Cần quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong đảm bảo bí mật thông tin

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 25/10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).

Quang cảnh phiên thảo luận chiều 25/10

Quang cảnh phiên thảo luận chiều 25/10

Quy trách nhiệm doanh nghiệp viễn thông, chủ thuê bao để xử lý sim rác

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi). Trong đó, sửa đổi, bổ sung 51 Điều về nội dung; sửa đổi, bổ sung 5 Điều về kỹ thuật; bãi bỏ một số quy định tại 21 Điều.

Về quản lý thông tin thuê bao, ngăn chặn sim không đúng thông tin thuê bao - sim rác, cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, một số ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ về quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông và chủ sở hữu thuê bao trong quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý sim rác, cuộc gọi, tin nhắn rác, cuộc gọi lừa đảo đối với các tài khoản mạng xã hội và mọi hoạt động liên quan đến thuê bao di động; quy định xử lý chủ thuê bao này nếu có vi phạm liên quan đến thuê bao di động đó.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã bổ sung các quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông, người sử dụng dịch vụ viễn thông trong việc quản lý thông tin thuê bao, ngăn chặn, xử lý sim không đúng thông tin thuê bao, cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, cuộc gọi lừa đảo.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi)

Đồng thời, để tăng cường các biện pháp ngăn chặn cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, cuộc gọi lừa đảo, dự thảo luật đã bổ sung quy định hành vi cấm sử dụng thiết bị, phần mềm xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông công cộng tại khoản 5 Điều 9.

Về ý kiến đề nghị quy định các chủ thuê bao di động phải chịu trách nhiệm đối với các tài khoản mạng xã hội và mọi hoạt động liên quan đến thuê bao di động mà cá nhân đó là chủ, quy định chế tài xử lý đối với các chủ thuê bao này nếu để xảy ra các vi phạm liên quan đến thuê bao di động đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, điểm c khoản 2 Điều 15 đã quy định người sử dụng dịch vụ viễn thông phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin truyền đưa, lưu giữ trên mạng viễn thông. Quy định này đã bao gồm cả trường hợp thông tin được đăng tải sử dụng tài khoản mạng xã hội.

Chế tài cụ thể để xử lý các vi phạm về nội dung thông tin sẽ được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về quản lý nội dung thông tin trên mạng viễn thông. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không bổ sung nội dung này vào dự thảo luật.

Chia nhóm số thuê bao di động để đánh giá đúng giá trị

Về đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet, Chủ nhiệm Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến đề nghị cần tháo gỡ các vướng mắc, bảo đảm triển khai việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng quy định các loại tài nguyên viễn thông cấp qua hình thức đấu giá. Tiếp đó, quy định cách thức xác định giá khởi điểm cho từng loại tài nguyên trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế và mức tiêu dùng của người dân.

Theo đó, giá khởi điểm để đấu giá số thuê bao di động được xác định bằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá tính cho một ngày. Dự thảo luật cũng quy định trình tự, thủ tục đấu giá thực hiện theo pháp luật về đấu giá tài sản.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nêu ý kiến thảo luận

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nêu ý kiến thảo luận

Góp ý nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng thực tế có rất nhiều số thuê bao có giá trị cao so với giá khởi điểm. Ông đề nghị những số thuê bao dịch vụ viễn thông cũng cần được chia ra các nhóm để đánh giá đúng giá trị tiềm năng, nhằm tăng thu ngân sách, cũng làm giảm thiểu các trường hợp bỏ cọc, trúng đấu giá mà không lấy.

Nếu không phân nhóm sẽ xảy ra nhiều trường hợp bỏ cọc khi nhiều số trúng đấu giá lên tới vài chục, vài trăm triệu đến vài tỉ đồng. Người trúng đấu giá sau đó thấy không phù hợp với nhu cầu thì họ sẽ trả lại số đấu giá và chỉ mất cọc tương đương với 262 nghìn đồng - giá khởi điểm thấp nhất theo Dự thảo Luật Viễn thông.

Đại biểu cũng đề cập đến những số có giá trị cao, đồng thời tham khảo thí điểm đấu giá biển số xe ôtô. Từ đó đề nghị việc phân nhóm này giao cho bộ chủ quản quy định cụ thể.

Quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong đảm bảo bí mật thông tin

Góp ý về một số nội dung cụ thể liên quan đến bảo đảm bí mật thông tin, ĐBQH Dương Tấn Quân (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, theo quy định hiện hành, người sử dụng dịch vụ viễn thông tiết lộ thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông đã thể hiện rõ việc thu thập thông tin phải được sự đồng ý của người sử dụng dịch vụ và việc đồng ý đó có thể được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau.

Đại biểu Dương Tấn Quân nêu ý kiến thảo luận

Đại biểu Dương Tấn Quân nêu ý kiến thảo luận

Tuy nhiên, tại dự thảo luật lại quy định, người sử dụng dịch vụ viễn thông đồng ý cung cấp thông tin thuê bao sau khi doanh nghiệp viễn thông đã thông báo rõ ràng công khai bằng hình thức phù hợp với người sử dụng về mục đích, phạm vi thu thập, sử dụng thông tin.

Theo đại biểu, quy định như vậy chưa phù hợp, do vậy cần cân nhắc theo hướng không nên quy định việc này cho doanh nghiệp viễn thông mà nên quy định trách nhiệm này cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc chia sẻ, bảo mật thông tin với điều kiện đã được trang bị thiết bị công nghệ kỹ thuật công nghệ thông tin hiện đại, kiểm soát người sử dụng bị khai thác thông tin, dẫn đến lộ lọt thông tin cá nhân.

Về quyền, nghĩa vụ của đại lý dịch vụ viễn thông tại Điều 14, đại biểu đề nghị xem xét sửa đổi bổ sung điểm c, khoản 2, Điều 14 liên quan đến quy định về chịu sự kiểm tra kiểm soát của doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng đại lý dịch vụ viễn thông thành chịu sự kiểm tra kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước địa phương, để đảm bảo vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên ngành có liên quan./.

Thế Công

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/can-quy-dinh-trach-nhiem-cua-co-quan-quan-ly-nha-nuoc-trong-dam-bao-bi-mat-thong-tin-20231025182152868.htm