Cảnh báo tình trạng mở, sử dụng tài khoản thanh toán để lừa đảo trên không gian mạng

Tình trạng lợi dụng mở, sử dụng tài khoản thanh toán để lừa đảo trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nghiêm túc thực hiện việc mở tài khoản thanh toán cho khách hàng là tổ chức…

Cảnh báo tình trạng mở, sử dụng tài khoản thanh toán để lừa đảo trên không gian mạng - Ảnh minh họa.

Cảnh báo tình trạng mở, sử dụng tài khoản thanh toán để lừa đảo trên không gian mạng - Ảnh minh họa.

Theo đó, tại văn bản số 6768/NHNN-TT, Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngày 28/6/2024 cơ quan này đã ban hành Thông tư số 17/2024/TT-NHNN (Thông tư số 17) quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Trong đó đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán đối với khách hàng tổ chức.

Thời gian qua, xuất hiện tình trạng lợi dụng mở, sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng là tổ chức cho mục đích gian lận, lừa đảo.

Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng khẩn trương, nghiêm túc rà soát, kiểm tra, cập nhật thông tin hồ sơ mở tài khoản thanh toán của khách hàng là tổ chức, đặc biệt là các tài khoản thanh toán mở từ tháng 6/2024 đến nay.

Thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của người đại diện hợp pháp (bao gồm cả trường hợp mở tại quầy và mở bằng phương tiện điện tử) theo quy định.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng nghiên cứu có giải pháp để sớm triển khai các quy định tại Thông tư số 17 liên quan đến việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng tổ chức như: Ban hành quy trình, quy định nội bộ về mở, sử dụng tài khoản thanh toán cho khách hàng là tổ chức theo quy định.

Bên cạnh đó, triển khai áp dụng các biện pháp ngăn chặn các hành vi mạo danh, can thiệp, chỉnh sửa, làm sai lệch việc xác minh thông tin nhận biết khách hàng trong quá trình mở và sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng là tổ chức và các biện pháp đảm bảo việc sử dụng tài khoản thanh toán được thực hiện bởi người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản…

MỞ TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG, CHIẾM ĐOẠT HƠN 70 TỶ ĐỒNG

Ngày 21/8, Công an huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa) cho biết, đơn vị vừa triệt xóa đường dây sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và rửa tiền xuyên quốc gia với số tiền hơn 70 tỷ đồng.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Như Xuân xác định đây là hoạt động của nhóm tội phạm chuyên nghiệp hoạt động trên không gian mạng, sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia với thủ đoạn rất tinh vi.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, để tránh sự phát hiện của cơ quan công an, các đối tượng đã sang Campuchia thuê nhà, đặt máy móc, thuê đường truyền Internet tốc độ cao, mua các tài khoản ngân hàng rác để hoạt động. Tinh vi hơn nữa, các đối tượng đã thuê lại phần mềm gọi điện qua Internet với 12 đầu số khác nhau; thuê phần mềm giả địa chỉ IP để phục vụ hoạt động phạm tội.

Tiếp đó, các đối tượng chạy quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội Facebook giới thiệu, quảng bá dịch vụ mở thẻ ngân hàng, khi người dân có nhu cầu sẽ nhắn tin vào Messenger, từ đây các đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng tư vấn mở thẻ tín dụng.

Quá trình mở thẻ, các đối tượng yêu cầu bị hại cung cấp các thông tin cá nhân (Thẻ Căn cước công dân), đăng ký hạn mức thẻ (thấp nhất là 50 triệu đồng, cao nhất là 500 triệu đồng), bị hại đăng ký hạn mức nào thì bắt buộc phải nộp 20% số tiền hạn mức vào thẻ. Sau đó, các đối tượng sẽ đánh cắp toàn bộ thông tin tài khoản thẻ để thực hiện hoạt động chiếm đoạt sản.

Do số tiền trong tài khoản chỉ rút được bằng thẻ cứng (thẻ nhựa) hoặc chuyển qua thanh toán online. Để thuận tiện, các đối tượng chọn hình thức mua hàng trực tiếp lên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, hoặc các chuỗi cửa hàng Điện máy xanh, Thế giới Di động, FPT Shop… đặt mua hàng online và chủ yếu là các sản phẩm của Apple như: iPhone, iPad, Macbook.

Sau khi mua hàng, các đối tượng yêu cầu bị hại nhập mã OTP để xác nhận đã hoàn thành mở thẻ nhưng thực chất là bọn chúng cướp mã OTP để thực hiện xong việc thanh toán mua hàng. Khi nhập xong mã OTP, các đối tượng móc nối với các nhân viên các trung tâm mua sắm nhận hộ hàng rồi chuyển lại cho các cửa hàng bán lẻ bên ngoài lấy tiền chia nhau.

Đến nay, Công an huyện Như Xuân đã điều tra, làm rõ đường dây trên có hơn 20 đối tượng tham gia, do Ngụy Phan Kiên (sinh năm 1987), ở xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang và Trần Hoàng Minh (sinh năm 1991), ở xã Đồng Việt, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang cầm đầu.

Kết quả điều tra bước đầu xác định từ tháng 4/2024 đến cuối tháng 6 năm 2024, nhóm các đối tượng này đã thực hiện hành vi chiếm đoạt và rửa số tiền hơn 70 tỷ đồng. Công an huyện Như Xuân đã thu giữ 35 máy điện thoại, 1 máy tính, 2 xe ô tô, toàn bộ phần mềm gọi điện lừa đảo của các đối tượng với 12 đầu số điện thoại ảo, hơn 7847 cuộc gọi lừa lấy thông tin để chiếm đoạt tài sản.

Hiện, Công an huyện Như Xuân đã khởi tố 5 bị can liên quan tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và rửa tiền”; tiếp tục truy bắt số đối tượng đang lẩn trốn tại Campuchia.

Minh Hà

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/canh-bao-tinh-trang-mo-su-dung-tai-khoan-thanh-toan-de-lua-dao-tren-khong-gian-mang.htm