Cảnh báo lừa đảo huy động vốn đa cấp qua đầu tư tài chính, tiền ảo, tiền điện tử của Skyway
Thủ đoạn hoạt động của Skyway là chào bán số lượng cổ phiếu theo 15 giai đoạn để huy động vốn, ai cũng có thể mua cổ phiếu của Skyway kể cả trẻ em. Doanh nghiệp này hiện chưa được Bộ Công thương cấp phép kinh doanh đa cấp.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), Công an Phú Yên đã có cảnh báo về tội phạm có dấu hiệu lừa đảo kinh tế bằng hình thức huy động vốn đa cấp trái phép, qua việc mua cổ phiếu, đầu tư tài chính, tiền ảo, tiền điện tử của Skyway.
Theo đó, Skyway được giới thiệu là một tập đoàn thực hiện các dự án công nghệ vận tải trên không, thành lập ở Belarus, hoạt động theo hình thức huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân thông qua hình thức mua các gói cổ phần.
Skyway có trụ sở đặt tại nước ngoài, có văn phòng tại Việt Nam nhưng chưa được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam, từ việc giới thiệu thêm thành viên vào hệ thống, càng giới thiệu được nhiều thành viên sẽ càng nhận được nhiều hoa hồng.
Thủ đoạn hoạt động của Skyway là chào bán số lượng cổ phiếu theo 15 giai đoạn để huy động vốn thực hiện các dự án của mình. Bất kỳ ai cũng có thể mua cổ phiếu của Skyway để trở thành nhà đầu tư, kể cả trẻ em.
Khi muốn tham gia phải có sự giới thiệu của người đầu tư và được cấp 1 tài khoản để đăng nhập trên trang web của tập đoàn này, sau đó chuyển tiền vào hệ thống của Skyway bằng phương thức thanh toán qua thẻ Visa, MasterCard hoặc tiền điện tử như: Bitcoin, ETH, BCH... và nhà đầu tư có thể mua các loại gói cổ phiếu theo quy định của Skyway.
Khi tham gia vào hệ thống, nhà đầu tư được hưởng cổ tức hàng tháng theo số lượng cổ phần sở hữu, ngoài ra được hưởng hoa hồng khi giới thiệu người đầu tư mới tham gia vào hệ thống theo hình kim tự tháp.
Ngoài ra, Skyway còn câu dụ các nhà đầu tư bằng các loại khuyến mãi cổ phiếu 20%, 50% khi mua cổ phần; sau thời gian tối thiểu 3 năm nếu nhà đầu tư không muốn tiếp tục nắm giữ cổ phần thì Skyway cam kết trả lại số tiền gốc và lãi suất 4%/năm.
Trước tình hình lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần thận trọng trước các lời mời đầu tư, huy động vốn với lãi suất cao bất thường so với thị trường.
"Cần chủ động kiểm tra tính pháp lý của công ty trước khi tham gia, bao gồm giấy phép hoạt động và các thông tin liên quan. Tham khảo ý kiến của các chuyên gia uy tín trước khi thực hiện đầu tư bất cứ hình thức nào", Cục An toàn thông tin nêu rõ.
Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.
Thêm nhiều người sập bẫy cho vay ‘tín dụng đen’ trực tuyến
Cũng liên quan hình thức lừa đảo tài chính, thời gian qua, nắm bắt tâm lý nhiều người dân có nhu cầu vay tiền online để phục vụ cuộc sống, các đối tượng đã giả danh cán bộ ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Với quảng cáo thủ tục thuận tiện, giải ngân nhanh trên mạng xã hội, nhiều người đã sập bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Cục An toàn thông tin dẫn nguồn tin từ Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) về vụ lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 400 triệu đồng với thủ đoạn như trên.
Theo đó, vào ngày 2/10/2024, do có nhu cầu vay tiền online chị N (SN 1982, trú tại: Cầu Giấy, Hà Nội) có lên mạng xã hội tìm hiểu và truy cập vào một trang web có thông tin vay tiền ngân hàng.
Chị N nhắn tin vay 150 triệu thì được một đối tượng hướng dẫn khai báo thông tin qua đường link. Khi khai báo xong đối tượng thông báo là khoản vay đã được duyệt nhưng chưa rút được do bị sai tài khoản, muốn sửa lỗi sai đó phải nộp 15 triệu đồng.
Chị N chuyển tiền xong nhưng vẫn không rút được tiền. Lúc này đối tượng tiếp tục đưa ra nhiều lý do khác nữa để chị chuyển tiền thì mới được giải ngân. Tổng số tiền chị đã chuyển là gần 400 triệu đồng. Sau đó, chị N nhận ra mình bị lừa nên đã đến cơ quan Công an trình báo.
Cục An toàn thông tin nêu rõ, thủ đoạn chung của các đối tượng này là mạo danh nhân viên của các công ty tài chính, ngân hàng lớn để tạo lòng tin, sau đó yêu cầu người vay chuyển khoản đặt cọc hoặc trả trước một khoản tiền nhất định.
Những kẻ lừa đảo trực tuyến dẫn dụ người dân bằng cách hứa hẹn khoản vay nhanh, không cần chứng minh tài sản, không kiểm tra tín dụng và thủ tục rất đơn giản.
Tuy nhiên, sau khi đăng ký, họ yêu cầu người vay phải trả trước các khoản phí dịch vụ, phí hồ sơ, nhưng sau đó không giải ngân khoản vay.
Kẻ lừa đảo yêu cầu người dùng tải ứng dụng cho vay tiền trực tuyến giả mạo được phát triển để đánh cắp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, thậm chí thông tin thẻ tín dụng.
Người vay sau khi điền đầy đủ thông tin không nhận được tiền vay mà còn bị mất thông tin quan trọng. Một số dịch vụ cho vay online ban đầu hứa hẹn lãi suất thấp, nhưng khi giải ngân thì các điều khoản thay đổi, lãi suất tăng cao bất ngờ, kèm theo các loại phí phạt vô lý.
Sau khi người vay không thể trả nợ, các đối tượng lừa đảo sẽ đe dọa, khủng bố tinh thần bằng cách gọi điện liên tục, nhắn tin đe dọa, thậm chí bôi nhọ danh dự của người vay trên mạng xã hội.
5 việc cần nhớ để tránh lừa đảo trực tuyến
Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên thận trọng và cảnh giác trước những quảng cáo cho vay tiền không thế chấp tràn lan trên mạng xã hội. Cụ thể, người dân lưu ý những việc sau:
Thứ nhất, chỉ nên vay tiền từ các tổ chức tài chính, ngân hàng có uy tín và đã được cấp phép hoạt động.
Thứ hai, tránh xa các ứng dụng, website cho vay không rõ nguồn gốc hoặc không có thông tin liên hệ rõ ràng.
Thứ ba, trước khi sử dụng bất kỳ dịch vụ cho vay online nào, hãy tìm hiểu kỹ thông tin về công ty, đánh giá từ người dùng khác và kiểm tra trên các trang web chính thống hoặc báo chí để xác minh tính hợp pháp.
Thứ tư, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng lạ.
Thứ năm, không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức nào. Không truy cập vào các đường dẫn lạ. Tuyệt đối không chia sẻ số tài khoản ngân hàng, mã OTP, mật khẩu, hoặc bất kỳ thông tin nhạy cảm nào.
Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.