Cao Bằng ngày mới (bài 3)

Miền đất địa đầu lịch sử, giàu bản sắc văn hóa và truyền thống cách mạng Cao Bằng được thiên nhiên ban tặng nhiều danh thắng tuyệt đẹp, tạo nên nét đặc trưng quyến rũ rất riêng. Đường biên giới dài hơn 333 km thuận lợi để phát triển giao thương giữa 2 nước, tuy nhiên, để khai thác những tiềm năng và lợi thế như vừa nêu, rất cần một mạch nối xuyên suốt để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, trong đó nút thắt quan trọng cần tháo gỡ để Cao Bằng phát triển chính là vấn đề hạ tầng giao thông.

Miền đất địa đầu lịch sử, giàu bản sắc văn hóa và truyền thống cách mạng Cao Bằng được thiên nhiên ban tặng nhiều danh thắng tuyệt đẹp, tạo nên nét đặc trưng quyến rũ rất riêng. Đường biên giới dài hơn 333 km thuận lợi để phát triển giao thương giữa 2 nước, tuy nhiên, để khai thác những tiềm năng và lợi thế như vừa nêu, rất cần một mạch nối xuyên suốt để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, trong đó nút thắt quan trọng cần tháo gỡ để Cao Bằng phát triển chính là vấn đề hạ tầng giao thông.

Bài 3: Đầu tư hạ tầng giao thông để Cao Bằng vươn mình phát triển

Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, Cao Bằng luôn xác định kinh tế cửa khẩu là một trong những động lực quan trọng nhằm đẩy mạnh nhịp độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế quốc gia cũng như trên địa bàn tỉnh, đồng thời hỗ trợ, tạo động lực lan tỏa cho các vùng kinh tế khác, việc sớm triển khai đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối, nhất là tuyến đường bộ cao tốc từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) là hết sức cần thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh cho đất nước nói chung và tỉnh Cao Bằng nói riêng. “Cao Bằng sẽ đổi mới sáng tạo, quyết tâm để sớm làm bằng được tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh”, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng khẳng định.

Tháo “điểm nghẽn” then chốt

Đồng chí Lại Xuân Môn cho biết, từ nhiều năm nay, đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn mong muốn có được tuyến đường cao tốc kết nối giữa cửa khẩu Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng với thị trấn Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. Đó cũng trăn trở của đồng chí khi được Đảng, Nhà nước tín nhiệm điều động lên nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy tại quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng. Phát triển hạ tầng giao thông, Cao Bằng mới có thể thoát nghèo, vươn mình phát triển. “Con đường cao tốc là khát vọng bao đời của đồng bào dân tộc, của nhiều khóa lãnh đạo tỉnh Cao Bằng”, Bí thư Tỉnh ủy Lại Xuân Môn nhiều lần chia sẻ.

Nếu hình thành được tuyến đường này, sẽ là động lực lớn để Cao Bằng phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, mở rộng hợp tác quốc tế đối ngoại, kết nối với các trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội lớn của cả nước và các tỉnh trong khu vực, thiết lập tuyến vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc (tây nam Trung Quốc qua Bách Sắc (Quảng Tây) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) nối với Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, hướng ra biển thông qua cảng Hải Phòng và nối với đường Hồ Chí Minh) là vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh, từng bước tiếp cận đến mặt bằng chung của cả nước, đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường quốc phòng - an ninh khu vực biên giới phía bắc.

Ông Lại Xuân Môn nhấn mạnh: “Để Cao Bằng phấn đấu “cao bằng người” như lời Bác Hồ căn dặn, hơn lúc nào hết, Cao Bằng phải nhanh chóng tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn, cản trở lớn nhất tới sự phát triển của tỉnh là kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Có như vậy, Cao Bằng mới phát triển toàn diện, nhanh, bền vững, hội nhập với các tỉnh trong khu vực”.

Sau gần 2 năm, với nhiều cách làm chủ động, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt, kiên quyết, kiên cường, kiên trì nắm bám, cầu thị, chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, ngày 10-8-2020, tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1212/QĐ-TTg, mở ra cơ hội đột phá, khác biệt để Cao Bằng phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi, khát vọng, niềm mơ ước của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng.

Biến không thể thành có thể

Ngay thời điểm tỉnh nhận được quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy Lại Xuân Môn đã tổ chức ngay cuộc họp Ban Chỉ đạo dự án.

Theo đánh giá của đồng chí, nhiệm vụ, công việc phía trước còn rất bộn bề chồng chất, khó khăn gian nan còn đè nặng, nên yêu cầu Ban Chỉ đạo dự án phải chủ động phối hợp tỉnh Lạng Sơn, doanh nghiệp đề xuất nghiên cứu dự án là Tập đoàn Đèo Cả sớm triển khai việc hoàn thiện dự án; thực hiện thi tuyển phương án kiến trúc, bảo đảm tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh khi hoàn thành sẽ là con đường đẹp, kiểu mẫu của cả nước về thân thiện môi trường, không chỉ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mà còn là biểu tượng văn hóa, phục vụ khách tham quan, du lịch; phục vụ quốc phòng, an ninh.

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2020 – 2025, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra là hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông kết nối, trong đó quyết tâm xây dựng hoàn thành tuyến đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, trục huyết mạch giao thông quan trọng, mở ra cơ hội phát triển mới của vùng quê cách mạng.

Tỉnh ủy Cao Bằng đã giao UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư và các đơn vị thi công dự án. Cấp ủy, chính quyền các địa phương có dự án đi qua bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, phát huy 7 tổ giải phóng mặt bằng,...

Đối với nhà đầu tư, các đơn vị tham gia dự án xác định đây là công trình trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, là công trình giúp Cao Bằng “kết nối để vươn xa”,vì vậy, phải phối hợp tổ chức thật tốt, đồng bộ, hiệu quả, triển khai thực hiện dự án an toàn, chất lượng cao, vượt tiến độ.

Bí thư Lại Xuân Môn chỉ đạo: “Thay đổi nhận thức, thay đổi ý thức và nâng trách nhiệm của mình lên, đó là đặc thù của quê hương cội nguồn cách mạng. Đền bù kiểm đếm công khai dân chủ công bằng khách quan, vì vậy người dân Cao Bằng ai cũng đã sẵn sàng cho việc giải phóng mặt bằng, di dời, chuyển vị trí nơi ở khác nhường cho con đường cao tốc chấp nhận hi sinh cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của đất nước”.

Cao Bằng vừa kỷ niệm 70 năm chiến thắng Đông Khê - chiến thắng Chiến dịch Biên giới 1950, là một trong những sự kiện quan trọng của lịch sử 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta. Đông Khê, Cao Bằng hào hùng trong chiến tích chống giặc ngoại xâm năm xưa, hôm nay lại bước vào “trận đánh” mới, trận đánh chống giặc đói nghèo. Những con đường như cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ nâng bước cho người dân Cao Bằng vượt qua cái đói, cái nghèo và vươn tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Bài, ảnh: TUẤN MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/nhan-dinh/cao-bang-ngay-moi-bai-3--627784/