Cau tăng giá gấp đôi, nông dân Tây Nguyên thu hàng trăm triệu
Nhu cầu tiêu thụ cau phía Trung Quốc tăng cao nên giá thu mua nâng gấp đôi, nhiều hộ dân lãi hàng trăm triệu đồng.
Gia đình bà Nguyễn Thị Thảo (ngụ xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk ) có 1.000 gốc cau trồng xen trong cà phê, hồ tiêu.
Theo bà Thảo, giá cau ban đầu chỉ hơn 10.000 đồng/kg, có lúc vợ chồng bà tính chặt bỏ để thay thế cây trồng khác như bơ, sầu riêng. Nhưng đất của gia đình là đồi dốc nên bà quyết định giữ lại, may mắn là cây cau dễ trồng nên dù ít được chăm sóc vẫn phát triển tốt, quả cau cũng ít khi có sâu bệnh, đến mùa cho sản lượng cao.
“Gần đây, địa phương có nhiều cơ sở thu mua, chế biến cau quả nên giá loại nông sản này tăng dần, dao động khoảng 35.000 đồng/kg. Đặc biệt, năm nay giá cau tăng lên hơn 70.000 đồng/kg, vườn cau của gia đình thu về hàng trăm triệu đồng”, bà Thảo nói.
Theo bà Thảo, mỗi cây cho từ 3 - 4 buồng, mỗi buồng cau già khoảng 10-17 kg, còn cau cho lứa đầu cũng từ 5 kg trở lên. Đầu mùa năm nay, bà đã thu được gần 2 tấn cau, thu về hơn 100 triệu đồng.
“Dự kiến đến hết mùa, giá cau nếu duy trì như thời điểm đầu mùa thì gia đình tôi thu về xấp xỉ 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 2 phần”, bà Thảo chia sẻ.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Viết Minh (ngụ xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) cũng “trúng đậm” nhờ 5 sào vườn cau trồng từ năm 2000.
“Những năm gần đây giá cau tăng mạnh, mỗi mùa ông hái được khoảng 4 tấn cau, thu về trên 200 triệu đồng. Năm nay, giá cau tăng cao, từ vườn cau hơn 20 năm tuổi của gia đình, vợ chồng ông thu về gần 300 triệu”, ông Minh nói.
Ông Phan Thanh Nam, chủ vựa thu mua cau tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, cho biết năm nay giá cau tăng gấp đôi so với mọi năm, thậm chí có thời điểm gần 100.000 đồng/kg.
Theo ông Nam, cau tăng giá vì phía Trung Quốc cần số lượng lớn để làm kẹo cau. Hiện giá cau thu mua tại cơ sở là 80.000 đồng/kg. Còn các thương lái thu mua tại vườn người dân có giá thấp hơn vài nghìn đồng.
“Từ đầu mùa đến nay trung bình tôi thu mua 5-7 tấn cau mỗi ngày về sấy khô. Hiện tôi đã xuất khẩu sang Trung Quốc được 50-60 tấn”, ông Nam nói.
Chủ vựa này cho biết cau tại Đắk Lắk, người dân chủ yếu trồng xen trong các rẫy cà phê, tiêu của gia đình. Những khu vực trồng cau nhiều là Cư Kuin, TP Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và Krông Năng với tổng sản lượng khoảng 500-600 tấn cau khô.
Cau là loại cây trồng khá dễ tính nên rất phù hợp thời tiết, khí hậu ở vùng Tây Nguyên. Những năm gần đây giá cau luôn ổn định, thậm chí rất cao nên khá nhiều người dân đổ xô đi mua cây giống.
Theo một chủ vườn ươm tại xã Hòa Thắng (TP Buôn Ma Thuột), 3 năm trở lại đây, cau giống bán rất chạy, giá dao động 15.000 - 20.000 đồng/cây, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu.
“Đơn cử như năm nay, với khoảng 10.000 cây cau giống, gia đình tôi đã bán hết trong vòng một tháng. Hiện tại, vẫn còn nhiều người hỏi mua cây giống nhưng không còn”, chủ vườn ươm nói.
Trao đổi với Zing, bà Lại Thị Loan, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Đắk Lắk cho biết những năm gần đây giá cau tăng cao, đặc biệt là năm nay.
Theo bà Loan, cây cau không phải là cây trồng chủ lực của Đắk Lắk. Giá cau tăng cao những năm gần đây nên người dân đổ xô đi trồng.
“Hội nông dân đã có nhiều khuyến cáo người dân không nên chặt bỏ các cây chủ lực như bơ, sầu riêng để trồng cau”, bà Loan nói.
Công an huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) vừa có thông báo người dân cảnh giác về tình trạng trộm cắp cau diễn ra thường xuyên.
Theo Công an huyện Cư Kuin, cau chủ yếu được trồng xung quanh vườn rẫy, ven đường là khu vực vắng. Do đó, người dân không thể trông coi, bảo vệ tài sản.
Đồng thời, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người rơi vào tình trạng kinh tế khó khăn dẫn đến tình trạng các đối tượng trộm cắp trộm cắp quả cây cau và cây cau giống xảy ra nhiều.
Các đối tượng thường lợi dụng sơ hở, lơ là, mất cảnh giác của người dân vào ban đêm hoặc không có mặt tại nơi trồng cau, việc chiếm đoạt tài sản diễn ra dễ dàng, nhanh chóng. Các đối tượng điều khiển phương tiện, chủ yếu là xe máy đi dọc các tuyến đường, khu vực vườn, rẫy trồng cau hái cả buồng hoặc nhổ cây cau giống.