'Canh bạc' khó thua của Thổ Nhĩ Kỳ và Israel
Dù hòa bình chưa được lập lại tại Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã nhìn thấy những lợi ích sau hơn một tháng làm 'cầu nối' giữa Moscow và Kyiv.
Trong số các nước bày tỏ mong muốn đóng vai trò trung gian, hòa giải để chấm dứt xung đột ở Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel là hai quốc gia tỏ ra hăng hái nhất - và thể hiện vai trò lớn nhất.
Thủ tướng Israel Naftali Bennett đích thân tới Moscow ngày 5/3 để hội đàm trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Các quan chức Israel, bao gồm cả ông Bennett, cũng thường xuyên có các cuộc điện đàm với những người đồng cấp của Nga và Ukraine.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ là nước chủ nhà cho nhiều cuộc gặp quan trọng giữa giới chức Moscow và Kyiv, bao gồm cuộc hội đàm giữa hai ngoại trưởng Nga - Ukraine ngày 10/3 hay cuộc đàm phán hôm 29/3, khi Ukraine đưa ra bản đề xuất trung lập.
Dù chưa thể lập lại hòa bình, nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã đem lại nhiều lợi ích cho hai quốc gia này, cả về vị thế lẫn chiến lược. Trong khi đó, do kỳ vọng không cao, kể cả khi hòa đàm thất bại, hai nước cũng ít có khả năng chịu tác động tiêu cực.
Quốc gia tích cực nhất
Trong những tuần qua, Thổ Nhĩ Kỳ dường như là quốc gia thể hiện vai trò lớn nhất trong việc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine, đặc biệt là sau cuộc đàm phán hôm 29/3. Dù vậy, các chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nhận định vai trò của nước này chưa phải là “trung gian” về bản chất.
“Thổ Nhĩ Kỳ trên thực tế đang thúc đẩy đối thoại, chưa phải làm trung gian giữa Nga và Ukraine”, ông Ozgur Unluhisarcikli, Giám đốc Văn phòng Ankara của Quỹ German Marshall (GMF), chia sẻ với Zing.
Đồng quan điểm, ông Howard Eissenstat, phó giáo sư về lịch sử Trung Đông hiện đại tại Đại học St. Lawrence, Mỹ, chỉ ra Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là nước chủ nhà cho các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. “Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một bên tham gia các cuộc đàm phán này”, ông nhận định.
Việc không trực tiếp tham gia đàm phán có thể đem lại cho Ankara nhiều lợi thế: Nước này sẽ ít có khả năng bị chỉ trích nếu hòa đàm thất bại.
“Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là xuất hiện với tư cách một chủ thể quan trọng mà không cần cam kết mạnh mẽ với bất cứ bên nào. Đây là chiến lược trả giá thấp và nguy cơ thấp, miễn là có thể duy trì”, phó giáo sư Eissenstat nhận định.
Trong khi đó, ông Unluhisarcikli chỉ ra dù Ankara không bị ảnh hưởng nếu các cuộc đàm phán không có kết quả, họ lại hưởng lợi nếu chúng thành công. “Nếu các bên đạt được giải pháp qua các cuộc đàm phán này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hưởng lợi về mặt vị thế”, ông nói.
Thổ Nhĩ Kỳ còn có lý do khác để mong đàm phán thành công. Chiến sự tại Ukraine đang gây tổn hại tới nền kinh tế của quốc gia Tây Á này, vì Ankara có mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế với cả Nga và Ukraine.
Tiến sĩ Pinar Tank, nghiên cứu viên cao cấp về Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo, Na Uy, cho biết các doanh nghiệp xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều lợi ích ở Nga, trong khi khách du lịch Nga mang đến nguồn thu đáng kể cho nền kinh tế nước này.
“Xét đến Ukraine, hiệp định thương mại tự do ‘sinh lời’ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và nước này, cũng như kế hoạch xây dựng một cơ sở sản xuất máy bay không người lái tại Ukraine, đang phải tạm hoãn vì chiến sự tiếp diễn”, Bà Tank nói.
Lợi ích đối ngoại và nội bộ
Theo tiến sĩ Tank, kể từ thập niên trước, Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách chứng tỏ bản thân là một “người hòa giải” trên trường quốc tế, thay vì chỉ là “cầu nối giữa phương Đông và phương Tây”. Ankara cũng từng tham gia nhiều cuộc đàm phán hòa bình ở khu vực Trung Đông - châu Phi.
“Việc Thổ Nhĩ Kỳ - chứ không phải một nước châu Âu nào khác - thành công trong việc đảm nhận vai trò trung gian là một niềm tự hào”, bà cho biết.
