Cần thay đổi để vực dậy

Trận thua Indonesia vào tối 26-3 là thất bại thứ ba liên tiếp của Đội tuyển Bóng đá quốc gia Việt Nam (gọi tắt là Đội tuyển Việt Nam) trước đội tuyển cùng khu vực trong ba tháng vừa qua; cùng với kết quả không mấy thành công ở các giải đấu buộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phải thỏa thuận với ông Philippe Troussier rời ghế huấn luyện viên (HLV) trưởng.

Vấn đề trên đã đặt ra việc quan trọng nhất hiện nay chính là những giải pháp của VFF để vực dậy tinh thần và chuyên môn của Đội tuyển Việt Nam; đồng thời, cũng đừng lãng phí niềm tin của người hâm mộ

ĐỪNG ĐỂ QUAY LẠI THỜI KỲ KHỦNG HOẢNG

HLV Troussier rời đi là lẽ tất yếu sau màn trình diễn có thể nói là thảm họa khi Đội tuyển Việt Nam lần lượt bị loại ở các mục tiêu lớn. Một giai đoạn chỉ kéo dài 1 năm nhưng sẽ là cột mốc để so sánh trong suốt nhiều năm sau này.

Đội tuyển Việt Nam tính từ năm 1991 đến nay đã có 29 lần thay đổi HLV trưởng theo từng giai đoạn. Trong đó, giai đoạn thành công ở kỷ nguyên mới đầu tiên nhờ công của HLV Calisto với chức Vô địch AFF Cup năm 2008. Phải mất đến 10 năm sau, Đội tuyển Việt Nam mới trở lại vinh quang trong giai đoạn được cho là thành công nhất của bóng đá Việt Nam từ trước đến nay dưới thời HLV Park Hang-seo với 1 chức Vô địch AFF Cup và 2 Huy chương Vàng SEA Games.

Đội tuyển Việt Nam đang cần nguồn năng lượng mới nhưng không được nóng vội. Ảnh: Vietnamnet.vn

Khoảng thời gian giữa hai giai đoạn thành công này có thể nói là giai đoạn khủng hoảng của bóng đá Việt Nam ở đấu trường quốc tế. HLV Calisto rời ghế HLV trưởng vào năm 2008 khi ông cho rằng đã không còn cảm thấy hạnh phúc ở Đội tuyển Việt Nam. Đây là một cột mốc đánh dấu cho quá trình đi xuống gần như không thể kiểm soát của bóng đá Việt Nam.

Sau thời HLV Calisto cho đến năm 2017, Đội tuyển Việt Nam đã có thêm 7 HLV nữa giữ chiếc ghế nóng (chưa kể đến 2 lần tạm quyền của HLV Mai Đức Chung và 1 lần tạm quyền của HLV Nguyễn Văn Sỹ trong thời gian chờ bổ nhiệm HLV mới).

Điều đó đồng nghĩa với 7 triết lý bóng đá đã được áp dụng vào Đội tuyển Việt trong khoảng 9 năm trong giai đoạn chuyển tiếp từ thế hệ Công Vinh sang thế hệ Quang Hải như thời điểm hiện tại. Giai đoạn đó, Đội tuyển Việt Nam đã áp dụng nhiều cách như kết hợp với triết lý của bóng đá Đức, Nhật Bản và cả sử dụng HLV “nội” nhưng cũng chỉ đem về sự thất vọng.

Khi đến chúc mừng cán bộ, công chức Cục Thể dục Thể thao nhân 78 năm truyền thống của ngành vào sáng 27-3, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tiết lộ, sau trận Đội tuyển Việt Nam thua Indonesia 0-3, rất nhiều người hâm mộ đã nhắn tin cho ông.

Điều đó chứng tỏ sự quan tâm của người dân dành cho bóng đá Việt Nam nói riêng và thể thao nước nhà nói chung là rất lớn. Buồn đấy nhưng vẫn yêu đấy, đông đảo cổ động viên đang ngóng trông VFF sẽ tìm ra được một “thuyền trưởng” phù hợp với bóng đá Việt Nam, để đưa “những chiến binh sao vàng” lập nên những chiến công làm nức lòng người hâm mộ.

