Cây giang lấy lá - hướng xóa nghèo cho người dân huyện Bảo Lâm

Với giá trị của cây giang mang lại khoảng 500 triệu đồng/ha/năm đối với cây trồng được 3 năm đã từng bước hiện thực hóa ước mơ xóa nghèo của người dân huyện Bảo Lâm khi mô hình trồng cây Giang lấy lá được triển khai từ năm 2022.

Cây Giang giúp người dân vượt khó

Cây giang có thân rỗng, dẻo và bền, thường được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như xây dựng, thủ công mỹ nghệ và làm đồ gia dụng, lá giang dùng để gói bánh. Nhờ vào khả năng sinh trưởng nhanh, cây giang được coi là một nguồn tài nguyên tái tạo quan trọng. Cây giang lấy lá là loại cây thuộc họ nhà tre. Lá giang sấy khô xuất khẩu làm nguyên liệu chế tác hàng thủ công mỹ nghệ, làm túi, hộp đựng đồ. Điểm đặc biệt của cây giang là càng hái các lá to, già đi thì cây càng phát triển và ra thêm nhiều lá mới, không ảnh hưởng đến điều kiện phát triển của cây.

Vườn cây Giang lấy lá của ông Nông Văn Thư, xóm Khau Nình, xã Thái Học (Bảo Lâm).

Vườn cây Giang lấy lá của ông Nông Văn Thư, xóm Khau Nình, xã Thái Học (Bảo Lâm).

Cây giang thích hợp với khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, chịu được điều kiện nhiệt độ cao và ẩm ướt. Cây giang có thể mọc ở nhiều loại đất khác nhau, từ đất cát, đất sét đến đất phù sa, nhưng phát triển tốt nhất trên đất pha cát, thoát nước tốt. Những năm gần đây trồng cây giang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vùng cao, 1 kg lá giang có giá dao động từ 7 - 25 nghìn đồng, bình quân mỗi ngày hái được 30 - 100 kg tương đương thu nhập tối thiểu từ 210 - 700 nghìn đồng/ngày. Trước đây nguồn lá được khai thác chính từ rừng tự nhiên. Tuy nhiên khi cây giang bắt đầu ra hoa (chết khuy) khiến lượng lá trên thị trường khan hiếm. Nắm bắt được cơ hội trên, một số tổ chức, cá nhân đã nhân giống và trồng cây giang lấy lá để phục vụ cho các xưởng sơ chế và bán cho các công ty Trung Quốc, Đài Loan…

Tại huyện Bảo Lâm, cây giang được đưa vào trồng đầu tiên tại 2 xã Thái Sơn, Thái Học từ năm 2022. Ông Nông Văn Thư, xóm Khau Nình, xã Thái Học là một trong những hộ đầu tiên trồng cây giang tại xã, cho biết: Cây giang rất dễ trồng, mất ít công chăm sóc và đầu tư không nhiều mà lợi nhuận cao. Chỉ sau khoảng 8 tháng trồng, nếu tập trung chăm sóc thì cây đã cho thu hoạch lá, giá bán trung bình 12 - 15 nghìn đồng/1 kg lá tươi. Gia đình tôi trồng từ tháng 3/2023, đến năm 2024 gia đình tôi đã được thu hoạch 2 - 3 lần, mỗi lần 8 tạ - 1,5 tấn, với mức giá như hiện nay, cây Giang đã mang lại một nguồn thu nhập khá cao.

Hỗ trợ người dân mở rộng diện tích

Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Mã Gia Hãnh cho biết: Sau khi đi học tập kinh nghiệm thực tế tại một số tỉnh như Hà Giang, Tuyên Quang về trồng cây giang, huyện đã triển khai Mô hình “Trồng cây giang lấy lá”. Từ hiệu quả bước đầu của mô hình đem lại, huyện đã xác định, đây là cây giúp dân xóa nghèo hiệu quả nên đã quyết tâm thực hiện Dự án trồng cây giang. Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Tiểu dự 2 - Dự án 3, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2023 - 2024, huyện đã đầu tư hơn 14,5 tỷ đồng để hỗ trợ 665 hộ dân ở các xã: Thái Sơn, Thái Học, Thạch Lâm, Quảng Lâm, Yên Thổ, Vĩnh Phong trồng 1.511,98 ha cây. Ngoài diện tích thực hiện dự án theo các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện còn có diện tích người dân tự phát triển sản xuất 7 ha.

Lãnh đạo huyện Bảo Lâm thăm vườn cây giang giống của Công ty TNHH Cây giống và Xưởng lá Cầu Mám.

Lãnh đạo huyện Bảo Lâm thăm vườn cây giang giống của Công ty TNHH Cây giống và Xưởng lá Cầu Mám.

Là một trong những công ty nhận bao tiêu sản phẩm lá giang cho bà con, bà Đỗ Thị Lập, Giám đốc Công ty TNHH Cây giống và Xưởng lá Cầu Mám (huyện Bắc Quang, Hà Giang) chia sẻ: Ưu điểm của việc trồng cây giang lấy lá là đầu tư trồng 1 lần không phải trồng lại (vì cây Giang 50 - 70 năm cây mới ra hoa và chết). Công chăm sóc ít, giá trị sản phẩm thu lại cao hơn nhiều so các loại cây trồng khác như cây ngô, quế, hồi. Kết quả thử nghiệm cho thấy: Sau 8 tháng kể từ khi trồng ra đất, cây đã cho thu lá lần đầu. Trong năm đầu tiên bình quân mỗi cây thu được 3 kg lá với giá hiện tại 15 nghìn đồng/kg tương đương 45 nghìn đồng/cây. Như vậy mỗi ha mật độ 500 cây người trồng sẽ thu được 22,5 triệu đồng/ha. Từ năm thứ 2 mỗi khóm thu được bình quân 20 kg, tương đương 150 triệu đồng/ha. Từ năm thứ 3 trở đi mỗi khóm thu được khoảng 50 kg, tương đương 375 triệu đồng/ha. Thực tế hiện nay để tiết kiệm đất hầu như các hộ đều trồng mật độ từ 1.000 cây/ha trở lên vì vậy số thu nhập là gấp đôi. Đến nay những hộ trồng cây giang lấy lá ở Bảo Lâm đã thu hoạch được sản phẩm, công ty trực tiếp đến thu mua cho bà con. Với kết quả đánh giá thực tế, cùng với sự quyết tâm của huyện trong việc tìm hướng đi mới cho người dân, có thể khẳng định cây Giang lấy lá có thể trở thành cây mũi nhọn xóa đói, giảm nghèo bền vững và giúp bà con làm giàu.

Hiệu quả bước đầu từ Dự án trồng cây giang lấy lá giúp nông dân thay đổi từ phương thức canh tác phân tán, nhỏ lẻ sang vùng sản xuất tập trung tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao. Từng bước hướng tới nền nông nghiệp tập trung quy mô lớn, giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững.

Minh Hòa

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/cay-giang-lay-la-huong-xoa-ngheo-cho-nguoi-dan-huyen-bao-lam-3174884.html