Chạm vào cột mốc thiêng liêng nơi sống lưng khủng long Bình Liêu
Có lẽ, bất cứ ai khi đứng trên vành đai biên giới cũng đều cảm nhận được rằng: những cột mốc chủ quyền không chỉ là vật thể dùng để phân định ranh giới lãnh thổ giữa các quốc gia. Chúng là biểu tượng thiêng liêng của sự hiện diện quốc gia là minh chứng sống động về chủ quyền và là chứng nhân của bao biến thiên lịch sử.
Ẩn trong hình hài tưởng như tĩnh lặng của những cây cột ấy là biết bao câu chuyện đau thương và hào hùng về công cuộc bảo vệ từng tấc đất biên cương của dân tộc.

Tác giả trên con đường được mệnh danh là sống lưng khủng long
Từ rừng dương xanh rì của Trà Cổ, chúng tôi lên Bình Liêu - vùng đất được mệnh danh là “sống lưng khủng long” của tỉnh Quảng Ninh để thử thách chính mình bằng hành trình chinh phục cột mốc 1305. Lần lên miền biên viễn này trùng vào khoảnh khắc khá đặc biệt của lịch sử hành chính địa phương: thời điểm cuối cùng trước khi Bình Liêu cái tên quen thuộc, yêu thương bao đời - chính thức chỉ còn là hoài niệm sau cuộc sáp nhập địa giới toàn quốc. Tên gọi “Bình Liêu” rồi đây có lẽ chỉ còn sống trong lòng những người từng gắn bó, từng đặt chân tới và thầm yêu cái sống lưng trập trùng ấy.
Từ mai, nơi này sẽ được gọi bằng tên hành chính mới - Hoành Mô thay cho cái tên “Bình Liêu” từng gợi biết bao khung trời ký ức. Trong lòng mỗi người, giữa biết bao cảm xúc quyến luyến và tiếc nuối, cũng le lói những rạo rực như nàng dâu mới sắp về nhà chồng – bỡ ngỡ, hồi hộp nhưng vẫn háo hức cho một chương đời khác đang mở ra.
Chúng tôi ngược dòng Ka Long, men theo quốc lộ 18B, xuôi về nơi địa đầu của Tổ quốc. Cung đường biên giới hiện lên như một dải lụa mềm vắt mình quanh những đồi núi điệp trùng xanh thẳm vắt ngang biên giới Việt - Trung. Dòng Ka Long cứ thế song hành, khi hiện khi ẩn dưới những chân đồi, mang theo làn nước mát lành tưới dịu đi cái oi nồng mùa hạ vùng cửa biển Trà Cổ.
Trong hành trình hơn sáu chục cây số ấy, chúng tôi ghé thăm bao cửa khẩu và chạm vào những cột mốc thiêng liêng. Mỗi cửa khẩu là một cửa ngõ quốc gia - nơi giao thương, nơi tiếp xúc, nơi gắn kết những nền văn hóa và đối thoại chính trị. Mỗi cột mốc dù làm từ bê tông hay ốp đá hoa cương - đều đứng hiên ngang, kiêu hãnh trước gió sương, mang trên mình một giá trị tinh thần vô cùng lớn lao. Ẩn trong lớp xi măng, đá cứng ấy là niềm kiêu hãnh dân tộc, là những câu chuyện không thể quên của lịch sử, là sự khẳng định vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Một điểm dừng lặng lẽ nhưng giàu xúc cảm trong hành trình ấy là Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn nơi ghi dấu những người con trung dũng đã ngã xuống để giữ gìn từng cột mốc biên giới. Nhà tưởng niệm giản dị, với năm gian mái cong truyền thống, cùng đài tưởng niệm cao hơn 15 mét – mô phỏng hình ảnh ba đôi bàn tay chụm lại – biểu tượng cho tinh thần đoàn kết của ba dân tộc Kinh, Dao, Sán Chỉ. Tất cả công trình đều hướng về phương Bắc, về dòng Ka Long, về cột mốc 1347 – như những “mắt thần” không ngủ canh giữ từng thớ đất biên cương.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức Pò Hèn chưa bao giờ nguôi ngoai. Trong không gian yên tĩnh của non thiêng, mỗi bước chân như vọng lại tiếng súng, tiếng thét xung trận của đồn 209 năm xưa trong trận chiến oai hùng ngày 17/2/1979. Lịch sử sẽ còn mãi nhắc đến sự hy sinh oanh liệt của các chiến sĩ biên phòng, công nhân lâm trường và những người dân Pò Hèn.
