Châu Âu nỗ lực bảo vệ hệ thống đường ống khí đốt xuyên biển

Châu Âu đang dồn nỗ lực bảo vệ hệ thống đường ống khí đốt xuyên biển, bởi mọi sự cố xảy ra đều sẽ là thảm họa trong bối cảnh khu vực đang phải đối mặt với khủng hoảng năng lượng.

Một cơ sở của tuyến đường ống dẫn khí đốt Gassco tại Emden, Đức

Một cơ sở của tuyến đường ống dẫn khí đốt Gassco tại Emden, Đức

Tầm quan trọng của hệ thống đường ống dẫn khí đốt

Hôm 26-9-2022, Nord Stream AG - đơn vị vận hành đường ống khí đốt Nord Stream 2 phát hiện sự cố sụt áp đột ngột, có thể là do một lỗ rò rỉ, trên hệ thống dẫn khí từ Nga tới Đức đi dưới biển Baltic. Cơ quan Năng lượng Đan Mạch sau đó cho biết, một trong hai đường ống Nord Stream 2 trong vùng biển nước này đã bị rò rỉ. Vài giờ sau đó, Nord Stream AG thông báo tiếp tục ghi nhận hiện tượng giảm áp suất trên Nord Stream 1, đường ống dẫn khí đốt khác từ Nga đến Đức chạy song song với Nord Stream 2. Cơ quan Hàng hải Thụy Điển cho hay đã phát hiện hai vị trí rò rỉ trên đường ống Nord Stream 1 ở vùng biển Thụy Điển và Đan Mạch. Ba sự cố rò rỉ liên tiếp tại hai đường ống khí đốt Nord Stream 1 và 2 từ Nga sang Đức cho thấy hạ tầng năng lượng châu Âu dễ bị tổn thương thế nào.

Mỗi ngày, thế giới tiêu thụ khoảng 100 triệu thùng dầu và hàng trăm triệu m3 khí đốt tự nhiên. Để vận chuyển lượng năng lượng khổng lồ này, các đường ống dẫn được làm bằng thép carbon được sử dụng rộng rãi. Theo Global Energy Monitor, tính đến tháng 12-2020, có ít nhất 2.381 đường ống dẫn dầu và khí đốt đang hoạt động được phân bổ trên 162 quốc gia. Chiều dài tổng của các đường ống này là hơn 1,18 triệu km, đủ để đi vòng quanh Trái đất 30 lần. Khoảng hơn một phần tư (27%) tổng chiều dài đường ống trên thế giới là ở châu Âu Ngoài 2 tuyến đường ống Nord Stream 1 và 2 nối từ Nga sang Đức, châu Âu còn nhiều tuyến đường ống dẫn khí đốt khác chạy dưới biển. Trước hết là hệ thống đường ống dẫn khí đốt Gassco của Na Uy, chuyên cung cấp khí đốt cho Anh, Đức, Bỉ và Pháp. Năm ngoái, hệ thống này cung cấp cho châu Âu 113,2 tỷ m3 khí. Tiếp đó là tuyến đường ống dẫn khí xuyên Địa Trung Hải với chiều dài 2.475km, bắt đầu ở Algeria, đi qua Tunisia rồi băng qua Biển Địa Trung Hải để đến Italia và Slovenia. Bắt đầu hoạt động từ năm 1983, tuyến đường ống này cung cấp 92 triệu m3 khí/ngày cho châu Âu. Ngoài ra, còn có thể kể đến tuyến đường ống khí đốt kết nối Hy Lạp - Italia. Được đưa và hoạt động năm 1983, đây là đường ống dẫn khí đốt tự nhiên trên bờ và ngoài khơi chạy từ Hy Lạp đến vùng Apulia ở Đông Nam Italia với tổng chiều dài 800 km.

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, để bù đắp lượng khí đốt từ Nga bị gián đoạn, châu Âu đang gấp rút xây thêm các tuyến đường ống dẫn khí mới. Đầu tháng 10 vừa rồi, sau vài chục năm gián đoạn, châu Âu đã khai trương tuyến đường ống mới Baltic Pipe. Được khởi công vào năm 2018, tuyến đường ống thuộc sở hữu của Ba Lan sẽ mang khí đốt từ những nơi giàu năng lượng của Na Uy đến Trung Âu, qua bờ biển Ba Lan. Sau đó, khí đốt theo các đường ống trên bộ chảy đến các nước Liên minh châu Âu (EU) khác trong khu vực. Với công suất 10 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, Baltic Pipe đủ sức thay thế lượng khí đốt tự nhiên mà Ba Lan đã nhận từ Nga.

Châu Âu cũng đang quan tâm đến tuyến đường ống khí đốt dài nhất thế giới, chạy từ Nigeria tới Morocco rồi sang miền Nam châu Âu. Trong buổi trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg hôm 10-10, Giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí quốc gia Nigeria (NNPC) cho biết, dự án tuyến đường ống dài 5.600 km này có mức đầu tư từ 20-25 tỷ USD, vận chuyển khí đốt dọc khu duyên hải Tây Phi tới Morocco rồi kết nối với các tuyến đường ống ở Italia, Tây Ban Nha và có khả năng cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu muốn thay thế nguồn cung từ Nga.

