Cần xử lý nghiêm hành vi tung tin giả để trục lợi
ĐBP - Những ngày gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin kêu gọi phật tử trong và ngoài nước ủng hộ để sửa chữa một ngôi chùa vừa 'bị đập phá tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên'. Đáng chú ý, đây là thông tin thất thiệt nhằm mục đích xấu, khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Những hình ảnh về “một ngôi chùa bị đập phá” được đăng tải trên mạng xã hội, nhằm mục đích kêu gọi ủng hộ.
Thông tin về “một ngôi chùa ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên bị đập phá tan tành” được một số người chia sẻ trên các nhóm facebook cùng với lời kêu gọi sự ủng hộ của các phật tử trong và ngoài nước là thông tin không chính xác. Tuy nhiên, thông tin này đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là người dân và các phật tử ở tỉnh Điện Biên.
Bài viết được chia sẻ có nội dung: "Chùa Phúc Thọ, Mường Nhé, Điện Biên bị hai thanh niên nghiện ngập vào đập phá toàn bộ tượng thờ của chùa...". Nhằm lôi kéo, tạo sự đồng thuận của người đọc, bài viết trên trang facebook này còn tiếp tục thông tin: "Bọn chúng cướp hết hòm công đức và đập phá hết tượng phật, đập phá vườn hoa và nhà chùa tan tành. Rất may là sư thầy và trụ trì chạy thoát...".
Thông tin các hạng mục bị thiệt hại sau đó cũng được quy ra số tiền và kêu gọi sự chung tay ủng hộ. Cuối bài viết là thông tin số tài khoản ngân hàng, người hưởng thụ.
Khi tìm hiểu, chúng tôi được biết, bài viết đầu tiên được cho là xuất phát từ trang facebook có tên là "Hội quán A Di Đà ". Đây là trang mới được lập và có rất ít lượt tương tác. Tuy nhiên, sau đó bài viết này lại được chia sẻ lên nhiều hội, nhóm khác để thu hút người đọc.
Theo ghi nhận từ những thông tin được chia sẻ, rất nhiều người tin đây là sự việc có thật và bày tỏ sự cảm thông, đau xót, bức xúc trước sự việc. Tuy nhiên, cũng có nhiều người dùng mạng xã hội cho rằng đây là thông tin giả mạo nhằm mục đích lừa đảo. Một người dùng facebook bày tỏ: "Nếu là người Điện Biên, thì ai cũng biết là trên địa bàn huyện Mường Nhé không có một ngôi chùa nào. Thế nhưng, người ở địa phương khác thì có thể sẽ không biết thông tin này là bịa đặt...".
Nội dung sai sự thật, có tính chất kêu gọi ủng hộ xuất hiện trên mạng xã hội, khiến dư luận bức xúc.
Để làm rõ tính xác thực của thông tin trên, sáng 19/7, ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (nơi được cho là có ngôi chùa bị phá), khẳng định với phóng viên: "Địa phương đã nắm được nội dung này và đây là thông tin hoàn toàn giả mạo được tạo ra nhằm mục đích xấu. Hiện chúng tôi đã yêu cầu cơ quan công an và các đơn vị liên quan khẩn trương xác minh, làm rõ và có biện pháp xử lý…".
Nói thêm về nội dung này, ông Nguyễn Quang Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé cho rằng, đây là thông tin sai sự thật và rất nguy hiểm, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và công tác tôn giáo tại địa bàn biên giới. Ông Hưng cũng khẳng định, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Mường Nhé chưa có bất kỳ một ngôi chùa nào và các thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội là hoàn toàn không chính xác. Huyện ủy cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan xác minh cụ thể để có ý kiến với Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Nhằm làm rõ hơn về thông tin này, chúng tôi đã liên lạc với ông Lê Văn Sinh, Chánh Văn phòng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Điện Biên. Ông Sinh cho biết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Điện Biên đã nắm được nội dung và khẳng định đây là thông tin hoàn toàn không chính xác. "Hiện chúng tôi đã báo cáo lên Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Điện Biên và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam về sự việc này" - ông Sinh thông tin thêm.
Trước sự việc trên, cơ quan chức năng huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cần sớm vào cuộc điều tra làm rõ và xử lý nghiêm tập thể, cá nhân có hành vi tung tin thất thiệt. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác cho người dân trước các luận điệu xuyên tạc, nhằm ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và công tác tôn giáo tại địa phương.