Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An chiếm 83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, dân số hơn 1.197.000 người; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số hơn 491 nghìn người (chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh). Những năm gần đây, được hỗ trợ từ nhiều chương trình, chính sách, nỗ lực của đồng bào các dân tộc, tình hình kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có những bước khởi sắc.
Đặc biệt, các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới đang là những nguồn lực rất quan trọng.
Đổi thay ở xã đặc biệt khó khăn
Huyện miền núi Kỳ Sơn là nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là huyện nghèo nhất tỉnh Nghệ An, là một trong 74 huyện nghèo nhất của cả nước. Bởi vậy, công tác giảm nghèo được Đảng bộ, chính quyền huyện Kỳ Sơn xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Giai đoạn 2019-2024, tổng kinh phí thực hiện các chính sách dân tộc của huyện đạt gần 2.000 tỷ đồng. Từ nguồn vốn nêu trên, huyện Kỳ Sơn ngày càng giảm bớt những khó khăn.
Thời điểm năm 2018, ông Moong Văn Chun (dân tộc Khơ Mú) là hộ nghèo của bản Khánh Thành, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn. Với 40 triệu đồng được vay từ nguồn vốn chính sách ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số, ông Chun đã mua dê giống về nuôi.
Nhờ chăm sóc đúng cách, đàn dê phát triển tốt, chỉ một năm sau, gia đình ông đã xuất bán những con dê thịt đầu tiên. Số tiền thu được từ đàn dê, ông lại mua thêm bò giống. Đến cuối năm 2020, gia đình ông Chun thoát nghèo thành công và đang duy trì đàn dê hơn 200 con, khoảng 30 con trâu, bò… Ông Chun cho hay, mô hình kinh tế gia trại mang về cho gia đình ông lợi nhuận hơn 150 triệu đồng/năm.
Ngoài gia đình ông Chun, nhiều gia đình khác cũng đã vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi. Ông Lầu Bá Chày, Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn cho biết: Xã có sáu bản với 961 hộ, 5.056 nhân khẩu, bốn dân tộc cùng sinh sống; trong đó, dân tộc H’Mông chiếm 70,5%, Khơ Mú chiếm 14,8%, Thái chiếm 13,4%, Kinh chiếm 1,3%.
Địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, kinh tế-xã hội, nhất là tại các bản vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn. Nhờ được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước, bức tranh kinh tế-xã hội của xã những năm gần đây đã thay đổi đáng mừng. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 55,9%, thì nay giảm xuống 46,04%. Các xã có đường ô-tô đến trung tâm bản, 100% hộ dân có điện lưới quốc gia sinh hoạt.
Ông Mùa Bá Vừ, Chủ tịch UBND xã Na Ngoi chia sẻ: Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 83% số hộ dân, nay giảm xuống còn khoảng một nửa. Trước đây, đời sống của bà con chủ yếu là tự cung, tự cấp, đường sá đi lại hết sức khó khăn, nông sản làm ra rất khó bán, nhưng giờ thương lái vào tận nơi để mua, giá cả cũng ổn định. Vào dịp Tết, bà con chở đào đá về xuôi bán. Số hộ dân có thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng không ít.
Huyện Kỳ Sơn có dân số hơn 83.400 người, thì có tới 94,89% là đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó dân tộc Khơ Mú chiếm 37,13%; H’Mông 34,28%; Thái 25,27%… Kinh tế của người dân ngày càng khởi sắc, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện tăng dần theo từng năm.
Theo đó, năm 2023 đạt 24,7 triệu đồng (tăng 3,8 triệu đồng so với năm 2018); năm 2024 ước đạt gần 26 triệu đồng. “Kỳ Sơn đặt mục tiêu trong giai đoạn tới, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 7-8%; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 30-35 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm hằng năm 3-5%; phấn đấu xây dựng sáu xã, 60 bản đạt chuẩn nông thôn mới; 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế; 100% hộ gia đình nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh; mỗi năm giải quyết việc làm cho 2.000 người; 100% xã có bác sĩ công tác…”- lãnh đạo UBND huyện Kỳ Sơn thông tin.