Nguy cơ dễ bị tổn thương của hạ tầng năng lượng châu Âu

Tính tổng cộng, châu Âu có hơn 9.600 km đường ống dẫn khí đốt xuyên qua vùng biển Na Uy và Địa Trung Hải cùng hơn 1.000 cơ sở dầu khí ngoài khơi ở vùng biển châu Âu. Chính vì thế, việc bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng của châu Âu là một nhiệm vụ đầy thách thức. Trước khi vụ tấn công đường ống Nord Stream 1 và 2 xảy ra, ngay từ hồi tháng 6-2022, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã cảnh báo một số quốc gia châu Âu, trong đó có Đức, rằng đường ống Nord Stream có thể bị tấn công phá hoại. Chưa kịp có biện pháp ứng phó thì vụ phá hoại đã xảy ra. Đây là lời nhắc nhở châu Âu rằng cơ sở hạ tầng năng lượng của họ rất dễ bị tổn thương, ngay cả khi họ đang dần thoát khỏi phụ thuộc vào khí đốt và dầu mỏ Nga.

Các nhà phân tích năng lượng và an ninh cho biết, bất kỳ cuộc tấn công nào vào đường ống dẫn khí, giống như vụ nổ Nord Stream, sẽ mất hàng tháng, thậm chí hàng năm, để khắc phục vì việc tiếp cận rất khó khăn và các đường ống dễ bị hư hại bởi nước biển. Trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, 45% lượng khí đốt tự nhiên của EU được nhập khẩu từ Nga, trong đó Đức và Italia là những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất. Sau khi Nga giảm dòng khí đốt, các nước châu Âu đã gấp rút tìm kiếm nguồn cung khác như Na Uy, Algeria hay Mỹ. Nhưng hiện tại, khoảng 15% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU vẫn đến từ Nga.

Chính vì thế, sau các vụ nổ ở đường ống Nord Stream 1 và 2, các lực lượng NATO đã tăng cường hiện diện trên cả biển Baltic và Biển Bắc. Lực lượng phản ứng đa quốc gia Nhóm thường trực hàng hải NATO 1 đang có mặt ở biển Baltic. Hầu hết các nước châu Âu đều đang thực hiện những nỗ lực tương tự. Đôi khi, họ phải sử dụng lực lượng cảnh sát và quân đội vốn không được đào tạo cho những nhiệm vụ như vậy. Tàu chiến, tàu không người lái dưới nước (UUV) và máy bay quân sự đang tích cực tuần tra, kiểm tra các đường ống và giàn khoan ngoài khơi.

Trên Biển Bắc, hải quân Đức, Anh và Pháp đang tích cực giúp Na Uy bảo vệ các cơ sở hạ tầng như giàn khoan dầu, dây cáp và đường ống dưới nước. Đây là một nỗ lực do NATO điều phối. Anh có kế hoạch mua thêm hai tàu giúp phát hiện các mối đe dọa với mạng lưới dây cáp hay đường ống dưới đáy biển. Chiếc đầu tiên sẽ được giao vào tháng 1-2023, trước thời hạn vài tháng.

Tại Đức, quốc gia phụ thuộc nhiều vào dòng khí đốt được vận chuyển từ Nga qua đường ống Nord Stream, chính phủ nước này cho biết cảnh sát đang tuần tra trên biển bằng trực thăng và tàu. Berlin cũng tăng cường an ninh cho các bến cảng xử lý khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nổi đang được xây dựng để tiếp nhận những chuyến hàng từ Mỹ và các nơi khác. Các công ty năng lượng cũng đang thắt chặt an ninh tại các cơ sở của họ. Astora GmbH, công ty vận hành cơ sở lưu trữ khí đốt lớn nhất Đức ở Rehden, cho biết họ đã bố trí các chốt kiểm soát ra vào và tăng cường giám sát bằng camera.

Trước đây, hải quân Italia không dành nhiều thời gian tuần tra các đường ống dưới đáy biển. Nhưng mọi thứ đã thay đổi sau các vụ nổ phá hỏng đường ống khí đốt Nord Stream 1, việc bảo vệ các đường ống, mạng lưới điện hay trạm tiếp nhận khí đốt đã trở thành nhiệm vụ cấp bách. Đối với Italia, ưu tiên hàng đầu là bảo vệ các đường ống dưới nước vận chuyển khí đốt từ Bắc Phi và Azerbaijan. Hải quân Italia hiện có tàu săn mìn và các thợ lặn liên tục giám sát đường ống và cáp viễn thông dưới đáy biển. Italia cũng đang xây dựng một cơ sở dữ liệu thể hiện vị trí chính xác của các vật thể dưới đáy biển đã được phát hiện, từ xô nhựa đến máy rửa bát hỏng.

Hoàng Sơn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chau-au-no-luc-bao-ve-he-thong-duong-ong-khi-dot-xuyen-bien-post524192.antd