Hàng trăm bài báo sắc sảo của nhà báo Triệu Phong được bạn đọc hoan nghênh bởi không chỉ đặt đúng, trúng vấn đề mà còn rất nhân văn, đậm tình người. Nhiều nhà văn, nhà thơ lứa chống Mỹ gửi bản thảo nhờ anh đọc, nhờ anh gửi in chỗ tin cậy, khi có sách lại nhờ anh bán và phải là anh giới thiệu trên báo mới yên tâm. Anh không nề hà. Việc gì đóng góp có ích cho xã hội, cho anh em, đồng đội, anh cũng hết mình.

Là người trực tiếp đạo diễn, tổ chức nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật để tri ân, tưởng nhớ các văn nghệ sĩ, các liệt sĩ, như về Đại tá, nhà văn Xuân Thiều, liệt sĩ Lê Nam-người tham gia đánh trận mở đầu vào đồi Him Lam mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, sau này anh dũng hy sinh trên chiến trường Trị Thiên; Châu La Việt còn là người tổ chức bản thảo, xuất bản nhiều tập sách về Xuân Thiều, Lê Nam. Anh cũng đứng ra tổ chức Chương trình tưởng niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Tố Hữu, Chương trình kỷ niệm 40 năm ca hát của NSƯT Dương Minh Đức... Anh cũng là người đứng ra in sách cho các liệt sĩ-nhà thơ Lê Anh Xuân, Nguyễn Trọng Định... Ngoài hỗ trợ in tác phẩm cho một số nhà văn, nhà thơ, anh in sách cho cả những đồng đội cùng chiến hào đánh Mỹ hôm qua. Những trang ghi chép, những bài thơ lưu lại ký ức thời “hoa lửa” của người lính đặc công Phạm Văn Thanh (qua tập "Biển có về với giấc ngủ con không"), của anh lính Mặt trận Tây Nguyên Nguyễn Trọng Luân (với tập thơ "Gọi Tây Nguyên") giúp bạn đọc hiểu thêm thời dân tộc ta muôn người như một, sẵn sàng hy sinh để có độc lập, tự do.

2. Từ nguyện vọng của nhiều đồng ngũ, năm 2019, Châu La Việt cùng bạn bè công tác ở doanh nghiệp sữa Vinamilk đứng ra tổ chức mời 35 cán bộ, chiến sĩ Binh trạm 13 (Tổng cục Hậu cần) và những văn nghệ sĩ từng chiến đấu, công tác bên nước bạn Lào, trở về thăm lại chiến trường xưa. Ngoài quà tặng của Vinamilk, Châu La Việt đã in và bán tập sách của chính mình (cuốn "Lửa vẫn cháy trên những tầng cây săng lẻ") được 150 triệu đồng, chia thành 50 suất quà tặng đồng đội. Không chỉ lần ấy, trước nay, tất cả tiền nhuận bút tác phẩm văn học, nhuận bút viết báo anh đều tích cóp, dành dụm để hỗ trợ tài chính in sách cho một số nhà văn tuổi cao, thăm hỏi các gia đình liệt sĩ, các cụ già neo đơn, các gia đình khó khăn... Hai lần được Bộ Quốc phòng đầu tư viết về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng với số tiền 70 triệu đồng, anh chia thành 20 phần quà, tặng các cựu chiến binh... Đặc biệt quan tâm tới cuộc sống của đồng đội cũ ở Binh trạm 13, ngoài tặng mỗi người một tủ sách đủ 100 cuốn, thông qua bạn bè, biết một đồng đội ở Phú Thọ muốn có một con bò để hằng ngày vắt sữa, anh gửi giúp 12 triệu đồng.

Nghe tin một đồng đội ở Tuyên Quang đang bị bệnh, anh gửi 10 triệu đồng chia sẻ... Những việc này, ít người biết, bởi anh làm trong yên lặng, như từng yên lặng khi sáng tác. Trên trang viết, anh viết những dòng chữ nhân văn, lấp lánh vẻ đẹp tình người, lẽ người; trên trang đời, anh gieo sự thiện lành, tử tế với một trái tim người lính ấm áp, yêu thương.

