Cảnh báo tai nạn khi học sinh sử dụng xe đạp điện, xe máy điện vi phạm Luật Giao thông đường bộ

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến việc học sinh sử dụng xe đạp điện, xe máy điện. Việc sử dụng xe đạp điện, xe máy điện làm phương tiện đi lại khi chưa có kỹ năng điều khiển khiến không ít học sinh gặp phải sự cố thương tâm…

Nhiều vụ tai nạn đau lòng

Thời gian gần đây, xe đạp điện, xe máy điện cùng với xe máy dưới 50cc được học sinh từ cấp THCS đến THPT trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk làm phương tiện di chuyển hàng ngày. Tuy nhiên, các em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật về giao thông, chưa có kỹ năng lái xe an toàn nên tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, thậm chí có cả trường hợp sử dụng rượu bia… khi tham gia giao thông còn diễn ra khá phổ biến. Đây cũng chính là những nguyên nhân liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn giao thông trong lứa tuổi học sinh khiến cho nhiều em phải mang thương tật suốt đời, thậm chí tử vong.

Cán bộ CSGT Công an TP Buôn Ma Thuột tiến hành lập biên bản xử lý học sinh vi phạm giao thông.

Cán bộ CSGT Công an TP Buôn Ma Thuột tiến hành lập biên bản xử lý học sinh vi phạm giao thông.

Theo Thượng tá Bùi Trọng Tuấn, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk, chỉ tính riêng từ ngày 1/9/2024 đến 22/10/2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 60 vụ tai nạn giao thông, làm 50 người chết, 37 người bị thương. Trong đó, TNGT liên quan đến lứa tuổi học sinh xảy ra 11 vụ, làm 8 em chết, 8 em bị thương, 21 phương tiện bị hư hỏng.

"Qua những con số cho thấy tình hình tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh đang đến hồi báo động. Những vụ tai nạn không chỉ cướp đi sinh mạng của nhiều em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường mà còn làm cho nhiều em phải mang thương tật suốt đời. Hầu hết nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn hạn chế, không làm chủ tốc độ, không đi đúng phần đường, làn đường, tránh, vượt sai quy định, không nhường đường, không chấp hành biển báo hiệu…", Thượng tá Tuấn nói.

Điển hình như vào khoảng 13h chiều 17/10, em H.L.V.C (SN 2007, trú tại huyện Cư M'gar) điều khiển xe máy 50cc mang BKS 47AB-894.32 chở theo bạn học là em H.M.H. (SN 2008, trú cùng huyện) lưu thông trên Tỉnh lộ 8. Khi cả 2 đi đến Km0+850 thuộc địa bàn buôn Sút Mgrư, xã Cư Suê, huyện Cư M'gar thì đã lao thẳng vào xe ô tô mang BKS 16N-1632 do ông Lê Minh Thuận (SN 1970, trú tại buôn Sút Mgrư, xã Cư Suê) điều khiển, đang đánh lái sang phải để vào nhà. Cú va chạm mạnh khiến em C. tử vong tại chỗ, còn em H. bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu. Nguyên nhân vụ tai nạn được xác định là do em C. điều khiển xe thiếu quan sát, vượt ẩu.

Hay như vào giữa tháng 9/2024, em N.T.H. (SN 2008, trú tại thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk), điều khiển xe máy điện trên đường đi học về do thiếu quan sát khi qua đường đã bị xe bồn chở bê tông gây tai nạn khiến em H. bị nát một chân…

Cần sự chung tay vào cuộc của gia đình và xã hội

Thượng tá Bùi Trọng Tuấn cho biết, nhằm giảm thiểu TNGT liên quan đến lứa tuổi học sinh, ngay từ đầu năm học mới 2024 - 2025, lực lượng CSGT đã bố trí cán bộ đến gần 50 điểm trường trên địa bàn tỉnh phát tờ rơi, trực tiếp tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về giao thông đường bộ, nâng cao ý thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho hơn 20.000 cán bộ, giáo viên, công nhân viên, phụ huynh và học sinh các trường; tổ chức cho các trường học ký cam kết chấp hành quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Thời gian tới, lực lượng CSGT toàn tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho lứa tuổi học sinh; tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nhất là những vi phạm có nguy cơ gây tai nạn giao thông cho học sinh.

Đối với những trường hợp học sinh vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, cơ quan chức năng gửi thông báo về trường để có hình thức xử lý và biện pháp giáo dục phù hợp; xử lý nghiêm các trường hợp phụ huynh đưa, đón học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông tại các tuyến gần khu vực trường học. Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, phát hiện, kiên quyết đình chỉ không cho lưu thông các phương tiện không bảo đảm an toàn dùng để vận chuyển, đưa, đón học sinh.

"Tuy nhiên, để kéo giảm tình trạng TNGT trong lứa tuổi học sinh, một mình lực lượng CSGT là chưa đủ mà cần sự chung tay vào cuộc của gia đình cũng như toàn xã hội. Các nhà trường cần phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh, sinh viên vận động cha, mẹ, người giám hộ thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em tự giác chấp hành quy tắc giao thông, không giao xe máy cho con điều khiển khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra", Thượng tá Tuấn khuyến cáo.

TP Hồ Chí Minh tăng cường xử lý vi phạm giao thông ở lứa tuổi học sinh

Tại TP Hồ Chí Minh, liên tiếp nhiều ngày qua, các tổ công tác của các đội CSGT, thuộc Phòng CSGT Công an TP Hồ Chí Minh thực hiện lập chốt, kiểm tra, xử lý tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ trên địa bàn. Trong thời gian lập chốt, nhiều trường hợp học sinh vi phạm, điều khiển xe máy trên 50 phân khối, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người... đã bị phát hiện, lập biên bản xử phạt.

