CẦN SỚM XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH CÁC ĐIỀU LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN QUẢN LÝ VÀ XỬ LÝ RÁC THẢI ĐMT

Theo PGS.TS.Đặng Đình Thống, Hội Khoa học công nghệ Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA), Việt Nam cần quan tâm, học tập kinh nghiệm các nước đi trước về phát triển điện mặt trời (ĐMT) để sớm xây dựng và ban hành các điều luật liên quan đến quản lý và xử lý tái chế rác thải ĐMT, nhằm bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên, năng lượng.

Với sự phát triển mạnh mẽ của điện mặt trời thì khối lượng rác thải từ các tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng cũng sẽ tăng lên rất lớn

Rác thải điện mặt trời

PGS.TS.Đặng Đình Thống cho biết, nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế, xã hội trên toàn thế giới không ngừng tăng lên, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển. Trong khi đó, các nguồn năng lượng hóa thạch (than, dầu, khí tự nhiên) vừa đã bị khai thác cạn kiệt và vừa gây ra ô nhiễm môi trường do phát thải khí nhà kính, dẫn đến hiện tượng biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Việt Nam lại nằm trong số quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh đó, thì việc tìm kiếm các nguồn và công nghệ năng lượng mới, vừa phải có trữ lượng lớn, vừa sạch (ít gây ra phát thải khí nhà kính) là điều tất yếu. Nguồn ĐMT là một trong các loại nguồn năng lượng đáp ứng được các yêu cầu nói trên vì nguồn này sử dụng “nhiên liệu” tự nhiên là năng lượng mặt trời, vừa có “trữ lượng” gần như vô tận và vừa sạch, thân thiện với môi trường.

Vì vậy, trong thời gian gần đây, nguồn ĐMT phát triển rất mạnh mẽ trên khắp thế giới. Chỉ trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2019, tổng công suất ĐMT trên thế giới đã tăng từ 23 GW (năm 2019) lên 627 GW (năm 2010), tức là đã tăng hơn 27 lần. Tốc độ tăng trưởng trung bình của công suất lắp đặt ĐMT là trên 55%/năm, rất ấn tượng.

Theo dự báo của của Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế, IRENA, thì trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2050, công suất lắp đặt ĐMT trên thế giới sẽ tăng hơn 5,4 lần, từ khoảng 850 GW lên đến 4.600GW.

PGS.TS. Đặng Đình Thống nhấn mạnh, do công suất các nguồn ĐMT được lắp đặt tăng rất nhanh, nên lượng rác thải ĐMT, tất nhiên, cũng sẽ tăng lên nhanh. Tuy nhiên, vì rác thải sẽ phát sinh chậm hơn (sau 20-25 năm) nên tốc độ tăng của lượng rác thải không đồng pha với sự tăng công suất ĐMT. Do đó, từ sau năm 2040 lượng rác thải mới trở nên đáng kể.

Từ thực tế này, PGS.TS. Đặng Đình Thống đặt vấn đề “Rác thải ĐMT ở Việt Nam sẽ như thế nào?”. Theo bản Quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là QHĐ VIII; Bản dự thảo lần cuối đã trình Thủ tướng Chính phủ, do Viện Năng Lượng, Bộ Công Thương chủ trì xây dựng) thì công suất ĐMT lắp đặt sẽ tăng lên nhanh chóng, từ 16.640 MW vào năm 2020, lên 20.140 MW và 71.890 MW vào các năm 2030 và 2045.

Ảnh hưởng của rác thải ĐMT và công nghệ xử lý tái chế

PGS.TS. Đặng Đình Thống cho rằng, bất kỳ một loại rác thải nào, dù độc hại hay không độc hại, khối lượng ít hay nhiều, nếu không được thu gom, quản lý và xử lý đúng kỹ thuật thì đều gây ra ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội. Rác thải ĐMT cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, đối với rác thải ĐMT thì việc thu gom, xử lý không chỉ là để bảo vệ môi trường, mà điều người ta quan tâm hơn, là còn để thu hồi các vật liệu, sử dụng lại chúng, và do đó sẽ tiết kiệm tài nguyên và mang lại các lợi ích khác về mặt kinh tế và xã hội.

Việc thu gom, xử lý và tái chế rác thải ĐMT là rất cần thiết nhằm bảo vệ môi trường và thu hồi các vật liệu trong tấm pin mặt trời (PMT) để sử dụng lại cho sản xuất tấm PMT mới. Như vậy, rõ ràng là, việc xử lý tái chế rác thải ĐMT vừa tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên do không phải khai thác vật liệu mới, vừa tiết kiệm năng lượng do không phải tinh luyện các vật liệu mới. Do đó, có thể nói, việc xử lý tái chế rác thải ĐMT đạt được kết quả “kép” về mặt bảo vệ môi trường.

Qua phân tích, các vật liệu như thủy tinh, nhôm, các kim loại nặng, có thể xử lý và thu hồi lại được trên 95% (so với khối lượng tấm PMT phế thải). Đối với Si tinh thể - vật liệu chính để sản xuất PMT – có thể thu hồi được khoảng 81%. Với tỷ lệ thu hồi cao như thế, thì việc thu gom, xử lý tái chế sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường rất lớn.

