Cánh cửa xuất khẩu sang Australia đang rộng mở

Australia vẫn luôn được nhìn nhận là thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam, nhất là từ khi một loạt hiệp định thương mại song phương và đa phương được thực thi. Trong đó, đáng chú ý là các mặt hàng nông sản xuất khẩu thế mạnh của nước ta với kim ngạch tăng trưởng lên đến 3 con số ngay đầu năm 2024 và hứa hẹn bùng nổ trong thời gian tới.

Xuất khẩu phục hồi nhanh, nhiều mặt hàng tăng trưởng 3 con số

Australia hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực châu Đại Dương và cũng là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đến châu Đại Dương, chiếm tỷ trọng tới 88%. Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Phú Hòa - Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia (Bộ Công thương) cho biết, thương mại song phương Việt Nam và Australia trong tháng 1/2024 có sự phục hồi và tăng trưởng rất tích cực so với cùng kỳ và những tháng cuối năm 2023. Nhất là kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang quốc gia này tăng mạnh trong tháng 1, đạt 521,9 triệu USD, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 31,1% so với tháng 12/2023.

Australia là đối tác đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Hiện các doanh nghiệp Australia đã đầu tư vào Việt Nam 631 dự án, với tổng vốn đăng ký 2,037 tỷ USD. Đầu tư của doanh nghiệp này tập trung vào 18 ngành, lĩnh vực tại Việt Nam, bao gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ lưu trú và ăn uống; nông - lâm nghiệp và thủy sản; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; khai khoáng; nghệ thuật, vui chơi và giải trí; giáo dục và đào tạo; hoạt động chuyên môn và khoa học công nghệ; kinh doanh bất động sản; bán buôn và bán lẻ, sữa chữa ô tô, mô tô…

Thống kê cho thấy, các mặt hàng xuất khẩu đều chứng kiến sự tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ. Đơn cử như thủy sản tăng 89,5%, điện thoại các loại và linh kiện tăng 20,7%, hàng dệt may tăng 10,2%...

Cần nói thêm rằng, riêng lĩnh vực thủy sản, hiện Việt Nam đang giữ vị trí số 1 trên thị trường Australia với tỷ trọng gần 30%. Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), có được kết quả này phần lớn là nhờ các hiệp định FTA với thị trường này gồm AANZFTA, CPTPP và RCEP. Nhất là Hiệp định CPTPP với ưu đãi lớn, các sản phẩm thủy sản như tôm, cá tra, hải sản của nước ta nhập khẩu vào Australia đều được hưởng mức thuế 0%.

Đáng chú ý, một số mặt hàng xuất khẩu thế mạnh có sự tăng trưởng chóng mặt đạt mức 3 con số như cà phê tăng tới 483,3%, sắt thép các loại tăng 386,7%, giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 165,9%...

Xuất khẩu sang Australia đnag phục hồi mạnh mẽ. Ảnh: TL

Các con số biết nói đã cho thấy xu hướng phục hồi mạnh mẽ trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Australia và hứa hẹn bùng nổ trong thời gian sắp tới. Nhất là sau chuyến thăm và tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều cơ hội giao thương mới sẽ mở ra cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tại thị trường tiềm năng này.

Ưu tiên hỗ trợ cho nông sản thâm nhập sâu hơn

Trong các ngành hàng thế mạnh đang có tiềm năng xuất khẩu lớn sang thị trường Australia, các chuyên gia đánh giá cao đối với nông sản với nhiều triển vọng để bùng nổ. Trước hết là bởi hiện nhu cầu đối với các sản phẩm nông sản như cà phê, gạo, gia vị, trái cây... của thị trường này đang ngày càng lớn. Trong khi, các mặt hàng nông sản giữa hai quốc gia không có sự trùng lắp.

Bên cạnh đó còn có lợi thế về các tuyến vận tải thương mại bằng đường thủy và đường hàng không… Đặc biệt, nhờ việc Việt Nam và Australia cùng là thành viên của nhiều FTA song phương và đa phương sẽ đem lại nhiều ưu đãi về thuế quan, góp phần gia tăng lợi thế cạnh tranh cho nông sản Việt tại Australia.

