Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tán thành tách vụ án có trẻ em ra giải quyết độc lập

Tại phiên thảo luận sáng 08/6, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu giải thích thêm một số nội dung liên quan đến lý do tách vụ án giải quyết riêng khi có người chưa thành niên trong cùng một vụ án.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, quá trình thẩm tra, một số đại biểu còn băn khoăn về vấn đề này.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, dự thảo quy định vụ án nếu có trẻ em thì phải tách ra giải quyết độc lập, người lớn xét xử sau. Bởi vì nếu không tách vụ án, thời hạn điều tra với người chưa thành niên (NCTN) phải theo người lớn.

Chưa kể toàn bộ thông tin liên quan đến quá trình phạm tội của các cháu phải công khai trong bản án cùng với người lớn. Trong khi trong đạo luật này quy định không được công khai hành vi phạm tội của NCTN.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp sáng nay 08/6.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp sáng nay 08/6.

"Thế giới cấm việc công khai hành vi phạm tội của các cháu vì người ta nghĩ đến phần đời còn lại rất dài của các cháu. Nếu bị công khai trên truyền thông, trên mạng, các cháu sẽ mặc cảm khi bị xã hội kỳ thị, phần đời còn lại của các cháu sẽ không tốt, rất mong manh", Chánh án cho hay.

Người đứng đầu hệ thống Tòa án cũng cho biết, trong luật đang cấm tiếp xúc giữa người phạm tội, nạn nhân, người làm chứng. “Tội phạm chuyên nghiệp ra tòa, chỉ cần trừng mắt là tâm lý các cháu bị ảnh hưởng, lời khai có thể không chính xác, có khi nhận tội thay vì sợ quá”.

Đồng ý nội dung này, nhưng một số đại biểu băn khoăn là NCTN phải ra tòa hai lần. Lần 1 ra tòa với tư cách bị can trong vụ án, lần 2 ra tòa với tư cách người làm chứng.

Theo Chánh án, việc này chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được, bởi vì lời khai của NCTN ở phiên tòa độc lập được xem như lời khai đã được thẩm định công khai, được sử dụng trước phiên tòa với người lớn, nên không cần thiết phải ra tòa lần nữa.

Chưa kể, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể lấy lời khai của NCTN trước và công bố trước tòa. Công nghệ thông tin cho phép tổ chức phiên tòa trực tuyến, người chưa thành niên không phải ra tòa, không phải đối mặt với ai cả, Chánh án khẳng định.

Một nội dung nữa mà các đại biểu quan tâm là phải quy định trong dự luật này cả hình phạt và tố tụng.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình đánh giá hệ thống hình phạt hiện nay với trẻ em không hợp lý, rất bất cập, quá nặng với các cháu vị thành niên phạm tội.

"Các cháu phạm tội, ngay lập tức bắt tạm giam đưa vào trại, đó là câu chuyện hiện nay. Nhưng dự thảo cho phép bắt, kiểm soát tại nhà bằng các biện pháp tư pháp chuyển hướng, kiểm soát bằng các thiết bị điện tử, không cho ra ngoài”, việc đánh nhau, ăn cắp vặt trong siêu thị…. hoàn toàn có thể áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, không nhất thiết phải đưa vào trại giam.

“Hệ thống hiện hành đang có rất nhiều bất cập, cần phải được khắc phục bằng một đạo luật riêng, với nhiều quy định nhân văn”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Đại biểu Lê Thanh Phong tán thành với đề xuất tách vụ án có NCTN để giải quyết riêng. Đại biểu cho rằng phải tách vụ án mới thực hiện được quy định của dự thảo luật về việc rút ngắn thời hạn giải quyết vụ án của NCTN bằng ½ thời hạn vụ án của người lớn.

Nếu để cùng trong một vụ án sẽ dẫn đến thời hạn tố tụng cho NCTN đã hết nhưng thời hạn tố tụng của người lớn vẫn còn. Điều này có thể dẫn tới việc không thể giải quyết được vụ án.

Mặt khác, theo ông Phong, phải tách vụ án thì mới thực hiện được yêu cầu đặt ra về tiêu chuẩn của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán khi giải quyết vụ án có NCTN. Hơn nữa, theo kinh nghiệm thế giới, các nước đều tách vụ án có NCTN để giải quyết độc lập.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội) cũng ủng hộ quan điểm tách vụ án có NCTN phạm tội để giải quyết riêng.

“Khi các bị cáo là thành niên và chưa thành niên xử chung trong một vụ án, tâm lý, thái độ chung của các đối tượng khác nhau, chủ tọa khi xét hỏi không phân biệt được người thành niên và chưa thành niên, điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của NCTN” - đại biểu nhấn mạnh.

Theo ông Chính, tách được vụ án là tốt nhất, để bảo đảm uy tín, danh dự, nhân phẩm và các yếu tố có lợi cho NCTN và không ảnh hưởng gì đến việc giải quyết vụ án.

Đại biểu Dương Văn Thăng (Đoàn TP.HCM) cho rằng, việc việc tách vụ án còn giúp đảm bảo tố tụng thân thiện, thuận lợi trong quá trình xét xử vụ án…

Đại biểu cũng nhất trí với quan điểm cần rút ngắn thời hạn tố tụng đối với vụ án có NCTN phạm tội. Điều này nhằm thống nhất với nguyên tắc của Bộ luật TTHS hiện hành và bảo đảm giải quyết kịp thời, nhanh chóng các vụ án liên quan tới người dưới 18 tuổi.

Đồng thời, giúp hạn chế tối đa những tác động tiêu cực từ các thủ tục tố tụng hình sự tới NCTN; khắc phục được những bất cập trong thực tiễn hiện nay là khi thời hạn điều tra, truy tố chưa kết thúc nhưng thời hạn tạm giam đã hết.

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/chanh-an-tandtc-nguyen-hoa-binh-tan-thanh-tach-vu-an-co-tre-em-ra-giai-quyet-doc-lap-435312.html