Châu Âu tái phong tỏa, nguy cơ mất kiểm soát đại dịch

Nga ban bố lệnh bắt buộc đeo khẩu trang toàn quốc. Pháp và Đức đồng loạt tái phong tỏa cả nước. Anh cũng có động thái tương tự... là những diễn biến không thể lạc quan về tình hình đại dịch Covid-19 ở châu Âu.

Thống kê mới nhất cho thấy, châu Âu ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng gấp đôi chỉ trong 5 tuần qua, đưa tổng số ca bệnh tại châu lục này vượt ngưỡng 10 triệu ca tính đến ngày 1-11. Nếu biết rằng trước đây, châu Âu chạm mốc 5 triệu ca sau gần 9 tháng và giờ đây thêm 5 triệu nữa chỉ sau hơn 1 tháng, đó quả là con số đáng giật mình. Hiện châu Âu chiếm khoảng 22% trong tổng số 46,3 triệu ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới và hơn 23% trong tổng số gần 1,2 triệu ca tử vong toàn cầu.

Người biểu tình ở Madrid (Tây Ban Nha) đốt thùng rác và các đồ vật khác trên đường phố. Ảnh: Reuters

Trong đó, số ca mắc ở các nước Tây Âu cao nhất trong khu vực (hơn 30%), còn Nam Âu ghi nhận số ca tử vong cao nhất (khoảng 32%). Tại Đông Âu, Nga là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 với hơn 1,6 triệu ca mắc. Phó thủ tướng Nga Tatiana Golikova cho biết, các bệnh viện tại 16 khu vực ở nước này đang hoạt động đến 90% công suất. Nga đã ban hành lệnh đeo khẩu trang bắt buộc toàn quốc trong bối cảnh làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát mạnh. Ngày 1-11 vừa qua, Nga ghi nhận thêm 18.665 ca mắc trong vòng 24 giờ, cao nhất trong một ngày từng được ghi nhận tại quốc gia này.

Ngoài Pháp, Đức tái phong tỏa cả nước, một số nước châu Âu như Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ đã áp đặt phong tỏa một phần, trong khi Tây Ban Nha và Italy siết chặt các hạn chế. Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson họp báo khẩn tuyên bố Anh phong tỏa trở lại từ ngày 2-11 đến ngày 2-12, trong bối cảnh Anh đang là quốc gia có tỷ lệ người tử vong vì Covid-19 cao nhất châu Âu. Số ca Covid-19 tại Anh đã vượt qua con số 1 triệu người trong ngày 1-11. Cột mốc mới đã làm dấy lên lo ngại "đợt sóng" thứ 2 của dịch Covid-19 tại Anh có thể đẩy hệ thống y tế vào tình trạng quá tải.

Tuy nhiên, bất chấp thực trạng đại dịch lây lan chóng mặt, người dân ở một số nước châu Âu cuối tuần qua đã xuống đường biểu tình để phản đối các lệnh tái phong tỏa do lo ngại ảnh hưởng tới đời sống và kinh tế. Sự tức giận của người dân Tây Ban Nha tăng cao sau khi nước này ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm toàn quốc và hầu hết các khu vực ở nước này đóng cửa đường biên để hạn chế các hoạt động đi lại của người dân. Người biểu tình nước này đã đụng độ với lực lượng hành pháp từ hôm 31-10 và sự giận dữ tiếp tục kéo dài tới ngày 1-11. Tại một số thành phố, biểu tình và tuần hành đã bùng phát thành bạo loạn và cướp bóc. Tại thủ đô Madrid, phong trào biểu tình dữ dội khi nhiều người xuống đường hô vang khẩu hiệu “tự do”. Họ đốt cháy thùng rác và dựng rào chắn trên đường phố chính. Khi cảnh sát triển khai để giải tán đám đông, họ bị những đối tượng quá khích tấn công bằng gạch đá và pháo sáng. Ít nhất 12 người, trong đó có 3 cảnh sát bị thương nhẹ. Đã có 32 đối tượng bị bắt giữ.

Tại Italy, người dân cũng đổ xuống đường phản đối Chính phủ ban hành các biện pháp cứng rắn mới nhằm ngăn chặn đại dịch. Hàng nghìn người đã biểu tình tại Rome và ném chai lọ, gạch đá vào lực lượng hành pháp. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã công bố sắc lệnh về các biện pháp hạn chế mới trên toàn quốc bất chấp sự phản đối của một số người đứng đầu các địa phương cũng như một số cuộc biểu tình đường phố. Người biểu tình lo ngại rằng, chính phủ sẽ không có các biện pháp hỗ trợ đầy đủ khi cuộc sống của người dân đảo lộn và bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch trong suốt năm 2020. Chính phủ Italy cũng đang cân nhắc áp dụng phong tỏa toàn quốc thêm một lần nữa.

Còn tại Đức, biểu tình đã diễn ra ở Munich, Berlin phản đối các biện pháp hạn chế của chính phủ. Dù chính quyền cảnh báo tình thế hiện tại rất nguy hiểm và ẩn chứa rủi ro dịch bệnh sẽ bùng phát nghiêm trọng hơn, nhưng nhiều người cho rằng các biện pháp này vi phạm quyền được quy định trong hiến pháp của họ. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (DIW), đợt phong tỏa lần thứ hai để ngăn chặn sự lây lan mạnh của đại dịch sẽ khiến nền kinh tế này thiệt hại khoảng 19,3 tỷ euro, sản lượng kinh tế sẽ giảm 55% trong một quý.

Những diễn biến căng thẳng nói trên liên quan tới đại dịch Covid-19 ở châu Âu bùng phát trong bối cảnh một số nhà dịch tễ học cảnh báo, trong những tuần tới các chính phủ châu Âu có thể không thể kiểm soát được nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục gia tăng như hiện nay và áp đặt các lệnh phong tỏa mới gần như là tất yếu.

XUÂN PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/chau-au-tai-phong-toa-nguy-co-mat-kiem-soat-dai-dich-642768