Theo ông Unluhisarcikli, các cuộc đàm phán hòa bình tăng cường vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trên mặt trận ngoại giao. “Điều này trái ngược với hình ảnh về một nước Thổ Nhĩ Kỳ gần như bị ‘cô lập’ về ngoại giao cho đến thời gian gần đây”, ông nói.
Trong khi đó, ông Eissenstat chỉ ra hai lợi ích khác: Ngăn chặn những lời chỉ trích về việc Thổ Nhĩ Kỳ làm không đủ để bảo vệ Ukraine, cũng như tỏ ra là một cường quốc chủ động, độc lập khỏi liên minh NATO.
Theo tiến sĩ Tank, đối nội cũng là một trong những nhân tố thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ hành động.
“Nỗ lực trung gian của đảng AKP cầm quyền giúp kéo sự chú ý khỏi các vấn đề nội bộ và nền kinh tế có tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục”, bà cho biết.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 31/3 tuyên bố sẵn sàng đóng vai trò nước đảm bảo an ninh cho Ukraine “về nguyên tắc”. Các chuyên gia chỉ ra quyết định này đem lại một số lợi ích, nhưng không phải hoàn toàn không có rủi ro.
“Điều này sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ định vị là cường quốc khu vực, trong khi cho nước này ‘đòn bẩy’ trước Nga. Quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Ukraine quan trọng vì Ukraine có thể là đối trọng với Nga trong dài hạn, hạn chế ảnh hưởng của Nga ở Biển Đen”, bà Tank nói.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng Ankara cần đảm bảo vị thế trung lập, cũng như ít có khả năng cử quân tham gia chiến đấu.
“Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng chấp nhận vị thế bảo trợ cùng một nhóm nước mạnh. Dù vậy, nước này ít có khả năng chấp nhận nếu một mình họ phải gánh chịu nguy cơ lớn”, ông Unluhisarcikli nói.
Israel nâng cao vị thế
Bên cạnh Thổ Nhĩ Kỳ, Israel cũng là quốc gia thể hiện vai trò rõ nét từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng đề xuất thành phố Jerusalem là địa điểm tổ chức cuộc hội đàm giữa ông và người đồng cấp Nga Putin.
Ông Shalom Lipner, chuyên gia về Trung Đông tại viện nghiên cứu Atlantic Council, chỉ ra Thủ tướng Israel Naftali Bennett nhận làm trung gian giữa Ukraine và Nga với lời đề nghị cá nhân của ông Zelensky và sự đồng thuận của ông Putin.
“Với việc đảm nhận thách thức này, ông Bennet không chỉ có khả năng đóng góp mang tính cá nhân vào các nỗ lực chấm dứt đổ máu, mà còn nâng cao vị thế của Israel trên trường quốc tế”, ông Lipner nói với Zing.
Chuyên gia này cũng chỉ ra động thái của ông Bennett tạo không gian để Israel có thể giữ trạng thái cân bằng được tính toán kỹ lưỡng giữa Kyiv, các đồng minh phương Tây và Moscow.
Theo ông Lipner, do kỳ vọng về khả năng hòa giải thành công của ông Bennett là không cao, thủ tướng Israel ít có nguy cơ chịu thiệt. “Điều này sẽ vẫn đúng chừng nào ông tiếp tục phối hợp - và nhận được sự ủng hộ - từ các bạn bè của Israel trong NATO (đặc biệt là Mỹ) trong các nỗ lực này”, ông Lipner nói.
Chuyến thăm của ông Bennett tới Moscow đầu tháng 3 được điều phối chặt chẽ với các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, Pháp và Đức. Thủ tướng Israel đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước chuyến thăm tới Moscow để nghe thông tin về cuộc đối thoại giữa ông Macron và ông Putin.
Sau chuyến thăm, ông lập tức di chuyển tới Berlin để trao đổi với người đồng cấp Đức Olaf Scholz, cũng như có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Zelensky.
Dù vậy, nếu phương Tây mất kiên nhẫn, Israel có thể bị phản ứng nếu tiếp tục chính sách cũ và không quay lưng với Nga, vị chuyên gia cho biết.
Ông Lipner không tỏ ra lạc quan trước triển vọng Israel trở thành một bên bảo đảm an ninh cho Ukraine sau khi hòa bình được lập lại. Theo ông, dù là một cường quốc khu vực ở Trung Đông, Israel không đủ vị thế với một cam kết lớn như vậy.
“(Vai trò này) phù hợp hơn với các quốc gia có khả năng buộc Nga chịu trách nhiệm với thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine”, ông nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/canh-bac-kho-thua-cua-tho-nhi-ky-va-israel-post1307653.html