Cấp cứu thành công cụ bị ngưng tim 6 lần trong một buổi sáng

Ngày 19/11, bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc BV quận 2 cho biết, các bác sĩ của đơn vị đã kịp thời cấp cứu tính mạng nữ bệnh nhân ngoài 70 tuổi Trần Mỹ Lâm (trú quận 2, TP.HCM), người suýt mất mạng vì ngưng tim ngưng thở nhiều lần do bệnh lý toan hóa ống thận.

Trước đó, bà Lâm được thân nhân chuyển đến BV quận 2 trong tình trạng khó thở, nhịp tim chậm. Vừa đến khoa Cấp cứu, bà cụ đột ngột bị ngưng tim ngưng thở. Các bác sĩ lập tức thực hiện hồi sức tim phổi và ngay khi sinh hiệu trở lại, cụ bà được chuyển thẳng đến đơn vị hồi sức tim mạch thuộc Khoa Tim mạch của bệnh viện.

Tại đây, bệnh nhân lại mất sinh hiệu vì tiếp tục ngưng tim ngưng thở. Vậy là cuộc giằng co dành giật mạng sống của cụ bà từ tay tử thần lại tiếp tục. Chỉ trong buổi sáng, tình trạng ngưng tim ngưng thở của bệnh nhân liên tiếp lập đi lập lại đến 6 lần nhưng may mắn tính mạng được đảm bảo với bằng sự cấp cứu tận lực của y bác sĩ.

Bà Lâm người 6 lần ngưng tim, ngưng thở trong 1 buổi sáng

Trong quá trình cấp cứu, các bác sĩ nhận thấy cụ bà vướng tình trạng máu nhiễm acid rất nặng. Đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân lâm vào tình trạng ngưng tim ngưng thở nhiều lần. Để bảo lưu tính mạng cụ bà, ngoài xử trí nội khoa, các bác sĩ còn đặt máy tạo nhịp giúp bà cụ nhanh chóng cải thiện nhịp tim vốn rất chậm, đứt quảng.

Thân nhân cho hay, bà cụ mắc bệnh lý “toan hóa ống thận” và đã điều trị nhiều năm. Vài tháng trở lại đây, cụ chuyển về quận 2 sinh sống, do không dùng thuốc kiềm chế nên tình trạng “giữ acid trong người” ngày càng nhiều, khiến bà cụ lâm cảnh “thập tử nhất sinh”.

Sau một tuần cấp cứu và điều trị, bệnh nhân đã được cai máy thở. Tuy nhiên, với bệnh lý nền suy thận mạn giai đoạn 4, hạ kali trong máu…, bà Lâm vẫn phải tiếp tục điều trị tại BV quận 2 hơn một tháng qua.

Bác sĩ Lê Hồng Tuấn - Trưởng khoa tim mạch BV quận 2 cho biết, bệnh lý “tan hóa ống thận” mà bà Lâm mắc phải là tình trạng ống thận xa (còn gọi là ống lượn xa, thuộc hệ thống ống dẫn đưa nước tiểu từ thận ra bên ngoài cơ thể) bị thương tổn bởi nhiều lý do, khiến khả năng bài tiết acid bị suy giảm.

Do đó, nó góp phần lưu giữ acid trong người và không thể điều trị dứt điểm mà phải “sống chung với lũ” bằng các loại thuốc kiềm chế. Vì vậy, ngoài việc điều trị các bệnh lý nền, bệnh nhân còn phải tiếp tục điều trị nội khoa giúp các thương tổn ống thận xa không trầm trọng hơn, đồng thời để liên tục hạ acid trong máu.

Minh Khang

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/cap-cuu-thanh-cong-ca-cu-bi-ngung-tim-6-lan-trong-mot-buoi-sang-c2a303029.html