Cẩn trọng trước thương tích rách vòm miệng ở trẻ em

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 (thành phố Hồ Chí Minh) đã lên tiếng cảnh báo về việc thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận, điều trị cho nhiều em nhỏ bị rách vòm miệng (khẩu cái cứng, khẩu cái mềm) do bị vật nhọn đâm phải.

Vị trí khẩu cái cứng, khẩu cái mềm trong cấu trúc miệng.

Thời gian qua, Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 1 liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp rách khẩu cái cứng hoặc khẩu cái mềm (khẩu cái cứng là vách ngăn giữa khoang miệng và khoang mũi, khẩu cái mềm là mô mềm cấu thành phía sau vòm miệng) ở trẻ em. Người nhà đưa trẻ vào cấp cứu trong tình trạng rất lo lắng, không biết phải xử trí ban đầu thế nào.

Bác sĩ chuyên khoa I Hồ Vân Phụng, Phó Trưởng khoa Răng - Hàm - Mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, tai nạn thường xảy ra khi trẻ vừa chơi, vừa ngậm những đồ dùng cứng như đũa, ống hút, bút, thanh kim loại hoặc que gỗ..., gây ra vết thương ở nhiều vị trí như rách môi, rách má, rách lưỡi... Thường gặp nhất là rách vòm miệng, nặng hơn có thể đâm thủng thành sau họng.

“Một số trường hợp trẻ dùng ống hút trà sữa bằng nhựa cứng hay ống hút inox, vừa đi vừa uống không may bị vấp ngã, ống hút đâm vào họng làm rách niêm mạc vòm miệng”, bác sĩ Hồ Vân Phụng thông tin.

Về xử lý vết thương dạng này, các bác sĩ khuyến cáo, khi rách khoang miệng, máu chảy rất nhiều, vết thương nằm chỗ khuất, khó quan sát. Các bậc phụ huynh cần hết sức bình tĩnh, trấn an bé, sau đó dùng bông hoặc gạc làm sạch vùng miệng một cách nhanh nhất, xác định vùng nào đang chảy máu trong miệng, rồi cho trẻ cắn gạc ấn vào vùng chảy máu nhằm giảm lượng máu chảy ra từ vết thương. Sau đó, nhanh chóng đưa trẻ đến khám tại bệnh viện hoặc trung tâm cấp cứu gần nhất để bác sĩ xử trí khâu vết thương cho trẻ.

Để phòng, chống thương tích dạng này, các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên cho trẻ dùng ống hút bằng kim loại hoặc bằng nhựa cứng, nên thay bằng ống hút giấy an toàn hơn cho trẻ. Khi ăn uống, trẻ nên ngồi một chỗ, không đi lại, chạy nhảy đùa giỡn, tránh vấp ngã khi đang cầm một vật cứng. Trẻ nhỏ rất hiếu động, hạn chế cho trẻ cầm và chơi những đồ chơi cứng, dạng thanh que. Nếu phát hiện, người nhà nên nhắc nhở trẻ, đồng thời giải thích để trẻ hiểu lý do.

Thu Hoài

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suc-khoe/1021704/can-trong-truoc-thuong-tich-rach-vom-mieng-o-tre-em