Trong đó, HLV Hữu Thắng của Đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam năm 2017 đã chịu nhiều áp lực nhất khi cựu HLV Sông Lam Nghệ An thất bại liên tiếp và cao trào là bị loại ở vòng bảng SEA Games cũng ở năm này, dẫn đến quyết định từ chức. Cho đến khi HLV Park Hang-seo tiếp quản ghế nóng và lèo lái Đội tuyển Việt Nam cũng như U23 Việt Nam thành công tại các giải đấu châu lục thì niềm tin nơi người hâm mộ mới bắt đầu quay trở lại.

Hoàn cảnh của Đội tuyển Việt Nam hiện tại cũng không quá khác biệt và khá nhạy cảm như giai đoạn sau khi HLV Calisto từ chức. Việc lựa chọn HLV thay thế HLV Park Hang-seo đã thất bại sau một năm với “triều đại” của HLV Troussier.

Hiện tại, phong độ của Đội tuyển Việt Nam đang rất thấp và niềm tin nơi người hâm mộ có thể cũng đã gần mức tối thiểu dành cho đội tuyển. Việc là làm sao để tìm ra người có thể phù hợp và tiếp nối những thế mạnh của HLV đi trước; đồng thời, khắc phục những hạn chế không phải là chuyện một sớm một chiều.

Ngoài việc lựa chọn HLV thì việc tạo ra một thế hệ cầu thủ có chất lượng đảm bảo tiếp nối được các đàn anh cũng rất quan trọng. Có thể thấy rằng, Đội tuyển Việt Nam sau lứa Công Phượng, Quang Hải (dù các cầu thủ này vẫn đang tuổi có thể thi đấu tốt) vẫn chưa có cầu thủ nào thực sự nổi bật có thể bứt lên để lĩnh xướng các tuyến.

Dù một số cầu thủ trẻ từ đội U23, U19 được đôn lên thi đấu trong màu áo đội tuyển dưới thời HLV Troussier nhưng cũng chỉ dừng lại ở khoảnh khắc trận đấu như Đình Bắc, Văn Khang hay như Tuấn Hải dù chơi tốt ở cấp câu lạc bộ nhưng lại chưa cho thấy sức ảnh hưởng ở đội tuyển quốc gia.

Mỗi đội tuyển bóng đá quốc gia đều có lúc thịnh, lúc suy, nhưng nhìn vào hiện tại thì bóng đá Việt Nam dường như “đang rơi” nếu như không muốn nói là “rơi tự do”. Không phải ai cũng chấp nhận thực tế đáng buồn này, trong đó rõ ràng có VFF, đơn vị có trách nhiệm trực tiếp. Đã 6 năm trôi qua kể từ chức vô địch AFF gần nhất, Đội tuyển Việt Nam hiện tại vẫn đang loay hoay để giải bài toán quay lại với đỉnh cao.

Ðể gầy dựng lại Đội tuyển Việt Nam cần có thời gian. Ðầu tư cho bóng đá chuyên nghiệp ngoài yếu tố đi tắt là nhập tịch cầu thủ thì đòi hỏi phải có quá trình với nhiều yếu tố tổng hợp và khá tốn kém. Trong đó có việc lựa chọn HLV có triết lý phù hợp rất quan trọng nhưng không thể nóng vội. Mặt khác, Đội tuyển Việt Nam hiện tại không chỉ cần thầy giỏi mà còn cần có được sự lần lượt bổ sung chất lượng có thể thích ứng với những thay đổi và triết lý mới.

Bên cạnh đó cũng cần nhìn nhận vai trò và trách nhiệm của VFF khi để xảy ra tình trạng hiện tại của Đội tuyển Việt Nam. Việc nhanh chóng chấm dứt hợp đồng với HLV Philippe Troussier cũng chỉ xoa dịu dư luận và khiến mọi người cho rằng thành tích kém cỏi của đội tuyển là do cá nhân ông. Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan hơn, để vận hành cỗ máy Đội tuyển Việt Nam một cách hiệu quả, chỉ đổ cho trách nhiệm cá nhân HLV là chưa đủ.

Với việc thua Indonesia cả hai trận trong khuôn khổ vòng loại thứ hai World Cup 2026 khu vực châu Á, Đội tuyển Việt Nam hầu như không còn cơ hội đi tiếp và sẽ phải dự vòng đấu loại cho Giải Vô địch Bóng đá châu Á (Asian Cup), như vậy coi như phải làm lại từ đầu. Ở các trận đấu sắp tới, khi đội tuyển nước ta đã không còn mục tiêu giành điểm thì đó sẽ là cơ hội tốt để các cầu thủ trẻ được thử sức.