Còn ở huyện Tương Dương, toàn huyện có 17 xã, thị trấn; trong đó, bốn xã biên giới và 93/146 khối, làng, bản đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo thời điểm cuối năm 2022 là 34,03%, nằm trong 74 huyện nghèo trong cả nước. Từ động lực của các chương trình, dự án của Nhà nước, sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cùng với nội lực của chính các địa phương, tỷ lệ hộ nghèo hiện giảm xuống còn 29,25%. Tại huyện Quỳ Châu, năm 2020, thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức 28,2 triệu đồng/năm, đến cuối năm 2023 đã tăng lên mức hơn 34 triệu đồng…
Củng cố vững chắc khối đại đoàn kết
Cuối năm 2022, Nghệ An còn hơn 108.919 hộ nghèo và cận nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống ở các huyện miền tây. Trong số hộ nghèo, cận nghèo có hơn 15.000 hộ khó khăn về nhà ở. Với cách làm như lâu nay, cần ít nhất 10 năm mới cơ bản giải quyết xong nhu cầu hỗ trợ về nhà ở của các hộ hiện tại, chưa kể phát sinh thêm trong quá trình triển khai.
Trước thực trạng nêu trên, cuối năm 2023, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã quyết định tổ chức Lễ phát động Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An đã tham mưu ngay cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 21 ngày 10/2/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở để lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc. Sau gần một năm thực hiện Chỉ thị số 21, tổng nguồn lực đã huy động để thực hiện chương trình đạt hơn 600 tỷ đồng.
Tổng số nhà đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trong năm 2023 là 7.517 ngôi nhà, gồm 3.573 nhà lắp ghép, 3.515 nhà xây mới và 429 nhà sửa chữa; trong đó có 1.909 hộ thuộc đối tượng thụ hưởng từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An Lê Văn Ngọc nhấn mạnh: “Kết quả 11 tháng thực hiện chương trình bằng tổng kết quả của 5-7 năm trước cộng lại. Đây là một kỳ tích chưa từng có từ trước tới nay”.
Đến tháng 7/2024, toàn tỉnh đã kêu gọi, vận động xây dựng, sửa chữa được 9.268 nhà, đạt 58,5% kế hoạch giai đoạn 2023-2025. Riêng 11 huyện vùng dân tộc thiểu số và miền núi xây mới, sửa chữa được 7.995 nhà.
Số liệu từ UBND tỉnh Nghệ An cho thấy, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 là hơn 13.400 tỷ đồng, tăng 1,3 lần so với giai đoạn 2011-2015. Kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 khoảng 8.859 tỷ đồng (gồm: ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư có mục tiêu 1.793,415 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 3.003,337 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển các chương trình mục tiêu quốc gia 4.186,740 tỷ đồng.
Song song với phát triển kinh tế, giao thông kết nối, hệ thống trường, lớp học được quan tâm đầu tư xây dựng, bảo đảm đủ điều kiện để dạy và học. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi giảm từ 16,5% (năm 2019) xuống 13,9% (năm 2023)…
Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, sự chung tay, góp sức của các tổ chức đoàn thể, trong các năm 2022 và 2023, tỷ lệ hộ nghèo so với các năm liền trước giảm khoảng 3,63% và 3,74%. Dự kiến đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục giảm với mức hơn 3%.
Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An Lương Văn Khánh nhìn nhận: Những chuyển biến tích cực về kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi được thể hiện một cách rõ nét qua diện mạo của các bản làng và thu nhập bình quân của người dân.
Phần lớn đồng bào các dân tộc thiểu số đã có sự chuyển biến về nhận thức, có ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực. Hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố vững chắc, khối đại đoàn kết giữa các dân tộc được tăng cường. Nghệ An phấn đấu đến năm 2030, số hộ nghèo giảm xuống mức dưới 10%; cơ bản không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân của bà con dân tộc thiểu số bằng ½ bình quân chung của cả nước.