Cảnh lạ BV 354: Thuốc Bivina cò 'hét' giá là thuốc giả
Thượng tá Nguyễn Ngọc Du, Chủ nhiệm chính trị Bệnh viện 354 khẳng định: 'Thuốc Bivina đang được giao ban ngoài cổng bệnh viện là thuốc giả'.
Ngày 21/1/2014, báo Kiến thức đã có bài viết phản ánh tình trạng, người bệnh xếp hàng mua thuốc Bình Vị Nam (BIVINA) trong bệnh viện 354, trong khi đó ngoài cổng bệnh viện “cò” bán loại thuốc tràn lan với giá cắt cổ. Trước đó, đã có rất nhiều bệnh nhân nghi ngờ về chất lượng của loại thuốc này. Trước thực trạng trên chiều 21/1, phóng viên đã có buổi làm việc với bệnh viện về vấn đề này.
Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Nguyễn Ngọc Du, Chủ nhiệm chính trị Bệnh viện 354 khẳng định: “Việc một số đối tượng bán thuốc nhãn hiệu BIVINA khu vực ngoài cổng bệnh viện, phía bệnh viện cũng đã nắm được tình hình và khẳng định một điều chắc chắn thuốc đó là thuốc giả”.
Theo Thượng tá Du, thuốc Bivina là sản phẩm đông dược có khả năng chữa trị bệnh dạ dày, trước khi đưa vào sử dụng thuốc đã được nghiên cứu và được Cục Quân y cấp giấy phép cho đăng ký và cho phép sản xuất lưu hành trong phạm vi toàn quân (Quân đội nhân dân Việt Nam - P/V), lượng thuốc bán ra ngoài chỉ là số dư còn lại, thuốc chỉ được bán cho những trường hợp điều trị nội trú, có sổ y bạ, khi bán thuốc cũng được kiểm tra thông tin cá nhân cẩn thận và bán với liều, lượng cố định, chứ không bán tràn lan.
“Riêng về những trường hợp bán thuốc Bivina ở ngoài bệnh viện 354, nếu là thuốc gói, ghi địa chỉ sản xuất tại bệnh viện thì đều là thuốc giả, vì bệnh viện không có bất kể cơ sở nào bán thuốc ở ngoài, càng không có chuyện người trong bệnh viện tuồn thuốc ra ngoài bán. Hiện chỉ có một loại thuốc Bivina được đóng trong lọ đang bán ngoài thị trường, nhưng đó là của một cơ sở ở huyện Từ Liêm sản xuất, cơ sở này cũng đã được cấp phép. Tuy nhiên, chúng không dám đánh giá, cũng như so sánh chất lượng”, Thượng tá Du cho biết.
Còn về vấn đề, bệnh nhân khi đến mua thuốc phải xếp hàng và trình chứng minh thư, Thượng tá Nguyễn Ngọc Du giải thích: “Bệnh viện cũng nhận được nhiều phải ánh của bệnh nhân về vấn đề này và cũng thấy thủ tục rườm rà. Tuy nhiên, để số thuốc phát ra phát ra phải đến được tay người bệnh thì không còn cách nào khác là phải làm như vậy. Bởi mỗi người chỉ được mua một liều, 2 gói uống trong 20 ngày mới được mua tiếp. Nên tránh kẻ xấu lợi dụng vào mua thuốc “đầu cơ tích trữ” rồi đưa ra ngoài bán lại với giá cao, bệnh viện không chỉ quản lý bằng sổ y bạ, mà còn cả số chứng minh thư. Vì thế rất mong người bệnh hiểu về vấn đề này”.
Khi nói đến việc: trước sự tin tưởng và nhu cầu sử dụng của người bệnh đối với loại thuốc này lớn như vậy, liệu bệnh viện có mở rộng quy mô sản xuất? Thượng tá Du thẳng thắn chia sẻ: “Việc mở rộng sản xuất thuốc Bivina trong thời gian tới, chúng tôi khẳng định là không. Bởi mục đích khi sản xuất sản phẩm loại thuốc này là để phục vụ bệnh nhân trong quân đội, sau đó là điều trị cho những bệnh nhân nội trú, chứ không phải mục đích sản xuất ra để thương mại”.
“Đối với việc, một số đối tượng đang buôn bán trái phép thương hiệu thuốc Bivina ngoài cổng bệnh viện, phía bệnh viện vẫn thường xuyên kết hợp với công an các phường lân cận để giải quyết vấn đề này. Thực tế, cơ quan chức năng cũng đã bắt giữ một số đối tượng làm giả và bán loại thuốc này ngoài thị trường. Trong thời gian tới, bệnh viện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người bệnh, đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc để giải quyết dứt điểm tình trạng này. Bởi, ngoài việc “cò” hoạt động ở phía ngoài bệnh viện, thì thủ đoạn hoạt động cũng rất tinh vi nên cần phải có sự phối hợp từ nhiều phía”, Thượng tá Du nói.