Chàng sinh viên 9X chế tạo bàn tay robot giá rẻ cho thương binh, người khuyết tật
Đó là Ngô Văn Dết (sinh năm 1996, khoa Kỹ thuật trường Đại học Phạm Văn Đồng, tỉnh Quảng Ngãi). Sau nhiều tháng miệt mài sáng tạo, Dết đã chế tạo thành công bàn tay robot cho người khuyết tật. Đây là sản phẩm không mới nhưng giá chỉ có 3 triệu đồng (trong khi nhiều sản phẩm cùng loại lên thị trường có giá thành gấp vài chục lần), giúp người khuyết tật được thuận lợi hơn trong cuộc sống, sinh hoạt.
Sản phẩm sáng tạo xuất phát từ trái tim
Nhiều lần chứng kiến người bị khuyết tật về tay ở xung quanh mình gặp khó khăn, trở ngại trong cuộc sống sinh hoạt, trong khi các sản phẩm hỗ trợ cho người khuyết tật có giá thành quá cao, những người với mức thu nhập thấp thì rất khó tiếp cận được sản phẩm nên anh Dết nảy ra ý tưởng chế tạo bàn tay robot hỗ trợ người khuyết tật.
“Ở nông thôn, người khuyết tật còn nghèo lắm. Mỗi lần nhìn thấy họ gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày là tôi thấy thương vô cùng. Từ đó, tôi mong muốn tạo ra một sản phẩm có chất lượng và tính năng tương đối ổn định, nhưng giá thành phải rẻ để cho tất cả những người khuyết tật nghèo đều có cơ hội được sử dụng”, anh Dết cho biết.
Nghĩ là làm, anh Dết bắt đầu tìm hiểu các kiến thức về tay robot rồi mày mò nghiên cứu, chế tạo. Phải mất hơn 8 tháng lao động miệt mài, chàng sinh viên này mới hoàn thành được sản phẩm của mình.
Theo anh Dết, để làm được bàn tay robot này, anh đã sử dụng công nghệ in 3D để làm mô hình có cấu tạo và hình dạng mô phỏng theo bàn tay người thật. Sau khi thu hình ảnh bàn tay, ngón cái sẽ được tách riêng để thiết kế lại cho phù hợp với chức năng đóng mở. Các ngón tay sẽ được chia làm 2 đốt, sau đó lắp ghép lại để tạo thành các chuyển động. Lòng bàn tay sẽ có 5 khớp để kết nối với 5 ngón tay. Phần công phu nhất của bộ khung là ống tay. Đây là phần nối bàn tay robot với bắp tay còn lại của người khuyết tật nên đòi hỏi độ chính xác cao. Tùy vào mỗi người mà thiết kế ống tay to hay nhỏ, dài hay ngắn.
Sau khi in 3D phần khung với chất liệu nhựa in 3D, anh Dết lắp ráp bộ vi xử lý và động cơ vào bên trong. Cảm biến áp suất được lắp vào bắp tay của người khuyết tật. Khi người khuyết tật tác dụng lực vào cảm biến áp suất, tín hiệu sẽ được truyền đến bộ vi xử lý và động cơ sẽ kéo dây để các ngón nắm lại. Tùy vào độ to nhỏ của vật mà người sử dụng tác động lực phù hợp để có thể cầm nắm.
“Để bàn tay mô phỏng được các cử động cầm nắm, co duỗi, tôi đã sử dụng các chốt nhựa dẻo đàn hồi để kết nối các đốt ngón với bàn tay. Ngoài ra, sản phẩm này được thiết kế sử dụng pin ngoài, người dùng có thể sạc pin để sử dụng”, anh Dết cho biết.
“Sản phẩm bàn tay này đến với người dùng thì giá thành ở khoảng từ 3 - 4 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với những sản phẩm hỗ trợ ở trên thị trường. Hơn nữa, bàn tay robot dùng hệ thống cảm biến sinh học nên an toàn cho người sử dụng”, anh Dết chia sẻ.
