Chậm bàn giao mặt bằng cao tốc đến 4 lần, Quảng Bình nỗ lực 'gỡ vướng'
Việc chậm tiến độ bàn giao mặt bằng nhiều lần gây ảnh hưởng đến việc thi công và có nguy cơ chậm tiến độ dự án trọng điểm.
Bốn lần lỡ hẹn bàn giao
Dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua Quảng Bình có chiều dài hơn 126km. Trong đó, đoạn Vũng Áng - Bùng có chiều dài khoảng 42,95km, đoạn Bùng - Vạn Ninh có chiều dài 49,93km và đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ có chiều dài 33,55 km.
Tổng diện tích đất chiếm dụng của các dự án thành phần khoảng 1.128,9 ha. Diện tích rừng cần chuyển mục đích sử dụng là 659,74 ha. Có khoảng 3.772 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó có 551 hộ thuộc diện tái định cư. Có khoảng 4.642 ngôi mộ bị ảnh hưởng, trong đó có 3.885 ngôi mộ phải di dời đến vị trí mới.
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình, hiện tỉnh này bàn giao 120,9km (đạt 95,62%) mặt bằng phục vụ thực hiện dự án. Hiện vẫn còn nhiều hộ dân chưa được phê duyệt phương án bồi thường, chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ.
Đại diện Phòng Quản lý dự án 4, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ Giao thông - Vận tải), chủ đầu tư Dự án thành phần cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ cho biết, tỉnh Quảng Bình trễ hẹn tiến độ cam kết bàn giao mặt bằng đến 4 lần. Việc chậm bàn giao mặt bằng gây khó khăn trong việc đảm bảo tiến độ thi công.
"Việc chậm bàn giao mặt bằng dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ (đến 30/6/2025 kết thúc dự án). Theo dự báo thời tiết, trong thời gian tới, mưa lũ tại Quảng Bình diễn biến phức tạp, tập trung vào thời điểm cuối năm. Nếu lúc đó có mặt bằng nhưng gặp mưa lũ, dự án cũng không thể thi công", ông Chu Văn Long, Phó Trưởng phòng Quản lý dự án 4, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết.
Cùng với đó, những "điểm nghẽn" mặt bằng khiến dự án bị cắt thành nhiều đoạn khiến công tác thi công thêm phức tạp, khó khăn, không liền mạch toàn tuyến.
"Vướng mắc chủ yếu liên quan đến đất nông nghiệp, nhà ở. Những điểm nghẽn khiến dự án này bị chia thành 30 đoạn khác nhau, không liền mạch, khó khăn trong việc triển khai thi công", ông Long cho biết thêm.
Về tái định cư, có 26 khu với diện tích 69,13ha cho khoảng 551 hộ tại 19 xã (huyện Quảng Trạch 6 khu, Ba Đồn 2 khu, Bố Trạch 12 khu, Quảng Ninh 3 khu, Lệ Thủy 3 khu). Đến nay, đã thi công hoàn thành 8/26 khu, đang thi công 18/26 khu, bình quân đạt khoảng 89% khối lượng.
Tìm phương án "gỡ vướng"
Chiều dài đoạn tuyến của Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn huyện Lệ Thủy là gần 32km. Diện tích chiếm dụng của dự án là hơn 265,24ha với 908 hộ gia đình, cá nhân và 8 tổ chức bị ảnh hưởng, 691 ngôi mộ phải di dời. Ngoài ra, còn có nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bị ảnh hưởng, phải di dời.
Huyện Lệ Thủy ban hành quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 882 hộ với số tiền gần 694 tỷ đồng. Huyện bàn giao cho Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh gần 28,7km mặt bằng, đạt tỷ lệ 89,81%. Hiện huyện này còn 94 hộ gia đình, cá nhân với chiều dài 3,257km chưa giải quyết xong thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Với huyện Bố Trạch, địa phương này có hơn 29km đường bộ cao tốc Bắc - Nam chạy qua. Số hộ dân bị ảnh hưởng là 1.079 hộ. Tổng diện tích đất cần chuyển mục đích phục vụ dự án 245,5ha, diện tích các loại rừng cần chuyển mục đích sử dụng 61ha.
Chiều dài các đoạn tuyến đã giải phóng mặt bằng, bàn giao 28,63/29,04km cho các ban quản lý dự án. Địa phương này hoàn thiện 3 khu tái định cư, gấp rút thi công 9 khu còn lại. Hiện vẫn còn 5 hộ dân trong diện bồi thường, giải phóng mặt bằng trên tuyến chưa đồng ý nhận tiền, 13 hộ chưa phê duyệt.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Bình vừa tổ chức cuộc họp nhằm tháo gỡ những khúc mắc trong việc giải phóng mặt bằng phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn.
Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng, việc hoàn thành giải phóng mặt bằng cho dự án rất chậm và yêu cầu các địa phương có phương án sớm tháo gỡ. Các nhà thầu cần đẩy nhanh tiến độ thi công khu tái định cư, khu nghĩa trang, hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong tháng 5/2024.
Về việc giải quyết những khiếu nại của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, các địa phương cần tuyên truyền, vận động bà con, có phương án "tạm cư" cho người dân trong thời gian xây dựng nhà ở tại khu tái định cư.