Cẩn trọng với cuộc gọi lừa đảo cài đặt VNeID

Núp bóng chuyển đổi số, nhiều đối tượng mạo danh cán bộ địa phương, lừa người dân cài ứng dụng VNeID giả mạo để đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tài sản.

Người dân cần chú ý tải VNeID từ các nguồn chính thống, với tên nhà phát triển là Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư. Ảnh: X.Ngọc.

Người dân cần chú ý tải VNeID từ các nguồn chính thống, với tên nhà phát triển là Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư. Ảnh: X.Ngọc.

Theo thông tin từ Bộ Công an, từ ngày 1/7, Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh chính thức có hiệu lực. Theo đó, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố. Lợi dụng tình hình trên, các đối tượng lừa đảo đã mạo danh các cơ quan quản lý nhà nước như: Cảnh sát khu vực, cán bộ phụ trách hộ tịch của xã/phường mới, gọi điện hướng dẫn người dân truy cập đường dẫn hoặc cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo có chứa mã độc nhằm chiếm quyền điều khiển điện thoại, qua đó chiếm đoạt tài sản của người dân.

Theo Bộ Công an, các đối tượng lừa đảo thường dùng thủ đoạn, gọi điện bằng thuê bao di động thông thường hoặc tổng đài ảo, giả mạo danh nghĩa cơ quan, tổ chức giới thiệu là cán bộ Ủy ban xã/phường, Cảnh sát khu vực… thông báo về việc thay đổi bộ máy hành chính, đề nghị người dân cập nhật thông tin mới. Các đối tượng đã thu thập thông tin cá nhân của người dân từ trước và đưa ra để tạo niềm tin trước khi yêu cầu thực hiện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Khi người dân không còn nghi ngờ, các đối tượng yêu cầu truy cập vào đường dẫn hoặc cài đặt ứng dụng VNeID, dịch vụ công giả mạo có chứa mã độc. Sau khi người dân đã truy cập hoặc cài đặt ứng dụng, các đối tượng sẽ chiếm quyền điều khiển thiết bị, tiếp tục dẫn dụ người dân làm theo hướng dẫn để tìm cách lấy mã OTP tài khoản ngân hàng hoặc dụ người dân nhìn vào điện thoại nhằm lấy dữ liệu sinh trắc học, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân.

Trước thực trạng trên, Bộ Công an cảnh báo người dân tuyệt đối không làm theo yêu cầu qua điện thoại của các đối tượng gọi điện tự xưng là cán bộ xã/phường, cảnh sát khu vực… Nếu cần cập nhật thông tin phải ra trực tiếp Công an xã/phường nơi mình sinh sống. Trường hợp người dân đã truy cập đường dẫn hoặc cài ứng dụng chứa mã độc, ngay lập tức liên hệ với ngân hàng để khóa tài khoản và tắt nguồn điện thoại, không để các đối tượng có cơ hội lấy được mã OTP ngân hàng hoặc dữ liệu sinh trắc học. Nhanh chóng trình báo đến cơ quan Công an nơi gần nhất khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Bộ Công an lưu ý, ứng dụng VNeID được phát triển bởi Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư, có thể tìm kiếm và tải về từ CH Play (đối với Android) hoặc App Store (đối với iOS), đều được dán nhãn là ứng dụng Chính phủ hoặc được phát triển bởi cơ quan nhà nước. Người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin các ứng dụng trước khi tải.

Theo chuyên gia pháp lý, thủ đoạn lừa người dân cài ứng dụng VNeID giả mạo rồi chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn không mới, nhưng nhiều người vẫn bị lừa bởi đối tượng lừa đảo đánh trúng vào tâm lý cả tin, sợ rắc rối của người dân, đặc biệt là người lớn tuổi, ít am hiểu công nghệ hoặc sinh sống tại các địa phương vừa sáp nhập hành chính.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Ngọc Hoàng - Trưởng văn phòng Luật sư Long Tâm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định: Hành vi giả mạo cán bộ nhà nước để lừa người dân cài ứng dụng giả mạo nhằm chiếm đoạt thông tin cá nhân và tiền trong tài khoản có thể bị xử lý với nhiều tội danh khác nhau theo Bộ luật Hình sự.

Trước hết, nếu sử dụng phần mềm độc hại để chiếm quyền kiểm soát thiết bị, thu thập trái phép dữ liệu cá nhân, hành vi này có thể bị truy cứu theo Điều 288 hoặc Điều 289 về các tội xâm phạm an toàn thông tin mạng và phát tán, sử dụng mã độc. Trường hợp dùng thông tin thu thập được để rút tiền, chiếm đoạt tài sản qua ngân hàng điện tử, có thể bị xử lý theo Điều 290, tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản”, với khung hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù nếu phạm tội có tổ chức, chuyên nghiệp, hoặc chiếm đoạt tài sản lớn.

Đặc biệt, trong các trường hợp hành vi gian dối khiến người bị hại tin tưởng và tự cung cấp thông tin, từ đó bị chiếm đoạt tài sản, đối tượng có thể bị xử lý thêm về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174. Với giá trị chiếm đoạt tiền từ 2 triệu đồng trở lên, người phạm tội có thể đối mặt mức án từ 6 tháng tù đến tù chung thân, tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả gây ra.

Đức Sơn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/can-trong-voi-cuoc-goi-lua-dao-cai-dat-vneid-10309730.html