Chăm lo sức khỏe người dân sau bão, lũ

Ngập lụt đang diễn ra trên diện rộng tại nhiều tỉnh, thành phố phía bắc, từ Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang đến Hà Nội, Nam Ðịnh, Hưng Yên... Trong rất nhiều công việc cần triển khai khắc phục hậu quả của bão, lũ để ổn định đời sống cho người dân, một nhiệm vụ quan trọng phải làm ngay là công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh và bảo đảm an toàn thực phẩm.

Cán bộ quận Tây Hồ thăm hỏi, chăm sóc sức khỏe người dân ngoài bãi sông di dời vào nơi an toàn.

Cán bộ quận Tây Hồ thăm hỏi, chăm sóc sức khỏe người dân ngoài bãi sông di dời vào nơi an toàn.

Chính quyền địa phương cùng các ngành liên quan và người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường với tinh thần "nước rút đến đâu, vệ sinh môi trường đến đó"; tổ chức thu gom, xử lý chất thải y tế, xử lý xác súc vật chết; xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt; tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc-tơ gây bệnh tại các khu vực bị ngập sau khi nước rút; triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần triển khai ngay việc kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng nước cấp cho ăn uống sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung bảo đảm nồng độ clo dư theo quy định; kiểm tra vệ sinh chất lượng nước tại các hộ gia đình...

Các đơn vị y tế, nhất là khối y tế dự phòng cần khẩn trương rà soát và đánh giá nguy cơ về dịch bệnh; chủ động hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh có nguy cơ bùng phát như: Tiêu chảy, bệnh tay chân miệng, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, sốt xuất huyết... và các bệnh lây truyền qua nguồn nước hoặc từ động vật sau bão lụt. Ngành y tế tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm tại khu vực chịu ảnh hưởng của bão, ngập lụt; xử lý môi trường, khử khuẩn nguồn nước, xử lý chất thải, thu gom, tiêu hủy súc vật, gia cầm chết, không để ô nhiễm môi trường gây phát sinh, lây lan dịch bệnh.

Với phương châm "4 tại chỗ", các địa phương, đơn vị cung ứng đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị y tế và các dịch vụ điều trị cho người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão và lũ lụt; chuẩn bị đủ nhân lực, trang thiết bị và các vật tư phục vụ phòng, chống dịch bệnh để kịp thời hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu; sẵn sàng cơ động khi có yêu cầu của chính quyền địa phương, của tuyến trên và đề nghị của tuyến dưới.

An toàn thực phẩm cũng là vấn đề cần được chú trọng quan tâm. Căn cứ tình hình thực tế đối với đợt mưa lũ lớn gây ngập úng trên diện rộng, sạt lở đất ở nhiều nơi, chính quyền các địa phương, các ngành liên quan, nhất là các đơn vị thuộc ngành y tế, ban quản lý an toàn thực phẩm, chi cục an toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố có phương án bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống bảo đảm an toàn cho người dân; hướng dẫn người dân ăn chín, uống sôi cũng như khuyến khích sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, ăn ngay như: Lương khô, mì gói, nước uống đóng chai...; đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn, tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Trong trường hợp các nguồn cấp nước như giếng khoan, giếng khơi bị ngập úng thì phải được lọc và khử trùng trước khi sử dụng.

Các đơn vị chức năng của Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với các đơn vị y tế dự phòng, các cơ sở điều trị và trạm y tế tăng cường công tác giám sát ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tại cộng đồng. Khi phát hiện các trường hợp rối loạn tiêu hóa, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm phải kịp thời xử lý ngay, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cũng cần có các biện pháp kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt, không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng... đến tay người dân.

Minh Hoàng

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cham-lo-suc-khoe-nguoi-dan-sau-bao-lu-post830623.html