Cần tiếp tục nâng chất lượng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Chiều 01/8, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Long An do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh – Nguyễn Thanh Hải làm trưởng đoàn tổ chức giám sát đối với UBND tỉnh về triển khai các nghị quyết của Quốc hội trong thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Tấn Hòa, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2021-2025, thực hiện các Chương trình MTQG, tỉnh được Trung ương phân bổ trên 897 tỉ đồng và ngân sách địa phương đối ứng 1.380 tỉ đồng. Sau 2 năm triển khai thực hiện, các Chương trình MTQG đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trong đó, công tác lãnh, chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG được các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ; kịp thời ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý để thực hiện các chương trình. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và các Ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã thực hiện các chương trình, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo, tạo sự thống nhất và phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện.
Đối với Chương trình MTQG xây dựng NTM, tỉnh bám sát mục tiêu, nội dung chương trình, tập trung lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, với cách làm chủ động, sáng tạo, hiệu quả; gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng NTM; tiến hành xây dựng NTM đồng bộ cả quy mô cấp huyện, xã, ở các cấp độ NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.
Tính đến ngày 30/6/2023, toàn tỉnh có 121/161 xã đạt chuẩn NTM, có 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Cấp huyện có 4/15 đơn vị đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM gồm huyện Châu Thành, huyện Tân Trụ, TP.Tân An và thị xã Kiến Tường. Dự kiến cuối năm 2023, huyện Cần Đước về đích huyện NTM và huyện Châu Thành đạt chuẩn NTM nâng cao.
Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững, quá trình thực hiện bảo đảm công khai, minh bạch từ việc xác định đối tượng hỗ trợ đến việc phân bổ vốn và kiểm tra, giám sát của từng cơ quan, đơn vị. Việc triển khai các dự án thành phần, tiểu dự án của chương trình tạo điều kiện hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều Quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Qua kết quả rà soát, số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh đều giảm qua từng năm. Năm 2021, số hộ nghèo của tỉnh còn 1,31%, đến năm 2022 còn 0,99% và trong 6 tháng đầu năm 2023 còn 0,97%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra dưới 3%.
Bên cạnh kết quả đạt được, UBND tỉnh cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện các Chương trình MTQG còn gặp một số khó khăn do nguồn vốn phân bổ thực hiện các chương trình còn chậm, việc phân bổ nguồn vốn đến cấp xã nhỏ, lẻ không bảo đảm thực hiện được các công trình có quy mô lớn làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Ngoài ra, trong thực hiện, thực tế vẫn còn vướng mắc về cơ chế, chính sách nhất là thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững.
Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh – Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao những nỗ lực của UBND tỉnh và các sở, ngành trong việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh – Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại buổi giám sát
Ông đề nghị, UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo, rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG các cấp, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các cơ quan, đơn vị, sở, ngành trong tổ chức triển khai các chương trình. Đồng thời, UBND tỉnh tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương còn vướng mắc để có kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Riêng những kiến nghị của UBND tỉnh, đoàn sẽ tổng hợp để báo cáo với Quốc hội sau giám sát./.