Năm 2023, Australia là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam (đứng thứ 13 về xuất khẩu và đứng thứ 9 về nhập khẩu). Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia (đứng thứ 10 về xuất khẩu sang Australia và đứng thứ 10 về nhập khẩu từ Australia).

Tuy nhiên, ông Nguyễn Phú Hòa cũng thẳng thắn thừa nhận những hạn chế cần sớm khắc phục như khả năng truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm còn thấp; vẫn tồn tại tình trạng tồn dư hóa chất trong các lô hàng xuất khẩu; chưa có thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm và chưa tham gia sâu vào hệ thống phân phối của Australia…

"Australia là một trong những thị trường khó tính nhất thế giới, thậm chí một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Hoa Kỳ và EU. Thị trường này có nhiều yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cao, quy trình nhập khẩu nghiêm ngặt. Bên cạnh đó còn rất nhiều rào cản kỹ thuật, yêu cầu về nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều quy định về nhập khẩu như chính sách thuế và thuế suất, quyền sở hữu trí tuệ…” - ông Hòa nhấn mạnh.

Nông sản có nhiều cơ hội thâm nhập vào Australia. Ảnh: TL

Do đó, để mở rộng cánh cửa cho nông sản Việt vào Australia, theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng và triển khai chiến lược phát triển bền vững, đa dạng hóa nguồn cung, hợp tác để giảm chi phí, đáp ứng quy tắc xuất xứ; xây dựng, phát triển và kiểm soát chất lượng vùng trồng, vùng nuôi; hoàn thiện hệ thống đăng ký, đánh giá cấp mã vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến; thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất, thương mại nông sản.

Bản thân doanh nghiệp cần nhanh chóng có kế hoạch nâng cao chất lượng hàng hóa một cách bền vững, đáp ứng đầy đủ các điều kiện nhập khẩu. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần tập trung đầu tư gia tăng tỷ trọng các sản phẩm đã qua chế biến, nâng cao chất lượng cho các mặt hàng nông sản.

Về vấn đề này, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tìm kiếm, giới thiệu các tập đoàn lớn của Australia để chuyển giao mô hình công nghệ nông nghiệp tiên tiến của Australia phù hợp với nhu cầu thực tiễn của Việt Nam như công nghệ chế biến, công nghệ tái sử dụng phụ phẩm, công nghệ giống.... Đặc biệt sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối bán buôn, bán lẻ của Australia, góp phần đưa hàng nông sản thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Australia cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ cung cấp thông tin cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang có ý định tìm hiểu, nghiên cứu khảo sát thị trường Australia. Trong đó sẽ chú trọng các thông tin về nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, pháp luật... đối với các sản phẩm doanh nghiệp có ý định xuất khẩu.

Ngoài ra, trong quý II/2024, Thương vụ Việt Nam tại Australia sẽ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (AANZFTA, CPTPP, RCEP) để thúc đẩy xuất khẩu vào Australia. Song song với đó, phối hợp với Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade) tổ chức các chương trình làm việc, trao đổi, qua đó xây dựng các cơ chế hợp tác song phương, góp phần củng cố và thúc đẩy hợp tác thương mại.

Được biết, Bộ Công thương tổ chức Đoàn khảo sát, giao dịch thương mại và đầu tư tại Australia 2024 từ ngày 1-9/3/2024 tại Brisbane, Sydney, Melbourne (Australia) với nhiều hoạt động như gặp gỡ, làm việc với nhà phân phối, nhập khẩu, đầu tư tại Brisbane, Sydney, Melbourne, hiệp hội ngành hàng, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney; khảo sát thị trường bán buôn, bán lẻ tại Brisbane, Sydney, Melbourne; kết nối nhu cầu doanh nghiệp để tham gia vào chuỗi cung ứng, quảng bá sản phẩm, dịch vụ, tìm kiếm cơ hội xuất nhập khẩu và đầu tư, chia sẻ bài học kinh doanh, đầu tư thành công của doanh nghiệp hai nước.

Sáng 4/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đang tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia theo lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese. Chuyến thăm này được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho quan hệ song phương và tạo nhiều cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu vào Australia.

Tố Uyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/canh-cua-xuat-khau-sang-australia-dang-rong-mo-146217.html