CHÀO MỪNG HỘI NGHỊ VĂN HÓA TỈNH KHÁNH HÒA NĂM 2024: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Khánh Hòa văn minh, thân thiện, mến khách, hiền hòa, hạnh phúc, thuần hậu
Sau 10 năm tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 33, ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhân dịp Hội nghị Văn hóa tỉnh năm 2024 và tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33, ông Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã trả lời phỏng vấn của Báo Khánh Hòa về những nét nổi bật trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Khánh Hòa theo tinh thần Nghị quyết số 33.
* Nâng cao nhận thức, tập trung hành động
- Thưa ông, Nghị quyết số 33 được xem là “kim chỉ nam” đối với việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới hiện nay. Nghị quyết ra đời trong bối cảnh cả nước nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng có những thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng gặp không ít thử thách, khó khăn. Vậy để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33 trên địa bàn tỉnh, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đã được triển khai như thế nào?
- Khánh Hòa là vùng đất có lịch sử phát triển lâu dài, một nền văn hóa phong phú, đa dạng và rất rực rỡ; là xứ sở giao thoa, hội tụ văn hóa đặc sắc giữa văn hóa đồng bằng -biển, đảo - núi rừng. Thời gian qua, Tỉnh ủy Khánh Hòa luôn xác định văn hóa, con người là nền tảng, sức mạnh nội sinh, một trong ba thành tố quan trọng hội tụ sức mạnh mềm quốc gia, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, gắn với việc thực hiện mục tiêu, khát vọng xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Vì vậy, ngay sau khi Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nhanh chóng xây dựng Kế hoạch số 85, ngày 1-7-2014 về tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết. Ngày 23-10-2014, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 23 để thực hiện nghị quyết trong toàn Đảng bộ.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm, thường xuyên cập nhật, bổ sung, hoàn thiện các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ đến các cấp, ngành. Đặc biệt, đã kịp thời bổ sung những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được nêu trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; phát biểu chỉ đạo của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; tinh thần, thông điệp của hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”; Nghị quyết số 09, ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trên cơ sở đó ban hành Nghị quyết số 34, ngày 22-12-2023 của Tỉnh ủy về phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Bám sát tinh thần đó, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã phổ biến, quán triệt đầy đủ, kịp thời các nội dung trên đến đội ngũ cán bộ chủ chốt, đảng viên, quần chúng nhân dân. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 và chương trình hành động của Tỉnh ủy phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của từng địa phương, đơn vị.
- Nghị quyết số 33 đã đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ thiết thực để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Xin ông cho biết, những kết quả nổi bật của tỉnh trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 33?
- Triển khai thực hiện Nghị quyết số 33, Tỉnh ủy xác định việc hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Khánh Hòa, triển khai thực hiện các giá trị, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam phải gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh hiện nay là tập trung thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị. Trong đó, đặt ra mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Khánh Hòa toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tỉnh Khánh Hòa là địa phương đáng sống, với các giá trị, chuẩn mực văn minh, thân thiện, mến khách, hiền hòa, hạnh phúc, thuần hậu. Tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi và thực hiện các chế độ, chính sách đãi ngộ để thu hút, động viên, khuyến khích toàn xã hội tham gia xây dựng và phát triển văn hóa; đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao phục vụ nhân dân.
Đối với việc thực hiện 6 nhiệm vụ của Nghị quyết số 33, Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo xây dựng con người Khánh Hòa phát triển toàn diện; bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách, gắn với việc định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Văn hóa được Tỉnh ủy xác định là yếu tố then chốt, là nền tảng quan trọng nhằm nâng cao ý chí, quyết tâm xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị đoàn kết, trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Trong đó, trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
* Tăng cường xây dựng, phát triển văn hóa, con người Khánh Hòa trong tình hình mới
- Trong hành trình 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33 trên địa bàn tỉnh, ông có thể chia sẻ thêm những kết quả chủ yếu, cũng như những khó khăn, hạn chế trong lĩnh vực này đến bạn đọc?
- Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc; nâng cao đời sống vật chất, cải thiện đời sống tinh thần cho nhân dân. Đa số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giữ được phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống lành mạnh, gắn bó với nhân dân. Nhiều phong trào được phát động đã đạt những kết quả cụ thể, thiết thực, như: Phong trào xây dựng khu dân cư tiên tiến, gia đình văn hóa, thôn/tổ dân phố văn hóa, cơ quan văn hóa; phong trào toàn dân đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; các hoạt động hướng về cội nguồn, đền ơn, đáp nghĩa; các cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới hải đảo”, “Vì Trường Sa thân yêu”. Các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp đã có nhiều cố gắng trong việc biểu diễn phục vụ tốt các sự kiện văn hóa, các ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước và nhân dân trong tỉnh.
