Chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thị xã Ninh Hòa lần thứ IV Quan tâm phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của các cấp, ngành, địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở thị xã Ninh Hòa đã nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống... Qua đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của từng hộ dân trên địa bàn.

Kinh tế khởi sắc

Bà Bùi Kim Mơ (người Ê đê ở thôn Suối Sâu, xã Ninh Tân) cho biết, trên địa bàn xã có Công ty POMGROUP đã tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, trong đó có bà. Được làm việc trong nhà máy, bà có thêm cơ hội học hỏi, từng bước làm chủ trang thiết bị, máy móc, nâng cao năng suất lao động. Bà mong muốn nhiều ĐBDTTS sẽ có được việc làm trong các công ty, nhà máy. Từ đó, có thu nhập ổn định, góp phần giảm bớt khó khăn cho gia đình và phát triển kinh tế ở quê hương.

Đồng bào Ê đê ở xã Ninh Tây thực hiện lễ cúng bến nước.

Đồng bào Ê đê ở xã Ninh Tây thực hiện lễ cúng bến nước.

Ông Cao Truyền - Trưởng thôn Suối Sâu, thôn tập trung đông ĐBDTTS cho biết, thôn có 173 hộ người Raglai, trong đó có 10 hộ nghèo và 48 hộ cận nghèo. Được bà con tin tưởng bầu làm trưởng thôn và đại diện người có uy tín hơn 10 năm qua, bản thân ông luôn làm gương, đi đầu trong vận động người dân chăm lo phát triển sản xuất, xây dựng nếp sống văn minh; xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, không còn phù hợp; tuyên truyền chính sách, pháp luật liên quan đến công tác dân tộc, nêu cao tinh thần đoàn kết các dân tộc, đặc biệt là tuyên truyền các chính sách mà đồng bào được thụ hưởng nhằm phát triển kinh tế hộ. Đồng thời, tuyên truyền, vận động ĐBDTTS áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tự vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình; vận động con cháu trong dòng tộc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nhờ đó, nhiều năm liền trên địa bàn không xảy ra trường hợp vi phạm pháp luật; số hộ nghèo giảm dần, thôn đã thoát diện đặc biệt khó khăn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.

Tại xã Ninh Tây, gia đình bà Cao Thị Ánh ở thôn Sông Búng trước đây là một trong những hộ nghèo ở địa phương. Nhờ chăm chỉ làm ăn, nỗ lực vượt khó, được Nhà nước hỗ trợ xây mới nhà, hỗ trợ vốn phát triển chăn nuôi bò, trồng keo, mía… nên gia đình bà đã từng bước thoát nghèo, ổn định về kinh tế. Ông Bùi Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Tây cho biết, xã có đông ĐBDTTS sinh sống như: Ê đê, Raglai, Tày, Nùng, Mường, Chu, Dao, Chăm, Khơ me, Thái... Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sự đoàn kết, nỗ lực vươn lên của người dân, tình hình kinh tế - xã hội của xã đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, 99% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa; tỷ lệ hộ ĐBDTTS được sử dụng điện lưới đạt 100%; 100% trường học được đầu tư xây dựng mới, đạt chuẩn; 100% thôn có nhà sinh hoạt văn hóa. Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3 đến 4%. Hiện nay, xã còn 76 hộ nghèo, chiếm 5,61%.

Thị xã Ninh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2029, thu nhập bình quân của ĐBDTTS bằng 1/2 thu nhập bình quân chung của cả thị xã; tỷ lệ hộ nghèo trong ĐBDTTS giảm xuống dưới 10%; hàng năm thu hút 5% lao động người DTTS làm các ngành, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Đến năm 2030, có 40% lao động người DTTS biết làm các ngành, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ; phấn đấu có 80% số hộ nông dân DTTS làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa.

Bà Trần Thị Cúc - Trưởng phòng Dân tộc thị xã Ninh Hòa cho biết, thị xã có 21 DTTS sinh sống với 1.467 hộ, 5.079 khẩu, chiếm 2,2% dân số toàn thị xã, trong đó đông nhất là dân tộc Ê đê, sống tập trung chủ yếu ở 2 xã Ninh Tây và Ninh Tân. Trong những năm qua, đời sống kinh tế của ĐBDTTS không ngừng được nâng lên, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp. Phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế hộ gia đình trong ĐBDTTS trên địa bàn có những bước tiến vững chắc, nhiều hộ vươn lên khá giàu. Chẳng hạn như hộ ông Lưu Thế Ninh ở phường Ninh Hiệp; các hộ: Cao Lân, Cao Thị Thánh, Phạm Văn Dinh, Trương Thị Thắm ở xã Ninh Tân; Cao Nhẫn, Y Dum, Y Tuân, Y Thin ở xã Ninh Tây… đều là những tấm gương điển hình trong nỗ lực vươn lên, từng bước thoát nghèo và làm giàu.

Chăm lo cho giáo dục, giữ gìn truyền thống văn hóa

Cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, thị xã luôn quan tâm chăm lo cho giáo dục, không ngừng nâng cao chất lượng dạy, học cho con em ĐBDTTS. Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Ninh Hòa, cùng với việc được đầu tư trường lớp khang trang, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, những năm qua, nhà trường không ngừng đổi mới, áp dụng nhiều giải pháp tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục phù hợp với học sinh DTTS trên địa bàn. Học sinh còn được giáo dục về kỹ năng tự phục vụ, giao tiếp, ứng xử, tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong học tập và sinh hoạt; vệ sinh và bảo vệ môi trường; ý thức tuân thủ pháp luật, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; được khám sức khỏe định kỳ... Hàng năm, các em còn được nhà trường tổ chức dã ngoại; hoạt động thể thao, văn nghệ, trò chơi dân gian được tổ chức thường xuyên... Nhờ đó, chất lượng giáo dục luôn được đảm bảo, sĩ số học sinh đến trường đạt cao.

Người dân thôn Suối Sâu, xã Ninh Tân chăm sóc đàn bò.

Người dân thôn Suối Sâu, xã Ninh Tân chăm sóc đàn bò.

Còn đối với Trường Tiểu học và THCS Ninh Tây, trường luôn nổi bật với công tác đội. Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường; phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước, giáo dục giới tính, tuyên truyền và hướng dẫn đội viên, nhi đồng cách bảo vệ sức khỏe của bản thân bằng nhiều hình thức khác nhau. Trường còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa hữu ích và kêu gọi các mạnh thường quân quan tâm chăm lo cho một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em yên tâm đến trường.

Công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của cộng đồng các DTTS cũng được thị xã triển khai có hiệu quả. Hàng năm, các hoạt động văn hóa dân tộc được tổ chức đều đặn, trở thành nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của ĐBDTTS trên địa bàn, nổi bật là lễ hội cúng bến nước của đồng bào Ê đê. Giai đoạn 2024 - 2029, thị xã xác định tiếp tục chăm lo phát triển kinh tế một cách bền vững, giữ gìn và phát huy giá trị, nét đẹp trong văn hóa của ĐBDTTS trên địa bàn.

HỒNG ĐĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202406/chao-mung-dai-hoi-dai-bieu-cac-dan-toc-thieu-so-thi-xa-ninh-hoa-lan-thu-iv-quan-tam-phat-trien-kinh-te-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-efd12a5/