Ngày 18/10, Đội CSGT Công an TP Thủ Đức tuần tra kiểm soát giao thông trên đường Võ Văn Ngân, phường Linh Chiểu. Quá trình kiểm soát, CSGT đã dừng xe của một học sinh nam, mặc đồng phục của một trường THPT ở TP Thủ Đức để kiểm tra hành chính. Nam sinh tên N.D.K (SN 2008, ngụ TP Thủ Đức), chạy xe điện chở bạn đến trường, song cả 2 đều không đội mũ bảo hiểm. Khi CSGT kiểm tra, K. không xuất trình được giấy đăng ký xe. Với lỗi vi phạm này, nam sinh bị CSGT lập biên bản xử phạt hành chính, tạm giữ phương tiện.

Tổ công tác cũng phát hiện N.V.M.Q (SN 2007) chạy xe máy 50 phân khối đến trường chở một học sinh khác không đội mũ bảo hiểm. Lập tức CSGT cho dừng phương tiện để kiểm tra hành chính. Trong lúc làm việc, Q. nói lúc gần đến trường, bạn có xin đi nhờ nên em chở, không ngờ bị CSGT bắt.

Cùng ngày, Đội CSGT - Trật tự Công an TP Thủ Đức phối hợp Đội CSGT Rạch Chiếc (Phòng CSGT Công an TP Hồ Chí Minh), Công an phường Bình Thọ và Công an phường Liên Chiểu đã kiểm tra một số bãi xe ở trường THPT trên địa bàn.

Tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, CSGT đã kiểm tra khoảng 800 phương tiện, phát hiện 11 trường hợp xe máy trên 50 phân khối. Tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TP Thủ Đức, lực lượng chức năng phát hiện 84 xe mô tô, xe máy điện trên 50 phân khối.

Đáng nói, có nhiều trường hợp học sinh đã nhờ người có giấy phép lái xe vào trường nhận xe hoặc học sinh có giấy phép nhận xe giúp nhưng trước đó CSGT đã mật phục ghi hình nên có đầy đủ chứng cứ để xác định người điều khiển. Theo CSGT Thủ Đức, sau khi kiểm soát, lực lượng đã tạm giữ 54 phương tiện, trong đó có 1 trường hợp nghi sử dụng giấy phép lái xe giả.

Tương tự, sáng 17/10, Đội CSGT - Trật tự Công an quận 12 phối hợp Công an các địa phương đến làm việc với 3 Trường THPT Trường Chinh, THPT Thạnh Lộc và THPT Võ Trường Toản (trên địa bàn quận 12). Tại buổi làm việc, lực lượng CSGT tuyên truyền, kiểm tra "cam kết không tổ chức giữ xe cho học sinh không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông". Lúc 10h cùng ngày, các tổ công tác đồng loạt kiểm tra các bãi giữ xe tại 3 trường THPT nói trên. Thời điểm kiểm tra, các bãi đang trông giữ khoảng 400 xe đạp, xe máy điện, xe máy. CSGT phối hợp nhà trường trích xuất camera, xác minh, kết quả đã lập biên bản, xử lý 1 trường hợp học sinh chạy xe máy trên 50 phân khối (lỗi người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi điều khiển phương tiện trên 50 phân khối) và 2 học sinh chạy xe máy điện (chưa đủ tuổi).

Tương tự, chiều 17/10, Đội CSGT - Trật tự Công an huyện Hóc Môn đến làm việc tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hóc Môn. Tổ công tác kiểm tra bãi giữ xe tại trung tâm nói trên, phát hiện 86 xe có dung tích trên 50 phân khối. Qua xác minh, CSGT đã lập biên bản 86 trường hợp học sinh vi phạm giao thông, qua đó lập biên bản, tạm giữ 86 phương tiện, các lỗi người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển phương tiện trên 50 phân khối.

Bên cạnh việc xử lý học sinh vi phạm, các đơn vị CSGT và Công an quận, huyện đã phối hợp với các nhà trường tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho hàng ngàn học sinh và giáo viên, phát tờ rơi tuyên truyền Luật Giao thông đến các em học sinh. Đồng thời, phối hợp với ban giám hiệu nhà trường ký cam kết trong việc chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ.

Các buổi tuyên truyền đã diễn ra trong không khí sôi nổi và hào hứng. Các em học sinh không chỉ lắng nghe mà còn tích cực đặt câu hỏi và tham gia trả lời, thảo luận. Sự nhiệt tình và hưởng ứng của các em đã tạo nên các buổi tuyên truyền thành công, góp phần nâng cao nhận thức về an toàn giao thông trong cộng đồng học sinh.

Theo Ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh, qua công tác kiểm tra, khảo sát thực tế và thống kê kết quả xử lý của lực lượng CSGT chỉ từ ngày 1/10 đến 15/10 đã phát hiện, xử lý 2.940 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ liên quan đến lứa tuổi học sinh. Trong đó, có 1.995 học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, 945 trường hợp liên quan đến phụ huynh vi phạm giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện, không đội mũ bảo hiểm cho học sinh. (Phú Lữ)

Văn Thành

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/canh-bao-tai-nan-khi-hoc-sinh-su-dung-xe-dap-dien-xe-may-dien-vi-pham-luat-giao-thong-duong-bo-i748482/