Bên cạnh đó, phong trào văn hóa - văn nghệ, thể thao quần chúng phát triển đều khắp; nhiều địa phương đã thành lập các câu lạc bộ (CLB) thơ, văn; CLB cầu lông, bóng bàn; CLB ông bà cháu; CLB gia đình hiếu học... Từ đó, truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư được lan tỏa, thấm sâu vào đời sống xã hội... Công tác nghiên cứu, bảo tồn, trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh được quan tâm và đạt được những kết quả khả quan. Nhân dân trong tỉnh đã tổ chức nhiều lễ hội truyền thống một cách trang trọng, bảo đảm an toàn, tiết kiệm; định kỳ hai năm một lần, tỉnh tổ chức Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa; tỉnh cũng đã đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa lớn mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, bên cạnh những mặt tích cực, cũng bộc lộ những yếu tố tiêu cực, như: Nhận thức, hành vi con người dễ bị tác động, chi phối và quyết định bởi các yếu tố vật chất thực dụng; các mối quan hệ ứng xử trong gia đình, xã hội dễ bị tổn thương; những loại hình văn hóa không phù hợp với thuần phong, mỹ tục dân tộc xâm nhập nhanh vào đời sống xã hội; ý thức chấp hành pháp luật, trật tự, kỷ cương xã hội có phần chưa nghiêm... Trong công tác chỉ đạo của cấp ủy các cấp có lúc, có nơi chưa sâu sát, chưa đầu tư đúng mức cho văn hóa, văn học nghệ thuật. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa còn một số hạn chế; công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa chưa phát triển; số lượng tác phẩm văn học nghệ thuật nhiều, nhưng ít tác phẩm có tiếng vang lớn đối với công chúng…
- Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được, cũng như khắc phục những hạn chế, tồn tại, trong thời gian tới, việc thực hiện Nghị quyết số 33 trên địa bàn tỉnh sẽ tập trung vào những nội dung nào, thưa ông?
- Trong thời gian tới, chúng ta sẽ ngày càng đi sâu vào quá trình hội nhập quốc tế một cách toàn diện, bên cạnh đó cũng sẽ phải đối mặt với những tác động của mặt trái kinh tế thị trường, sự phát triển của khoa học công nghệ, các xu hướng hợp tác, giao lưu văn hóa… Vì thế, vấn đề đặt ra là cần quan tâm đầu tư xứng đáng cho văn hóa một cách đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội, để kinh tế thực sự là tiền đề cho sự nghiệp phát triển văn hóa và văn hóa là động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Với mục tiêu xây dựng tỉnh Khánh Hòa là địa phương đáng sống, với các giá trị, chuẩn mực văn minh, thân thiện, mến khách, hiền hòa, hạnh phúc, thuần hậu theo tinh thần Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, trong thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu đặc trưng văn hóa Khánh Hòa, công tác thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa nhằm thu hút các nhà nghiên cứu, nhà đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm đến văn hóa và con người Khánh Hòa, đầu tư vào Khánh Hòa, cũng như khai thác các thế mạnh về văn hóa Khánh Hòa để quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước; tạo đột phá hơn nữa về thể chế, thiết chế, gắn với tiếp tục triển khai các nội dung về văn hóa nêu trong Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị và các văn bản liên quan; đầu tư, triển khai xây dựng các thiết chế văn hóa quy mô lớn, tạo động lực cho sự phát triển văn hóa tỉnh nhà trong giai đoạn mới (Bảo tàng tỉnh, nhà hát, Bảo tàng Yersin, Bảo tàng Trường Sa…); tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, di sản văn hóa, thể dục - thể thao, gia đình, thư viện. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật biểu diễn; công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; đẩy mạnh các hoạt động thể thao cả về quy mô lẫn chất lượng, hiệu quả; nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận cho đội ngũ cán bộ, lãnh đạo của các cơ quan văn hóa, văn nghệ; xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa cơ sở, nâng cao chất lượng các phong trào, cuộc vận động về đời sống văn hóa; đổi mới, đa dạng hóa nội dung và phương thức tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu của người dân; động viên, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ, các đơn vị nghệ thuật sáng tác, dàn dựng những tác phẩm, chương trình có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật…