Cảnh báo tình trạng can nhiễu từ các thiết bị điện tử ngoài luồng

Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố xuất hiện tình trạng thiết bị điều khiển từ xa của người dân như chìa khóa xe máy, ô tô, cửa cuốn… không thể hoạt động. Nguyên nhân là do thiết bị điện tử trôi nổi, chưa được chứng nhận hợp quy sau một thời gian dài sử dụng phát ra bức xạ mạnh dẫn đến nhiễu sóng (còn gọi là can nhiễu). Do đó, người tiêu dùng cần cẩn trọng khi lựa chọn, lắp đặt các thiết bị sử dụng tần số vô tuyến điện.

Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra thiết bị camera an ninh bày bán tại chợ Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn

Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra thiết bị camera an ninh bày bán tại chợ Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn

Chị Vũ Thị Huyền, chủ cửa hàng quần áo Huyền Vũ, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trước đây, khách hàng ra vào quán tôi vẫn nổ máy xe được bình thường nhưng khoảng từ ngày 10/11, các khách hàng sử dụng xe máy dùng chìa khóa thông minh đều không thể nổ được mà phải dắt bộ xe ra xa cửa hàng khoảng 100m thì mới khởi động được xe. Tình trạng trên diễn ra khoảng 4, 5 ngày liên tiếp, thấy đây là hiện tượng bất thường nên tôi và các hộ dân xung quanh cùng bị như vậy trình báo đến Công an phường Hoàng Văn Thụ.

Chị Huyền chỉ là một trong số nhiều hộ dân bị ảnh hưởng tại khu vực này vào những ngày trung tuần tháng 11/2023. Theo đó, tại đường Minh Khai, thành phố Lạng Sơn có 11 hộ dân gặp phải tình trạng không thể sử dụng các loại chìa khóa điện tử như: chìa khóa xe máy, chìa khóa xe ô tô; chìa khóa cửa cuốn… sau khi nhận được thông tin sự việc xảy ra trên địa bàn phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã phối hợp với Cục Tần số vô tuyến điện Bộ Thông tin và Truyền thông, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao có mặt, xác định nguyên nhân khiến các thiết bị điều khiển từ xa không hoạt động được.

Qua khảo sát của Sở TT&TT, trên địa bàn tỉnh còn có các thiết bị điện tử có nguy cơ xảy ra tình trạng can nhiễu, chính vì vậy, bản thân người sử dụng cần thường xuyên kiểm tra, rà soát tình trạng hoạt động của các thiết bị này. Khi sử dụng các thiết bị điều khiển bằng chìa khóa thông minh bị chập chờn, nghi ngờ là do nhiễu sóng, người sử dụng nên di chuyển đến gần thiết bị để điều khiển hoặc nếu có thể, hãy đưa thiết bị ra xa một đoạn để tránh vùng ảnh hưởng của thiết bị gây nhiễu, thì khi đó, các thiết bị sẽ hoạt động lại bình thường.

Bà Trình Thị Nga, Trưởng Phòng Hạ tầng số, Sở TT&TT cho biết: Qua kiểm tra, chúng tôi xác định nguyên nhân gây can nhiễu là do thiết bị camera của 1 gia đình phát ra bức xạ mạnh khiến cho những thiết bị cùng tần số bị ảnh hưởng. Camera mà hộ dân trên sử dụng là thiết bị không rõ nguồn gốc, không có tem hợp chuẩn, lắp đặt từ năm 2018, lúc đầu sử dụng thiết bị hoạt động bình thường tuy nhiên, đến nay thiết bị phát ra bức xạ mạnh khiến những thiết bị sử dụng tần số vô tuyến điện có cùng tần số bị can nhiễu. Sau khi kiểm tra, chúng tôi đã thu hồi thiết bị, nhờ đó tình trạng can nhiễu đã được giải quyết.

Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đây là lần đầu tiên xuất hiện hiện tượng can nhiễu. Tuy nhiên, ở những địa phương khác trong cả nước hiện tượng thiết bị can nhiễu sóng đã xuất hiện từ nhiều năm trước và hằng năm vẫn có xảy ra nhưng số lượng không nhiều. Thời gian gần đây, tại một số thành phố lớn trong cả nước đã ghi nhận nhiều trường hợp bị nhiễu sóng tương tự. Tìm hiểu được biết, băng tần 433MHz là băng tần dùng chung cho các thiết bị sử dụng tần số vô tuyến điện, miễn giấy phép (theo Thông tư số 08 của Bộ TT&TT). Thông thường, những thiết bị hoạt động trên dải băng tần này như: thiết bị báo cháy, chống trộm, chìa khóa thông minh, camera không dây, điều khiển bơm nước, cửa cuốn, bảng quảng cáo điện tử… sẽ hoạt động theo chu kỳ hoặc khi có tác động, chứ không hoạt động liên tục. Khi thiết bị lỗi sẽ hoạt động liên tục và phát ra bức xạ mạnh hơn bình thường, do đó sẽ gây ra hiện tượng nhiễu sóng cho các thiết bị khác có công suất nhỏ hơn. Các sản phẩm, thiết bị gây nhiễu thường không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hoặc được cải biên lại để sử dụng với mục đích khác chức năng ban đầu.

Xu hướng tự động hóa ngày càng cao, người dân sử dụng các thiết bị thông minh, điều khiển không dây ngày càng phổ biến nếu sử dụng thiết bị trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm định chất lượng rất dễ xảy ra lỗi, từ đó gây can nhiễu cho các thiết bị xung quanh. Sở TT&TT khuyến cáo, người dân cần lựa chọn những sản phẩm, thiết bị sử dụng tần số vô tuyến điện có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chứng nhận hợp quy nhằm tránh xảy ra lỗi; khi nghi ngờ hiện tượng can nhiễu sóng thì chủ động báo cho cơ quan chức năng để kịp thời can thiệp, xử lý.

LƯƠNG THẢO - HOÀNG VƯƠNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/627274-canh-bao-tinh-trang-can-nhieu-tu-cac-thiet-bi-dien-tu-ngoai-luong.html