Ông Trần Tấn Minh (ngụ xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) là một trong những người đầu tiên được sử dụng thử bàn tay robot do anh Dết chế tạo. “Tôi bị khuyết tật tay phải nên mọi sinh hoạt hàng ngày phải sử dụng tay trái, nhiều việc tôi không thể làm được bằng một tay nên phải nhờ đến sự hỗ trợ của người nhà. Nhưng khi sử dụng thử nghiệm bàn tay robot của cháu Dết, tôi đã có thể cầm, nắm được một số đồ vật khá dễ dàng”, ông Minh cho biết.
Theo ông Lê Quang Trọng (ngụ xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi), cánh tay giả ông đang sử dụng có giá hơn 100 triệu đồng, nhưng hoạt động không được thuận tiện, bàn tay vẫn còn cảm giác vướng víu. Tuy nhiên, khi sử dụng thử bàn tay robot do anh Dết chế tạo, ông cử động của ngón tay linh hoạt hơn, cách điều khiển cử động cũng khá đơn giản.
“Với giá chỉ từ 3 - 4 triệu đồng mà được bàn tay robot như thế này để sử dụng thì quá tuyệt vời. Nếu sản phẩm được hoàn thiện và bán ra thị trường sẽ giúp được nhiều người khuyết tật, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn”, ông Trọng cho biết.
Trao tặng cho thương binh
Ngày 4/6 vừa qua, một bàn tay robot do anh Dết nghiên cứu, chế tạo đã được trao tặng cho thương binh mất cả 2 cánh tay. Đó là thương binh 1/4 Phan Văn Hào (ngụ thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Hào tham gia chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên. Vào ngày 6/3/1975, trong lúc chiến đấu, ông bị thương nặng, mất cả 2 cánh tay, với tỷ lệ thương tật 92%.
Dù mất cả 2 cánh tay, nhưng người cựu chiến binh vẫn kiên cường vượt qua những khó khăn, bất lợi trong cuộc sống để sống tiếp cuộc đời có ích. Ông tham gia vào Hội Cựu chiến binh để tiếp tục cống hiến cho địa phương.
Kể từ năm 2004 đến nay, ông Hào đảm nhiệm vai trò Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ở tổ dân phố Làng Bồ (thị trấn Di Lăng) giúp cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi để cải thiện đời sống.
Thấu hiểu được khó khăn trong cuộc sống của ông Hào, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh và Trường Đại học Phạm Văn Đồng trao tặng ông cánh tay robot do anh Dết chế tạo. Đây là nguồn động viên rất lớn để người cựu chiến binh này tiếp tục cống hiến cho địa phương và xã hội.
Theo thầy Phạm Trường Tùng (giảng viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng), khi anh Dết đưa ra ý tưởng, thầy đánh giá rất cao. Thứ nhất, tính nhân văn rất lớn của ý tưởng khi nó phục vụ trực tiếp cho người khuyết tật. Thứ hai, dù chưa phải là một sản phẩm mới nhưng nó vẫn có nhiều hướng phát triển và hoàn thiện hơn. Vì vậy, thầy đã đồng hành, động viên sinh viên của mình quyết tâm hoàn thành sáng chế này.
“Những nỗ lực miệt mài nghiên cứu của Dết bước đầu cũng gặt hái được thành quả. Mới đây, đề tài “Bàn tay robot hỗ trợ người khuyết tật” của em đã vượt qua 63 mô hình sáng tạo và giành giải Nhì cuộc thi Nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường do Trường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức. Tôi mong muốn sản phẩm của em có cơ hội được phát triển và hoàn thiện hơn, để cho những người khuyết tật không có điều kiện cũng có thể tiếp cận được, hỗ trợ một phần nào đó trong sinh hoạt và giúp họ bớt tự ti hòa nhập trong cuộc sống”, thầy Tùng nói về cậu sinh viên ưu tú của mình.