Cây gửi, rút tiền tự động: 'Giao dịch viên' của ngân hàng điện tử

Những năm gần đây, một số ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã triển khai lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống cây gửi, rút tiền tự động. Qua đó, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng, góp phần đa dạng kênh thanh toán ngân hàng điện tử.

Với cây gửi, rút tiền tự động: CDM (Cash Deposit Machine) hay CRM (Cash Recycling Machine), khách hàng có thể thực hiện nhiều giao dịch như: nộp tiền vào tài khoản thanh toán, nộp tiền để mở sổ tiết kiệm, chuyển khoản từ tài khoản thanh toán để mở sổ tiết kiệm, tất toán sổ tiết kiệm, vấn tin tiền gửi tiết kiệm... vào bất cứ thời điểm nào mà không cần đến địa điểm giao dịch của ngân hàng.

Người dân thực hiện giao dịch tại cây gửi, rút tiền tự động của BIDV Lạng Sơn

Người dân thực hiện giao dịch tại cây gửi, rút tiền tự động của BIDV Lạng Sơn

Ông Đặng Thái Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội Chi nhánh Lạng Sơn (MB bank Lạng Sơn) cho biết: Từ năm 2022, MB bank Lạng Sơn đã bắt đầu lắp đặt và đưa vào sử dụng máy gửi, rút tiền tự động tại trụ sở chi nhánh để phục vụ khách hàng. Ngoài các chức năng như máy ATM thông thường, máy gửi, rút tiền tự động còn giúp khách hàng nộp tiền vào tài khoản, mở tài khoản tiền gửi trực tuyến - điều mà trước đây khách hàng chỉ có thể thực hiện tại quầy giao dịch. Với những tiện ích như vậy, chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, doanh số gửi, rút tiền tại cây gửi, rút tiền tự động của chi nhánh là trên 373 tỷ đồng, với gần 300 giao dịch được thực hiện/ngày. Thời gian tới, đơn vị dự kiến sẽ triển khai lắp đặt thêm máy gửi, rút tiền tự động tại địa bàn thành phố để đáp ứng thêm nhu cầu giao dịch của khách hàng.

Không chỉ MB bank Lạng Sơn, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 6/15 ngân hàng thương mại đã triển khai lắp đặt và đưa vào hoạt động 11 máy CDM, CRM. Với các tính năng như những “giao dịch viên” ngân hàng điện tử, đây được xem là một trong những bước tiến mới trong chiến lược tự động hóa các giao dịch ngân hàng.

Ông Hoàng Văn Huy, Phó Giám đốc Ngân hàng BIDV Chi nhánh Lạng Sơn cho biết: Thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, những năm gần đây, BIDV Lạng Sơn luôn chú trọng việc phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ hiện đại. Theo đó, từ cuối năm 2023, đơn vị đã đưa vào sử dụng 1 cây CRM. Khác với giao dịch truyền thống tại quầy, khi thực hiện giao dịch tại cây CRM, khách hàng chỉ cần dùng thẻ hoặc quét mã QR từ điện thoại thông minh nên tiết kiệm được thời gian, chi phí. Nhờ đó, đông đảo khách hàng của BIDV đều đón nhận, sử dụng dịch vụ thường xuyên. Từ khi đưa vào sử dụng đến nay đã có hơn 39.000 giao dịch được thực hiện với số tiền hơn 132 tỷ đồng.

Trong xu thế hiện nay, nhu cầu giao dịch thanh toán trên các nền tảng công nghệ hiện đại ngày càng phát triển, khách hàng ngày càng thích ứng với xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt. Do đó, việc các ngân hàng đưa vào hoạt động hệ thống máy CDM, CRM không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng từ thành thị đến nông thôn.

Đặc biệt, đối với máy gửi, rút tiền tự động, khách hàng có thể nộp tiền tới 100 triệu đồng/lần (tối đa 200 tờ) và không giới hạn số lần nộp/ngày. Ngoài ra, máy CDM, CRM còn có chức năng phân loại mệnh giá tiền (từ 50.000 đồng đến 500.000 đồng) và phân biệt tiền giả, tiền kém chất lượng, không đủ tiêu chuẩn lưu hành, giúp loại bỏ các rủi ro tác nghiệp thủ công khi kiểm đếm tiền mặt.

Chị Hà Như Quỳnh, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Vừa qua, khi biết BIDV Lạng Sơn đưa vào sử dụng cây CRM, tôi đã thực hiện giao dịch nộp tiền vào tài khoản tại đây. Tôi thấy các tính năng của máy CRM giúp cho việc giao dịch thuận lợi hơn, tiết kiệm thời gian, thao tác nhanh và chính xác. Trong trường hợp tiền nộp trên máy bị gấp mí, máy sẽ báo lỗi ngay và nhân viên ngân hàng sẽ hỗ trợ khách hàng đổi tiền. Tôi rất hài lòng khi trải nghiệm giao dịch tự động trên máy CRM, nộp tiền vào tài khoản không phụ thuộc vào giờ hành chính như trước đây”.

Có thể thấy, việc triển khai và đưa vào sử dụng máy gửi, rút tiền tự động trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần thực hiện hiệu quả hơn các giao dịch ngân hàng, tạo điều kiện tốt nhất để khách hàng sử dụng dịch vụ của ngân hàng. Đây cũng là một trong những nội dung thuộc lộ trình ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động ngân hàng, qua đó, nâng cao chất lượng các dịch vụ, góp phần thực hiện chuyển đổi số ngành ngân hàng.

TÂN AN - HIỂU LAM

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/cay-gui-rut-tien-tu-dong-gop-phan-thuc-hien-chuyen-doi-so-ngan-hang-5019217.html