Song, điều đó cần sự đồng thuận và có kế hoạch dài hạn từ các cơ quan quản lý thể thao và VFF. Đồng thời, với Đội tuyển Việt Nam ở giai đoạn chuyển giao hiện tại, trước hết cần gắn kết các cầu thủ và động viên tinh thần thi đấu của họ.

Và thực tế cũng cho thấy, các nước có nền bóng đá mạnh hơn Việt Nam đã có guồng máy hoạt động được xác định là rất hiệu quả và tích cực thì đòi hỏi những người làm bóng đá Việt Nam phải nỗ lực gấp bội mới lấp được khoảng trống này.

ĐỪNG LÃNG PHÍ NIỀM TIN CỦA NGƯỜI HÂM MỘ

Sau một năm dẫn dắt Đội tuyển U23 và Đội tuyển Việt Nam, HLV Philippe Troussier để lại nhiều tiếc nuối và thất vọng. Không phủ nhận ông Philippe Troussier là nhà cầm quân nổi tiếng, từng gắn với thành công nổi bật cùng Đội tuyển Nhật Bản.

Tuy nhiên, kể từ lúc gắn bó với bóng đá Việt Nam, “phù thủy trắng” đã “hết phép” khi liên tục có những quyết định sử dụng nhân sự, chiến thuật khó hiểu. Từ một đội bóng giàu tham vọng hướng tới tấm vé dự World Cup, Đội tuyển Việt Nam thua liên tục trong các trận giao hữu và giải đấu chính thức.

Một pha “thủng lưới” của Đội tuyển Việt Nam trong trận thua Indonesia 0-3 vào tối 26-3 trên sân Mỹ Đình. Ảnh: nhandan.vn

Sau thất bại 0-3 trước Indonesia trên sân nhà, VFF và ông Philippe Troussier gửi lời xin lỗi tới người hâm mộ vì thành tích của Đội tuyển Việt Nam trong thời gian qua chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra. VFF mong người hâm mộ sẽ tiếp tục đặt niềm tin, ủng hộ bóng đá Việt Nam và các đội tuyển bóng đá quốc gia.

Việc VFF nhanh chóng đạt được thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với HLV Philippe Troussier là quyết định dứt khoát, phù hợp với thực tế và mong muốn của người hâm mộ. Thất bại của các đội tuyển bóng đá quốc gia không chỉ đến từ nguyên nhân triết lý, cách bố trí nhân sự của ông Troussier mà còn là cách chọn người không phù hợp của lãnh đạo VFF.

Đội tuyển quốc gia là đại diện tiêu biểu nhất cho hình ảnh của thể thao Việt Nam và thể hiện khát vọng, ý chí vươn tầm của con người Việt Nam. Bởi vậy, khâu tuyển chọn HLV trưởng của đội cần được chú trọng và đánh giá toàn diện hơn.

Nếu nhà cầm quân đủ tài, đủ đức, phù hợp với con người Việt Nam và biết phát huy sức mạnh của từng cá nhân thì sẽ tạo nên một khối đoàn kết thống nhất. Nếu “thuyền trưởng” bảo thủ, không hiểu học trò và văn hóa bóng đá của nước sở tại thì sẽ khiến cả nền bóng đá thụt lùi.

Gần như đã hết cơ hội tại vòng loại World Cup 2026, bóng đá Việt Nam phải chờ thêm 4 năm nữa để nuôi tham vọng World Cup. Sự lỡ dở này ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch, chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam và thế hệ cầu thủ hiện tại. Một năm gắn bó với ông Troussier đã mang lại kết quả bết bát, hệ quả mà bóng đá Việt Nam nhận lại rất lớn.

Ông Troussier cho rằng, 80% cổ động viên không ủng hộ ông và đội tuyển; một bộ phận người hâm mộ đã bỏ về sớm khi trận Đội tuyển Việt Nam gặp Indonesia vẫn chưa kết thúc. Đó là biểu hiện của việc người hâm mộ mất niềm tin vào đội tuyển quốc gia và chiến lược phát triển bóng đá nước nhà.

H. NGHỊ - C. THẮNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/the-thao/202403/can-thay-doi-de-vuc-day-1006615/