Chúng tôi tiếp tục hành trình từ cửa khẩu Bắc Phong Sinh qua Hoành Mô để tiến về cột mốc 1305. Cung đường men theo triền núi quanh co, khúc khuỷu như thách thức bản lĩnh của mọi tay lái. Mưa đêm khiến nhiều đoạn bị sạt lở, đá đất ngổn ngang. Xe phải dừng nghỉ nhiều lần mới có thể đi tiếp. Cảnh sắc hai bên đường hiện ra như tranh vẽ – núi xanh đồi biếc, ruộng bậc thang chuyển dần từ màu xanh non sang vàng óng mùa lúa chín. Những cô gái Dao trong trang phục đỏ đen truyền thống hiện lên lấp ló giữa nương rẫy, như những chấm son sống động giữa bức họa thiên nhiên kỳ vĩ.
Cột mốc 1306 là điểm dừng chân đầu tiên trước khi bước vào hành trình chinh phục sống lưng khủng long. Bên khe nước nhỏ, cây cột mốc hiện ra với vẻ trầm mặc và thiêng liêng. Không ai bảo ai, mọi người đều lặng lẽ tiến tới, đặt tay lên cột mốc, như thể đang chạm vào một phần máu thịt của Tổ quốc.

Cột mốc 1305 trên sống lưng khủng long
Rồi chúng tôi bắt đầu hành trình “leo lưng khủng long”. Theo lời người bán hàng ven chốt kiểm soát biên phòng Hoành Mô, con đường lên mốc 1305 dài hơn hai cây số với khoảng 2.000 bậc cầu thang. Ban đầu là đường bê tông thoai thoải, xuyên qua rừng thông xanh rì vi vu gió. Càng đi, bậc thang càng dốc, thậm chí có đoạn dựng đứng như muốn chạm trời.
Đứng từ đỉnh núi, nhìn xuống những bậc thang ngoằn ngoèo vắt qua đỉnh non trùng điệp, chúng tôi như thấy hiện ra trước mắt một “tiểu Vạn Lý Trường Thành” của Việt Nam. Có người ví nơi đây là cung đường sống ảo đẹp nhất miền Bắc, là thiên đường du lịch tự phát – nơi bất cứ ai đam mê khám phá đều ao ước một lần đặt chân tới.
Tuy nhiên, sống lưng khủng long không dễ chinh phục. Với độ cao hơn 1.300 mét so với mực nước biển, con đường này đòi hỏi sức khỏe, ý chí và cả sự kiên trì. Tám người chúng tôi, nhưng chỉ hai người lên được tới đỉnh. Kẻ bỏ cuộc vì mỏi gối chồn chân, người vì không thắng nổi độ dốc dựng đứng. Nhưng phần thưởng dành cho những ai bền gan quả là xứng đáng: được đứng cạnh cột mốc 1305 – cột mốc thiêng liêng nhất của tỉnh Quảng Ninh.
Từ đỉnh núi ấy, nhìn về tứ phía, cả vùng biên viễn Bình Liêu hiện ra như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Những dãy núi trập trùng như sống lưng của con khủng long khổng lồ trải dài bất tận. Phía xa là những con đường uốn lượn như dải lụa trắng nối liền các bản làng. Trên đỉnh núi, những bông lau trái mùa phất phơ trong gió – thanh thoát, ngạo nghễ như những thanh kiếm bạc giữa trời cao.
Chợt nhớ đến câu thơ của Chế Lan Viên:
“Ai đi biên giới cho lòng ta theo với
Thăm ngàn lau chỉ trắng có một mình
Bạt ngàn lau trắng ở tận cùng bờ cõi
Suốt một đời cùng với gió giao tranh…”
Lúc này đây, đứng giữa trời đất lồng lộng của miền biên ải, những câu thơ ấy như thấm vào da thịt. Bên cột mốc 1305, giữa bao la đất trời, một cảm xúc linh thiêng trào dâng trong lồng ngực. Cảm xúc về một đất nước bao la, hùng vĩ. Về lịch sử bi hùng. Về lòng yêu nước lặng thầm và sâu thẳm. Và về niềm tự hào khi được là người Việt Nam - một công dân của đất nước có những cột mốc chủ quyền trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió.
Trong ánh chiều biên viễn, tiếng gió thì thầm, lòng người ngân lên câu thơ của Lò Ngân Sủn:
“Chiều biên giới em ơi
Có nơi nào cao hơn
Như đầu sông đầu suối
Như đầu mây đầu gió
Như quê ta ngọn núi
Như đất trời biên cương.”