Cây ăn quả chủ lực thứ hai của huyện Lục Ngạn có gì đặc biệt?

Hiện nay, cam là cây ăn quả chủ lực thứ hai về diện tích (sau cây vải thiều) của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) vừa ban hành Quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam Lục Ngạn. UBND huyện Lục Ngạn là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Cục Sở hữu trí tuệ cho biết cây cam được trồng tại huyện Lục Ngạn từ những năm 1990 với 3 giống chính, gồm giống cam CS1, cam đường canh và cam V2. Hiện cam là cây ăn quả chủ lực thứ hai của huyện Lục Ngạn về diện tích (sau cây vải thiều).

Cam ngọt Lục Ngạn - Ảnh: Cục SHTT

Cam ngọt Lục Ngạn - Ảnh: Cục SHTT

Nhờ những điều kiện địa lý khác biệt mà cam Lục Ngạn có vị ngọt nổi trội, được thị trường đón nhận. Đặc biệt, cam lòng vàng được sản xuất từ giống cam CS1 có vị ngọt đậm, hàm lượng đường tổng số lớn hơn hoặc bằng 9,7%.

Trong khi đó, cam ngọt được sản xuất từ giống cam đường canh, vị quả ngọt, hàm lượng đường tổng số lớn hơn hoặc bằng 9,01%. Cam V2 được sản xuất từ giống cam V2 có vị ngọt đậm, hàm lượng đường tổng số lớn hơn hoặc bằng 9,1%.

Để cây cho quả ngọt và được thị trường đón nhận, một phần nhờ vào đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của khu vực địa lý rất phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây cam. Ngoài điều kiện tự nhiên thuận lợi, chất lượng đặc thù của các sản phẩm cam Lục Ngạn còn liên quan đến kỹ thuật sản xuất tại khu vực địa lý này.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, vùng cam Lục Ngạn được bón phân lân 2 lần/vụ (bón lót sau khi thu hoạch và bón thúc ở giai đoạn quả phát triển). Vì vậy, các sản phẩm cam trồng tại huyện Lục Ngạn có hàm lượng đường tổng số (độ ngọt) cao hơn so với sản phẩm cùng loại trồng ở nơi khác.

Ngoài ra, với cây cam ngọt, ở Lục Ngạn, người trồng cam còn tiến hành kỹ thuật khoanh gốc và cành vào tháng 4 đến tháng 5 hằng năm với 2 - 3 lần/vụ, lần 2 cách lần 1 từ 6 - 8 ngày, lần 3 sau lần 2 từ 15 - 18 ngày.

Biện pháp khoanh gốc và cành không những làm cho bộ tán lá tích lũy lượng dinh dưỡng nhiều hơn mà còn hạn chế dòng dinh dưỡng xuống nuôi các bộ phận bên dưới (trong đó có rễ), hạn chế việc hút nước từ gốc và tập trung dinh dưỡng cho quả, từ đó cải thiện năng suất, tăng chất lượng quả.

Nhật Anh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cay-an-qua-chu-luc-thu-hai-cua-huyen-luc-ngan-co-gi-dac-biet-231449.html