Cấp bách trình Quốc hội 3 dự án đường cao tốc

Thẩm tra đề xuất của Chính phủ về 3 dự án đường cao tốc gồm: Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1) và Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng (giai đoạn 1) tại phiên họp toàn thể chiều nay, 10.5, nhiều thành viên Ủy ban Kinh tế nhất trí đây là những dự án cấp bách cần trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba tới.

Phát triển hạ tầng còn nhiều thách thức

Phiên họp toàn thể lần thứ Bảy của Ủy ban Kinh tế diễn ra tại Nhà Quốc hội với sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Trong phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, các nội dung xem xét tại phiên họp lần này là rất cấp bách để chuẩn bị cho Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV. Ông cũng cho biết, từ năm 2004 - thời điểm nước ta triển khai tuyến cao tốc đầu tiên đến nay, cả nước đã có tổng 1.163 km đường cao tốc nhưng chưa đạt mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 2.000 km đường cao tốc. Thời gian qua, mặc dù Đảng, Nhà nước rất quan tâm, có nhiều chủ trương, định hướng, bố trí nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng nhưng so với nhu cầu phát triển vẫn còn nhiều thách thức.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu
Ảnh: Trung Thành

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng chỉ rõ, Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra định hướng trong hai nhiệm kỳ tới dành nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại trong đó có hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị; đồng thời đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, cả nước có 5.000km đường cao tốc để kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển. Quy hoạch mạng lưới đường bộ 2021 - 2030 định hướng đến năm 2050 đặt ra yêu cầu tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có chiều dài 54 km, quy mô 6-8 làn, tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có chiều dài 130km, quy mô 4 làn xe và tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng có chiều dài 191km, quy mô 6 làn xe. Cả ba dự án này đều được xác định hoàn thành trước năm 2030.

"Với tính cấp bách và yêu cầu thực tiễn như vậy, Chính phủ đã có Tờ trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để xem xét chủ trương đầu tư 3 dự án này. Đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá kỹ càng về phương án tài chính, sử dụng vốn, thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư…", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói.

Quang cảnh phiên họp
Ảnh: Trung Thành

Cơ bản hoàn thành trong năm 2025, thu phí hoàn trả vốn ngân sách Trung ương

Báo cáo tại phiên họp, lãnh đạo Bộ Giao thông – Vận tải cho biết, dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1) nhằm hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối trục dọc, phát huy các dự án đã và đang đầu tư như đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1, đường bộ ven biển, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải. Dự án có điểm đầu tại nút giao giữa quốc lộ 26B với quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong; điểm cuối tại vị trí giao với đường Hồ Chí Minh tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột. Tổng chiều dài khoảng 117,5km, đi qua chủ yếu hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk.

Dự án được đầu tư trong giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, với tổng mức đầu tư khoảng 21.935 tỷ đồng bằng vốn đầu tư công, với nhu cầu sử dụng đất khoảng 938,54 ha. Để thực hiện dự án này, Chính phủ đề nghị cho phép áp dụng trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định, quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện như dự án nhóm A, với nguồn vốn từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách các địa phương, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương. Chính phủ cũng đề xuất cho phép các địa phương bố trí ngân sách đị phương tham gia dự án; được chia các dự án thành phần theo địa giới hành chính các tỉnh.

Dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1) nhằm đưa vào khai thác đồng bộ với đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, cảng hàng không quốc tế Long Thành, phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép – Thị Vải, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực phát triển không gian vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển. Dự án có điểm đầu tại thành phố Biên Hòa, điểm cuối tại thành phố Bà Rịa, với tổng chiều dài khoảng 53,7km, với quy mô trong giai đoạn 1 dự kiến từ 4 đến 6 làn xe, với tổng mức đầu tư khoảng 17.837 tỷ đồng, trong đó nhu cầu giai đoạn 2021 – 2025 là 14.270 tỷ đồng, năm 2026 khoảng 3.567 tỷ đồng.

Dự án có khoảng 12,6 km đi trùng với đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông có mức độ ưu tiên cao để hoàn thành đồng bộ với đường cao tốc này và cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, nằm ở ranh giới hai tỉnh là tuyến đường địa phương. Do vậy, Chính phủ kiến nghị phân chia dự án thành 3 dự án thành phần, được áp dụng các cơ chế, chính sách liên quan đến chỉ định thầu, vật liệu xây dựng thông thường, phân cấp đầu tư dự án tương tự như các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Nghị quyết số 43/2022/QH 15 quy định; được áp dụng trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần tương tự như dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn phát biểu
Ảnh: Trung Thành

Cùng với đó, để bảo đảm việc chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất trong quá trình triển khai, Thủ tướng Chính phủ sẽ giao Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình trọng điểm với thành phần bao gồm các bộ, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo triển khai thực hiện. Đối với các dự án thành phần phân cấp cho địa phương là cơ quan chủ quản đầu tư, Bộ Giao thông – Vận tải là cơ quan chuyên môn về xây dựng, chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở; đóng vai trò là cơ quan rà soát, điều phối bảo đảm thống nhất về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, cũng như là cơ quan chủ trì tổng hợp trình điều chỉnh chủ trương đầu tư (nếu có) và tổng hợp báo cáo Quốc hội hàng năm về tình hình thực hiện.

Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng (giai đoạn 1) được Chính phủ đề xuất đầu tư xây dựng theo hình thức đầu tư công nhằm hình thành một trục ngang trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các trục dọc, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc- Đông Nam của vùng, tạo động lực, dư địa phát triển không gian vùng với hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, hiện đại, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển; nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát riển vùng…

Dự án có tổng chiều dài 188,2km, điểm đầu tại thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang), điểm cuối tại cảng Trần Đề (Sóc Trăng), với quy mô trong giai đoạn 1 là 4 làn xe, sử dụng khoảng 1.205 ha đất, với tổng mức đầu tư khoảng 44.691 tỷ đồng. Chính phủ xác định chia dự án này thành 4 dự án thành phần; đề xuất, cho phép các địa phương bố trí ngân sách địa phương tham gia dự án; phân chia các dự án thành phần theo địa giới các tỉnh, thành phố.

"Cả ba dự án trên đều được chuẩn bị thực hiện trong năm 2022, khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành trong năm 2025. Sau khi các dự án hoàn thành sẽ tổ chức thu phí để hoàn trả số vốn ngân sách Trung ương đã bố trí đầu tư theo quy định của pháp luật", lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải nêu rõ.

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Kinh tế đã tập trung thảo luận về phương án huy động vốn, hoàn trả chi phí thi công; việc tuân thủ quy định tại các Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp trong quá trình chuẩn bị dự án; khả năng tham gia đầu tư của các địa phương…

P.Thủy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/cap-bach-trinh-quoc-hoi-3-du-an-duong-cao-toc-i288079/