Hiện nay đã có một số công nghệ xử lý tái chế được thử nghiệm, một vài trong đó đã được thương mại hóa, và bước đầu thu được kết quả tốt. Mục tiêu của công nghệ xử lý tái chế là phân tách, tinh lọc và thu hồi các vật liệu trong tấm PMT hết hạn sử dụng để sử dụng lại chúng.

Công nghệ xử lý tái chế rác thải ĐMT là một công nghệ tổng hợp gồm nhiều công đoạn, mỗi công đoạn sử dụng một công nghệ xử lý thích hợp. Như vậy, các công nghệ xử lý tái chế là một thành phần trong chuỗi tuần hoàn: sản xuất – sử dụng – xử lý tái chế - sản xuất.

Nói chung, công nghệ xử lý tái chế rác thải ĐMT gồm 3 công đoạn chính là xử lý cơ học, xử lý nhiệt và xử lý hóa học. Để tăng hiệu quả xử lý trong từng công đoạn người ta có thể sử dụng thêm các kỹ thuật hỗ trợ như kỹ thuật siêu âm, laser, v.v… Một số công nghệ đã được thử nghiệm và cho kết quả tốt như: Công nghệ của PV Cycle;...

Cơ chế, chính sách đối với rác thải ĐMT

PGS.TS. Đặng Đình Thống khẳng định, đến nay, quy mô công suất ĐMT trên thế giới đã rất lớn. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều quốc gia chưa có các chính sách, điều luật về xử lý tái chế rác thải ĐMT, trừ khối công đồng Châu Âu (EU).

Theo PGS.TS. Đặng Đình Thống, lý do chính là vì ĐMT chỉ mới phát triển mạnh trong một vài thập niên gần đây. Trong khi đó, tuổi thọ của các tấm PMT lại khá dài, từ 20 đến 25 năm, nên hiện nay khối lượng rác thải ĐMT chưa nhiều, chưa ảnh hưởng lớn đến môi trường. Các nhà khoa học đã đánh giá rằng, chỉ từ sau năm 2040, khối lượng rác thải ĐMT mới đáng kể, cần phải xử lý và các công nghệ xử lý tái chế mới có hiệu quả về mặt kinh tế.

EU là khu vực đầu tiên trên thế giới ban hành luật về rác thải ĐMT, trong đó rác thải ĐMT được xem như một loại rác thải điện tử. Đạo luật này của EU có các điều luật về thu gom, quản lý, tái chế và tái sử dụng các vật liệu tái chế để sản xuất tấm PMT mới. Nói riêng, Thông tư WEEE (Waste Electrical and Electronic Equipment) đã chi tiết hóa và qui định rằng, tất cả các nhà sản xuất và nhập khẩu tấm PMT phải chịu trách nhiệm về thu gom, quản lý, xử lý tái chế các tấm PMT hết hạn sử dụng mà họ trước đây họ đã cung cấp. Ngoài ra, tất cả các nhà sản xuất hoặc nhập khẩu các vật liệu PMT, kể cả tấm PMT, phải đăng ký sản phẩm, trong đó tất cả các số liệu về tấm PMT phải được nhà sản xuất cung cấp đầy đủ cho các chính phủ.

Các quốc gia đi đầu thực hiện Thông tư WEEE gồm Vương quốc Anh, CHLB Đức, Cộng hòa và Ý, v.v... Các quốc gia này đã chi tiết hóa và đưa ra các cơ chế, qui định, hình thức cụ thể riêng, v.v… để khuyến khích hay bắt buộc đối với các hoạt động thu gom, quản lý và xử lý tái chế rác thải ĐMT phù hợp với điều kiện mỗi nước.

Ngoài các quốc gia khối EU, thì Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc, Thái Lan, v.v… đều đã nhận thấy cần phải xây dựng và ban hành các điều luật, các chính sách, cơ chế nhằm khuyến khích, thậm chí bắt buộc về thu gom, quản lý, xử lý tái chế rác thải ĐMT và tái sử dụng các vật liệu tái chế. Các quốc gia này đã bắt đầu có các điều luật, các qui định liên quan đến trách nhiệm đối với việc xử lý rác thải ĐMT.

PGS.TS. Đặng Đình Thống nhấn mạnh, ĐMT ở Việt Nam chỉ mới phát triển trong vài ba năm trở lại đây nhưng đã đã được công suất tương đối lớn (gần 20.000 MW). Tuy nhiên, phải sau ít nhất là 20 năm nữa thì lượng các tấm PMT hết hạn sử dụng mới đáng kể. Mặc dù vậy, chúng ta cũng cần quan tâm, học tập kinh nghiệm các nước đi trước về phát triển ĐMT để sớm xây dựng và ban hành các điều luật liên quan đến quản lý và xử lý tái chế rác thải ĐMT, nhằm bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên, năng lượng./.

Lan Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=61404