Chăn hổ như chăn lợn và cái giá phải trả

Dư luận xôn xao về số phận của 8/17 con hổ chết sau khi được công an giải cứu từ hầm nuôi bí mật tại 2 gia đình ở Yên Thành, Nghệ An. Cho rằng đích đến của những cái xác là nồi cao (?) Công nhận là người Việt cứ nhìn hổ là thấy cao. Vì thế mới có những người bất chấp số tiền phạt từ 500 triệu tới 2 tỷ đồng cùng khả năng ngồi tù 1-15 năm để nuôi hổ trái phép.

Hổ bị nuôi nhốt trong hầm kín tại nhà dân ở Đô Thành, Yên Thành, Nghệ An

Hổ chết cũng coi như được giải thoát. Số phận của những con vẫn sống mới bấp bênh. Các chuyên gia bảo tồn động vật hoang dã khẳng định không thể thả hổ nuôi nhốt từ nhỏ trong chuồng trại về môi trường tự nhiên. Vì chúng đã mất hết các tập tính để săn mồi hoặc sinh tồn. Nguy hiểm hơn, chúng đã quen với con người nên sẽ mò về những nơi có người sinh sống để kiếm ăn… Việc thả thêm hổ vào rừng cũng ảnh hưởng đến quần thể động vật tự nhiên.

Khả năng chúng được các vườn thú hay trung tâm bảo tồn nhận nuôi cũng gần như bằng không vì các nơi này đã đủ hổ trong giới hạn cho phép rồi. Nuôi hổ đúng cách tốn kém, đâu phải cứ nhốt vào cũi cho ăn xương bò, chân gà… để rồi béo phì ra như lợn. Theo tiết lộ trên báo của một bác sĩ thú y ở Hà Nội, thức ăn cho hổ nuôi lấy cao còn là mấy thứ thịt cá lọc ra từ thùng nước gạo đem luộc lên. Hổ ốm mới được ăn thịt bò, trứng.

Vị bác sĩ tạm gọi X này có thâm niên đi chữa bệnh cho hổ nuôi nên có vẻ tường tận nhiều thâm cung bí sử. Theo ông, nhiều người dân ở Thanh Hóa, Nghệ An vẫn nuôi hổ nhập từ Malaysia, Myanmar, Lào; ước tính số hổ dân đang nuôi ở miền Trung phải đến hàng trăm. Chủ hổ chia cho vài hộ trong xã “nuôi rẽ”, đồng nghĩa với họ được mua chịu hổ giống với giá 300 triệu đồng. Sau chưa đầy 2 năm bán hổ lại cho chủ, trừ mọi chi phí, người nuôi lãi cũng 200 triệu đồng.

Ông X tỏ ra vô tư tiếp tay cho những người nuôi hổ, đồng thời chấp nhận bị đối xử theo “luật rừng”. Lần đầu tiên ông đồng ý chữa bệnh cho hổ với lời hứa hẹn “tiền công không thành vấn đề” cách đây 10 năm. Ra khỏi nhà, ông bị bịt mắt ngay, ngồi ô tô hai tiếng đã đến trang trại hổ. Gần đây chữa bệnh cho hổ con ở Diễn Châu, Nghệ An, ông được trả 50 triệu/con. Với hổ to phải gây mê, không biết tiền công bao nhiêu. Chỉ biết nếu chẳng may làm hổ chết, chính bác sĩ sẽ phải trả 300 triệu đồng và được sở hữu xác hổ. Nhưng chỉ cần mang cái xác ấy đi, chưa biết có được nồi cao thì bác sĩ cũng thành đồng phạm rồi.

Theo ông X, một con hổ trưởng thành sẽ cho 3-7 kg cao, trị giá 40 triệu một lạng, nanh to giá 120 triệu/4 cái; da đẹp 100 triệu/bộ… thu về tổng số tiền khoảng gần 5 tỷ. Ông tỏ vẻ tiếc rẻ khi Việt Nam không được nuôi hổ công khai như vài nước trong khu vực(?) đặng có nhiều cao bồi bổ sức khỏe cho người có nhu cầu. Chỉ không hiểu sao dân Âu, Mỹ, Phi... từ xưa chả biết đến cao hổ, mật gấu, sừng tê... mà vẫn to khỏe thế chứ?!

Theo công thức ông X đưa ra, cao hổ chỉ có 4 phần xương hổ, 3 phần sơn dương, còn lại là xương gấu, hươu nai…(?) Nồi cao thập cẩm như vậy hẳn là một cách hiệu quả để tàn phá hệ sinh thái, làm nên những khu rừng rỗng (không có muông thú sinh sống). Từ đó gây nên những thảm họa sinh thái dẫn đến nạn đói, dịch bệnh... cho con người.

Tất nhiên nếu không ai nuôi hổ thì những người như bác sĩ X cũng mất nguồn thu nhập. Còn trên công luận, nhiều bác sĩ khẳng định cao hổ chủ yếu cũng chỉ là canxi mà thôi.

N.M.Hà

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chan-ho-nhu-chan-lon-va-cai-gia-phai-tra-post1365275.tpo