Nhà văn Châu La Việt (bên phải) trao quà tặng Trường Tiểu học Him Lam (nay thuộc phường Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Ảnh do nhân vật cung cấp

Nhà văn Châu La Việt (bên phải) trao quà tặng Trường Tiểu học Him Lam (nay thuộc phường Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Ảnh do nhân vật cung cấp

Tôi kém nhà văn Châu La Việt mươi tuổi, là thế hệ đi sau, được đọc những tác phẩm của anh, biết anh, càng thêm khâm phục một nhân cách người lính thật đẹp, trước sau như một. Giặc đến, anh lên đường chiến đấu vì lý tưởng độc lập, tự do; hòa bình thì viết văn, làm sách, giúp đồng đội vì lý tưởng nhân văn cao đẹp. Năm 2022, được tham gia trại viết văn của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tại Cần Thơ, tôi và nhà văn Hoàng Dự được Châu La Việt rủ cùng đi thăm đồng đội cũ-bác Hoàng Ngọc Chấp (nguyên Phó trung đoàn trưởng về Chính trị Trung đoàn 226, nay là Lữ đoàn 226, Quân khu 9), vốn là Phó đại đội trưởng Đại đội 11 thuộc tiểu đoàn của Châu La Việt bên chiến trường Lào, nay đang nghỉ hưu ở Cần Thơ. Bác Chấp đã ngoài 80 tuổi, lại đang bị bệnh. Là người cũng đã qua ít nhiều thăng trầm, chứng kiến bao gặp gỡ, chia ly, mà lần ấy tôi thực sự cảm động về tình đồng đội, đồng chí sâu nặng, thiêng liêng. Gặp lại đồng đội xưa, bác Chấp không nói nên lời, cầm tay bạn, nghẹn ngào. Khuôn mặt vốn khắc khổ, giờ trông càng thêm già nua. Những nếp nhăn cố xô nhau để ép ra giọt nước mắt mà không thành. Cái khóc nén lại vào trong, càng như thêm tức tưởi... Châu La Việt dìu thủ trưởng cũ như dìu đỡ một người anh, ấm áp, tin yêu. Tôi và nhà văn Hoàng Dự ngỡ ngàng đứng nhìn, xúc động. Qua câu chuyện, càng thấy quan hệ giữa họ như là ruột thịt thân thiết. Anh Việt vẫn thường xuyên thăm hỏi, gửi quà tới vợ chồng bác Chấp và bao đồng đội khác trong mảnh đất miệt vườn này.

Một lần, tôi hỏi nhà văn lấy tiền đâu ra để giúp bạn bè. Anh nói nhờ có nhiều bạn bè quý, không chỉ khá giả về kinh tế mà còn rất giàu có tình người, là Nguyễn Hiệp, Mai Kiều Liên, Bùi Lê Huyên, Nguyễn Thiều Quang, Trần Minh Văn, Đặng Gia Phú, Đinh Trọng Tuấn, Ngô Phương Lan... Yêu thương vẫy gọi yêu thương. Họ mua sách của anh với giá rất cao (trả tới 20 triệu đồng một cuốn "Lửa vẫn cháy trên những tầng cây săng lẻ")... Bất giác tôi nhớ về câu kết "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật: “Chỉ cần trong xe có một trái tim”. Thì ra, không chỉ là thời chiến, mà ở thời bình, với người lính “chỉ cần có một trái tim” là có thể làm được bao điều tốt đẹp lan tỏa, trao truyền bao điều thương yêu.

Với tôi, người lính-nhà văn Châu La Việt xứng đáng là tấm gương bình dị mà cao quý, đủ tâm, đủ tầm, đủ tài, đủ lực. Là người lính trên trận tuyến đánh Mỹ, vừa cầm súng, vừa cầm bút, với tư cách ấy, thời hòa bình, anh viết văn, làm thơ, viết kịch bản, đạo diễn, diễn viên sân khấu, sáng tác nhạc, viết báo... Việc gì làm cũng hiệu quả, có uy tín. Như “con dao pha”, việc gì cũng “băng băng”, đã nói là làm, làm rất có trách nhiệm. Đã quen biết, ai cũng thấy đó là một người hào sảng, nhiệt tình, thân thiện với bạn bè, anh em. Ngày 20-6-2025, kỷ niệm 5 năm Ngày thành lập Thời báo Văn học nghệ thuật (2020-2025), Tổng biên tập Hoàng Dự đọc diễn văn tri ân những cá nhân, tập thể có công xây dựng, phát triển của báo trong thời kỳ ban đầu tự chủ tài chính rất khó khăn, đã trang trọng ghi nhận sự “đóng góp đặc biệt” của nhà văn, nhà báo Châu La Việt. Trong những ngày dịch Covid-19 căng thẳng, không quản nguy hiểm, khó khăn, anh xung phong đi thực tế viết bài tuyên truyền chống dịch. Không chỉ viết nhiều bài không lấy nhuận bút, anh còn hỗ trợ vật chất vô tư, hào hiệp trong việc xuất bản báo... Tôi biết, anh cũng ứng xử như vậy với vài tờ báo khác. Vì anh là một người lính!

NGUYỄN THANH TÚ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/chau-la-viet-van-va-doi-luon-la-nguoi-linh-bai-2-nguoi-linh-voi-trai-tim-am-ap-hao-hiep-nghia-tinh-tiep-theo-va-het-838126